Honda Tây Hồ sẽ tiếp tục chi gần 2.000 tỷ nắm quyền kiểm soát Hapro

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Doanh nhân 28/02/2018 06:40

Ngày 30/3 tới đây sẽ diễn ra phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).

\

photo1519719764816-15197197648171446824593
 

Theo kế hoạch đã được phê duyệt, vốn điều lệ Hapro sau cổ phần hóa lên tới 2.200 tỷ đồng, tương ứng số lượng cổ phần lưu hành là 220 triệu và Nhà nước sẽ không nắm giữ cổ phần sau IPO.

Hapro dự kiến sẽ bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 1,07 triệu cổ phần, chiếm 0,49% vốn điều lệ; 75,93 triệu cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 34,51% vốn điều lệ và 143 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 65% vốn điều lệ.

Với giá chào bán khởi điểm là 12.800 đồng/cp, Hapro dự kiến sẽ thu về tối thiểu 971 tỷ đồng từ đợt IPO này nếu diễn ra thành công.

Được biết, Hapro là Tổng công ty đầu tiên của Thành phố Hà Nội thực hiện cổ phần hóa. Hoạt động chính của doanh nghiệp này là kinh doanh thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu, phát triển hạ tầng thương mại.

BRG Group sẽ trở thành cổ đông chiến lược của Hapro?

Hiện tại, UBND TP. Hà Nội hiện đã phê duyệt cho Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) tham gia mua toàn bộ 65% cổ phần Hapro và trở thành cổ đông chiến lược của Hapro. Mức giá chào bán tối thiểu sẽ không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của phiên IPO. Như vậy, mức giá tối thiểu Vinamco bỏ ra để trở thành cổ đông chiến lược của Hapro vào khoảng 1.830 tỷ đồng.

Vinamco không còn là cái tên quá xa lạ trong những thương vụ IPO, thoái vốn Nhà nước những năm gần đây khi doanh nghiệp này từng chi ra 1.250 tỷ đồng để mua 97,7% cổ phần của Tổng công ty Vinamotor từ Bộ Giao thông vận tải. Ngoài ra, Vinamco cũng từng ngỏ ý tham gia mua 36% cổ phần của Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) trong năm 2016.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Vinamco đang vận hành showroom Honda Tây Hồ - một đại lý lớn của Honda Việt Nam tại số 197A - đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ngoài Vinamotor, hiện Vinamco còn là cổ đông chiến lược của công ty Thương mại Thời trang Hà Nội (Hafasco) và nắm giữ cổ phần của Cảng Sài Gòn.

Vinamco cũng có liên hệ mật thiết với BRG Group, tập đoàn được biết đến với một loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng như khách sạn Hilton Hà Nội, sân golf Đồng Mô, sân golf Đồ Sơn…. Ngoài ra, BRG Group cũng tham gia đầu tư vào khá nhiều đợt IPO lớn trong những năm qua như trở thành cổ đông chiến lược của Thăng Long GTC, OSC Việt Nam, In Trần Phú…

Ngoài Vinamco, hiện chưa có đối tác nào sẵn sàng để trở thành cổ đông chiến lược của Hapro. Như vậy, nhiều khả năng Vinamco sẽ "một mình một ngựa" trở thành cổ đông chiến lược của Hapro.

Hapro có gì hấp dẫn?

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, doanh thu Hapro trong những năm gần đây thường xoay quanh ngưỡng 3.000 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận mà Hapro đạt được là khá khiêm tốn và hiếm năm nào vượt quá 40 tỷ đồng.

Mặc dù KQKD không thực sự khả quan nhưng bù lại, điểm hấp dẫn của Hapro lại đến từ quỹ đất mà doanh nghiệp này quản lý.

Hapro được biết đến là đơn vị đang quản lý, sử dụng và đầu tư vào nhiều dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lớn. Đáng chú ý như Dự án TTTM, văn phòng số 5 Lê Duẩn cao 9 tầng, Hà Nội hợp tác với Tập đoàn vàng bạc đá quý có diện tích đất 1.624 m2; Khu đất 38+40 Lê Thái Tổ, Hà Nội với diện tích 572 m2 đang chờ quyết định nhận chuyển nhượng của Thành phố; Khu đất 362 Phố Huế với diện tích 618 m2; Tổ hợp thương mại văn phòng 15 tầng với diện tích đất gần 3.000 m2 tại số 11B Cát Linh…cũng như vô số "đất vàng" khác tại các khu vực trung tâm Hà Nội.

Một đơn vị thành viên của Hapro là Hapro Holdings được thành lập vào 2007 chuyên đầu tư các khu mặt bằng thương mại như Quang Hanh (Cẩm Phả, Quảng Ninh) 2ha, Bắc Giang (6000m2), Phủ Lý–Hà Nam (1922m2), Hưng Hà – Thái Bình 10.000m2, Đa Tốn – Gia Lâm 23.730m2, Sóc Sơn 6.340m2, Hapro Việt Trì 5,5ha…Ngoài ra, Hapro Holdings còn đang phát triển một khu biệt thự cao cấp ở Phú Quốc có diện tích 6,5ha.

Trụ sở của Hapro trên đường Lê Thái Tổ nhìn thẳng ra hồ Hoàn Kiếm

Bên cạnh đó, một số công ty thành viên, công ty con mà Hapro đang nắm giữ cũng đang quản lý và sử dụng nhiều BĐS ở các tỉnh, thành phố lớn.

Và có lẽ, quỹ đất rộng lớn mà Hapro đang quản lý mới thực sự là điểm thu hút các cổ đông chiến lược tham gia mua cổ phần.

Ý kiến của bạn

Bình luận