Hơn 6.000 chuyến bay chậm giờ, Cục Hàng không chỉ đạo "nóng"

Tác giả: M.Thành

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 05/08/2022 19:25

Cục Hàng không VN yêu cầu các hãng hàng không thực hiện nghiêm các chuyến bay theo đúng slot đã được cấp; luôn bố trí đại diện có thẩm quyền giải quyết thắc mắc, khiếu nại của hành khách.


 

Trong tháng 7/2022, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt gần 12 triệu lượt nhưng số chuyến bay bị chậm, hủy cũng ở mức cao

Trong tháng 7/2022, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt gần 12 triệu lượt nhưng số chuyến bay bị chậm, hủy cũng ở mức cao

18,2% số chuyến bay bị chậm

Thông tin từ Cục Hàng không VN cho hay, trong tháng 7/2022, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt gần 12 triệu lượt hành khách, trong đó sản lượng khách trên các chuyến bay nội địa đạt hơn 10,5 triệu lượt hành khách, tăng 40,3% so với tháng 7/2019 (cùng thời điểm cao điểm hè nhưng trước dịch Covid-19) và tăng gần 6% so với tháng 6/2022.

Trong điều kiện hạ tầng tại các cảng hàng không của Việt Nam hầu như không được bổ sung, nguyên nhân khách quan từ tình hình thời tiết mưa dông bất thường tại nhiều địa phương có cảng hàng không và đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan từ hãng hàng không khi không đánh giá được nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến, khiến tình trạng chuyến bay bị chậm, huỷ trong tháng 7/2022 vào nhiều thời điểm đã tăng cao đột biến, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ ngành hàng không nói riêng và hình ảnh của ngành hàng không nói chung.

Theo thống kê của Cục Hàng không VN, trong tháng 7/2022, các hãng hàng không của Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo, Pacific, VASCO, Vietravel) khai thác 33.238 chuyến bay, trong đó có 27.185 chuyến bay cất cánh đúng giờ (chiếm 81,8%).

Trong khi đó, có 6.053 chuyến bay bị chậm (chiếm 18,2%) và 41 chuyến bay bị hủy (chiếm 0,12%).

Nhiều giải pháp khắc phục

Để khắc phục, hạn chế tình trạng chậm, huỷ chuyến bay, Cục Hàng không VN yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) bố trí trang thiết bị, nguồn lực nhằm tăng cường năng lực khai thác của các sân bay, đặc biệt là các sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Trong tháng 7/2022, các hãng hàng không của Việt Nam khai thác 33.238 chuyến bay, trong đó có 6.053 chuyến bay bị chậm (chiếm 18,2%) - ảnh minh họa

Trong tháng 7/2022, các hãng hàng không của Việt Nam khai thác 33.238 chuyến bay, trong đó có 6.053 chuyến bay bị chậm (chiếm 18,2%) - ảnh minh họa

Đối với các hãng hàng không Việt Nam, Cục Hàng không VN yêu cầu bố trí các chuyến bay đêm nhằm giảm áp lực đối với cảng hàng không; đảm bảo bố trí tàu bay, trang thiết bị, vật tư dự phòng để kịp thời bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay; thực hiện nghiêm các chuyến bay theo đúng slot đã được cấp; luôn bố trí đại diện có thẩm quyền giải quyết thắc mắc, khiếu nại của hành khách.

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, Cục Hàng không VN luôn bám sát và theo dõi chặt chẽ việc đảm bảo chất lượng dịch vụ nói chung và tỷ lệ chậm, hủy chuyến nói riêng của các hãng hàng không Việt Nam.

Bên cạnh đó yêu cầu các đơn vị trong ngành hàng không xây dựng, triển khai nhiều giải pháp mang tính tổng thể về nâng cao năng lực hạ tầng cảng hàng không cũng như các chương trình, kế hoạch cụ thể. Ví dụ như đối với các hãng hàng không: yêu cầu xây dựng lịch bay, điều hành, quản lý chuyến bay phù hợp với thực tiễn cơ sở hạ tầng, năng lực phục vụ của từng cảng hàng không, sân bay, kéo dãn lịch quay đầu tàu bay, hợp lý hóa các khâu của quá trình thủ tục, tăng cường việc điều hành trong công tác điều hành tổ bay để giảm việc chậm chuyến dây chuyền. 

Đối với các Cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Cục Hàng không VN yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn, an ninh hàng không và chất lượng dịch vụ tại cảng hàng không sân bay.

Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của người vận chuyển trong trường hợp hành khách bị từ chối vận chuyển, chuyến bay bị hủy, chuyến bay bị chậm kéo dài; cung cấp thông tin hướng dẫn hành khách đi lại bằng đường hàng không bảo đảm đúng lịch trình.

Song song với đó, giai đoạn vừa qua, Cục Hàng không VN đã tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình chậm, hủy chuyến tại các cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Nội Bài và tiếp tục triển khai một số giải pháp cụ thể như tăng năng lực quản lý điều hành bay; tối ưu hóa vị trí đỗ tàu bay; tăng cường hiệu quả của công tác quản lý, điều phối slot; nghiên cứu thời gian quay đầu tàu bay… 

Ý kiến của bạn

Bình luận