Sau khi hoàn thành, đường Vành đai 4 sẽ tạo kết nối giao thông liên hoàn từ miền Tây vào TP.HCM và các tỉnh lân cận. Ảnh: KC |
Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long vừa trình nghiên cứu tiền khả thi dự án thành phần đoạn Bến Lức - Hiệp Phước thuộc đường Vành đai 4 lên Bộ GTVT chờ thông qua.
“Chúng tôi đã trình Bộ GTVT về nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 4 đoạn Bến Lức - Hiệp Phước với tổng mức đầu tư khoảng 7.075 tỉ đồng” - ông Trần Văn Thi, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM ngày 17-4.
Theo ông Thi, nghiên cứu tiền khả thi trên đưa ra hình thức đầu tư dự án là PPP, hiện Bộ GTVT chưa có phản hồi về báo cáo của Tổng Công ty Cửu Long. “Khi có thông tin từ Bộ GTVT, chúng tôi sẽ thông báo cho báo chí biết” - ông Thi nói.
Theo đó, dự án có điểm đầu ở nút giao Bến Lức (gần nút giao với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương), điểm cuối kết nối với khu quy hoạch cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM). Chiều dài toàn tuyến khoảng 35,8 km, đi qua các địa phương gồm tỉnh Long An dài 32 km (huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc), TP.HCM dài 3,8 km (đi qua huyện Nhà Bè).
Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ có tám làn xe cao tốc, bốn làn đường đô thị và vỉa hè hai bên, bề rộng 74,5 m. Trên tuyến có 10 cầu vượt sông và một cầu vượt nút giao tại nút giao quốc lộ 1.
Nếu được thông qua chủ trương đầu tư, dự án có thể khởi công vào quý III-2020 và hoàn thành vào quý I-2023. Theo phương án tài chính thì dự án có thể hoàn vốn trong vòng 19 năm bảy tháng.
Đây là dự án rất cần thiết không chỉ để phát triển cảng Hiệp Phước mà còn cả khu đô thị Hiệp Phước ở TP.HCM.
Sau khi hình thành đường Vành đai 4 cùng với dự án đường Vành đai 3, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ tạo sự đồng bộ kết nối giao thông liên hoàn từ miền Tây vào TP.HCM và các tỉnh lân cận. Tuyến đường có vai trò tiếp nhận và giải tỏa lưu lượng giao thông, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô TP.HCM. Đồng thời, tuyến đường cũng tạo điều kiện thuận lợi kết nối khu vực ĐBSCL và khu vực miền Đông Nam bộ với khu cảng Hiệp Phước, cảng Long An; góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện phát triển dịch vụ cảng.
Trước đó, trong buổi làm việc với TP.HCM cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết theo quy hoạch TP.HCM có bốn đường vành đai, đã và đang thi công nhưng chưa khép kín (còn khoảng 13 km). “Đường Vành đai 3 và 4 là cực kỳ quan trọng, nếu không sớm hình thành thì giao thông TP sẽ vô cùng hỗn độn, bởi không có đường vành đai thì xe cộ phải chạy xuyên tâm” - ông Thể phát biểu.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.