Hồng Kông là một thành phố nhỏ với mật độ dân cư rất cao nên tại đây có sự hiện diện của rất nhiều khu giao thông hỗn hợp |
Đường sắt - “xương sống” của giao thông hồng kông
Hồng Kông là một thành phố nhỏ với mật độ dân cư rất cao nên tại đây có sự hiện diện của rất nhiều loại hình giao thông hỗn hợp - nơi có sự đan xen của nhiều công trình hạ tầng và các phương tiện giao thông khác nhau.
Hệ thống giao thông toàn diện của Hồng Kông được khởi xướng và xây dựng từ những năm 1970, với “xương sống” là tuyến tàu điện ngầm MTR và tuyến tàu đường sắt hạng nhẹ Kowloon-Canton (KCR) có chức năng kết nối giữa Hồng Kông và Trung Hoa đại lục. Tháng 12/2007, hai hệ thống đường sắt trên sáp nhập với nhau đã tạo nên dấu mốc quan trọng trong sự phát triển ngành Đường sắt Hồng Kông. Sự sáp nhập này đã tạo nên động lực mới cho kinh tế, khi thu hút khoảng 2,8 triệu lượt khách đi bằng đường sắt mỗi ngày, chiếm 40% lượng vận tải hành khách công cộng ở Hồng Kông.
60% lượng vận tải hành khách công cộng còn lại được chia sẻ cho xe điện, taxi, phà, máy bay…, trong đó đáng chú ý là hệ thống xe điện quy mô hoạt động ở các khu vực phía Bắc Hồng Kông. Đây là hệ thống xe điện duy nhất trên thế giới chỉ chạy loại xe buýt hai tầng. Hệ thống xe điện được mở cửa tự do cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư, cụ thể là 5 công ty riêng rẽ (KMB, Citybus, NWFB, Long Win và NLB) cung cấp dịch vụ xe buýt công cộng nhượng quyền chạy suốt chiều dài và chiều rộng của Hồng Kông.
Hồng Kông có một sân bay quốc tế còn hoạt động là Sân bay Quốc tế Hồng Kông tọa lạc tại đảo Xích Liệp Giác. Đây là một trong những sân bay tốt nhất thế giới, phục vụ trung bình hơn 40 triệu khách/năm. Chính quyền Hồng Kông bố trí nhiều phương tiện kết nối mọi khu vực trên đảo với sân bay để phục vụ nhu cầu của người dân như tàu điện sân bay Airport Express, xe buýt CityFlyers và Airbuses.
Để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, chính quyền Hồng Kông luôn duy trì những chính sách hạn chế phương tiện cá nhân như tăng thuế trước bạ và thường xuyên thanh tra các xe trên 6 năm tuổi. Sự đa dạng và thuận tiện của các loại hình giao thông, đặc biệt là giao thông công cộng đã giúp Hồng Kông trở thành nơi có tỉ lệ người dân sử dụng phương tiện công cộng cao nhất thế giới, lên đến 90%; tỉ lệ đăng ký phương tiện giao thông trên đầu người thấp thứ hai thế giới với 58,2/100, chỉ đứng sau Stockholm của Thụy Điển với tỷ lệ 54,7/100.
Bảo trì đường bộ theo phương thức ppp
Trong lĩnh vực quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Hồng Kông có một hệ thống đường sá hiện đại dài hơn 2.000km, với 3 đường hầm xuyên biển, 9 hầm đường bộ và 3 cây cầu lớn. Với số lượng xe cơ giới khoảng hơn nửa triệu phương tiện, đường phố ở Hồng Kông có mật độ cao nhất trên thế giới. Chính vì vậy, “sự lão hóa” nhanh chóng của hạ tầng giao thông là thách thức lớn đối với Hồng Kông. Mỗi năm, thành phố này dành hơn 700 triệu đô la Hồng Kông để bảo trì hệ thống đường cao tốc của mình. Với mục tiêu là để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông và duy trì diện mạo văn minh của thành phố.
Từ năm 2002, Hồng Kông đã áp dụng mô hình hợp tác công - tư (PPP) cho các dự án bảo trì, nâng cấp đường cao tốc thay cho phương thức đấu thầu truyền thống. Trong hoàn cảnh nhu cầu cơ sở hạ tầng ngày càng lớn mà ngân sách của chính quyền Hồng Kông lại có hạn, PPP như một sự “cứu cánh”, giúp thu hút tối đa các nguồn lực tư nhân để phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông. Các nhà quản lý giao thông Hồng Kông đã sớm nhận thấy nhiều lợi ích từ PPP như tạo ra nhiều khoản đầu tư hơn cho kết cấu hạ tầng giao thông, tạo ra sự ổn định và tăng trưởng cho khu vực tư nhân, phân bố, quản lý rủi ro tốt và hiệu quả hơn, nâng cao được chất lượng thi công và đặc biệt là tiết kiệm chi phí hơn. Tại sao lại tiết kiệm chi phí hơn? Bởi khi áp dụng PPP vào các dự án bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ, các khu vực tư nhân sẽ có trách nhiệm bảo trì trong suốt vòng đời của dự án. Khi đó, khu vực tư nhân sẽ buộc phải đưa ra các giải pháp về công nghệ, quản lý, nguồn lực để giảm thiểu chi phí cũng như nâng cao chất lượng công trình trong suốt vòng đời công trình. Đây là điều mà chính quyền Hồng Kông có có thể đảm bảo một mình do những hạn chế về ngân sách.
Ngay sau năm đầu áp dụng phương thức này vào bảo trì đường bộ, Hồng Kông đã thấy được những thay đổi tích cực, khi cắt giảm được tới 90% số lượng hạng mục cần đặt hàng, tiết kiệm được phần lớn chi phí và thời gian sử dụng nhân công. Dưới đây là bảng so sánh chi phí bảo trì đường bộ ở Hồng Kông từ năm 2001 - 2004:
Với những phương thức quản lý, vận hành ưu việt mà hệ thống giao thông Hồng Kông có được diện mạo hiện đại, thông thoáng và văn minh như ngày nay, góp phần biến nơi đây trở thành một trong những thành phố du lịch hấp dẫn nhất châu Á và thế giới.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.