Tháng 8/2022, cùng với việc công bố xếp hạng của các trường đại học quốc tế, Tổ chức Xếp hạng đại học Webometrics tiếp tục công bố danh sách các trường đại học theo chỉ số khoa học. Chỉ số xếp hạng này được căn cứ trên số lượng trích dẫn 210 hồ sơ khoa học của trường được công bố trên dữ liệu các nhà khoa học Google Scholar.
Theo phương pháp đánh giá này, Trường Đại học GTVT là một trong 41 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam lọt vào danh sách xếp hạng này với chỉ số trích dẫn tổng thể trên các hồ sơ khoa học của Nhà trường là 5597, tiếp tục là một trong năm trường đại học kỹ thuật có chỉ số công bố tốt nhất.
Có được thành quả này, các hoạt động về hợp tác đối ngoại và nghiên cứu phát triển của Trường Đại học GTVT đã có những đóng góp cụ thể, thiết thực trên tất cả các mặt hoạt động. Trong đó, công tác đối ngoại có những bước phát triển cụ thể theo chiều sâu, thực hiện cụ thể hóa chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2021 - 2030.
Tích cực tìm kiếm và triển khai có hiệu quả các dự án quốc tế
Năm 2022, tiếp tục mục tiêu chung trở thành thành viên tích cực và có trách nhiệm của các tổ chức hợp tác quốc tế, từ đó khẳng định vị thế và mở rộng uy tín, tìm kiếm những nguồn đầu tư để nâng cao chất lượng đội ngũ và cơ sở vật chất cho nhà trường, Trường Đại học GTVT đã tích cực tham gia và được đánh giá rất cao về chất lượng triển khai các dự án quốc tế, nổi bật như: Dự án Hiện đại hóa, xây dựng và nâng cao năng lực chương trình đào tạo thạc sỹ về ATGT ở các trường đại học châu Á; Dự án "Đổi mới quản trị đại học tại Đông Nam Á-PURSEA"; Dự án "Hợp tác nâng cao đào tạo liên quốc gia và Bình đẳng giới trong lĩnh vực giao thông ở Việt Nam"; Dự án "Khảo sát các chính sách và quy hoạch giao thông tại Việt Nam"; Dự án "Nghiên cứu và phát triển xe cá nhân".
Cũng trong năm 2022, Trường Đại học GTVT đã tích cực, chủ động tìm kiếm các nguồn hỗ trợ quốc tế để chuẩn bị cho các dự án hợp tác về đào tạo, nghiên cứu triển khai từ năm 2023. Nhiều dự án do Trường Đại học GTVT phối hợp với các tổ chức, cơ sở giáo dục quốc tế đã được phê duyệt để triển khai từ năm 2023, tiêu biểu như: Dự án "Tăng cường đào tạo một phần trực tuyến áp dụng cho chương trình Pháp ngữ"; Dự án "Đánh giá hệ thống thoát nước và khả năng ứng dụng thực tế"; Dự án "Xây dựng mô-đun đa phương thức SDG13-Climate Action để hỗ trợ các cộng đồng liên đại học thực tập và nâng cao năng lực đào tạo về phát triển bền vững" do Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và British Council UK tài trợ…
Hợp tác đào tạo, khoa học quốc tế đi vào chiều sâu
Để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực trong thời đại mới, giai đoạn vừa qua, Trường Đại học GTVT đã chủ động, tăng cường triển khai các chương trình hợp tác đào tạo quốc tế bậc đại học như: Chương trình tiên tiến Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông; Chương trình liên kết đào tạo ngành Quản lý xây dựng hợp tác với Trường Đại học Bedfordshire (Vương quốc Anh); Chương trình liên kết đào tạo kỹ sư trình độ cao phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp kéo dài trong vòng 1 năm theo mô hình hợp tác giữa ba bên là Trường Đại học GTVT, Công ty Nissan Automotie Technology Việt Nam và Công ty Pasona Tech Việt Nam; phối hợp với tổ chức HuReDee (Nhật Bản) triển khai khóa học thứ tư đào tạo tiếng Nhật và kỹ năng làm việc trong môi trường Nhật Bản cho sinh viên năm cuối của Khoa Công trình, Kỹ thuật xây dựng và Đào tạo quốc tế. Khóa học năm qua đã tuyển chọn được 23 sinh viên xuất sắc có cơ hội làm việc tại Nhật Bản theo diện visa kỹ sư sau khi sinh viên tốt nghiệp chuyên môn và hoàn thành khóa học.
Bên cạnh đó, hoạt động trao đổi sinh viên quốc tế cũng được tái khởi động sau những gián đoạn của đại dịch Covid-19 và hoạt động của các giáo sư nước ngoài tại Trường Đại học GTVT đi vào thực chất, giúp nâng cao uy tín về học thuật của trường. Theo đó, Nhà trường đã tiếp đón nhiều lượt giáo sư, nhà khoa học từ các trung tâm khoa học công nghệ có uy tín trên thế giới đến giảng dạy, trao đổi học thuật, đồng thời tiếp nhận nhiều lượt sinh viên quốc tế từ Cộng hòa Pháp, Nhật Bản đến tham gia học tập trao đổi tại trường.
Trong khuôn khổ các hoạt động này, bài giảng đại chúng do Giáo sư Michael Lehmann (Chủ tịch Hiệp hội Đường sắt quốc tế) về kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao và GS. Dimitar Borisov - Đại học Công nghệ hóa học và Luyện kim Bulgaria về vấn đề quyết định dựa trên nhiều điều kiện và hướng đến hài lòng của khách hàng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học trong ngành, đem đến tác động xã hội lớn và được xem như một bước chuyển mới trong công tác đưa các giáo sư quốc tế đầu ngành đến gần với hoạt động đào tạo của Trường Đại học GTVT.
Ngay sau khi bước ra khỏi đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, Trường Đại học GTVT đã phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức thành công nhiều hội thảo quan trọng trong lĩnh vực GTVT, được giới chuyên môn đánh giá cao.
Năm qua, việc mở rộng và cụ thể hóa các thỏa thuận hợp tác quốc tế tiếp tục được chú trọng với nhiều biên bản hợp tác được ký mới với các đối tác. Theo đó, Nhà trường đã tổ chức 7 đoàn công tác học tập kinh nghiệm, trao đổi về chương trình đào tạo ở nước ngoài và tiếp đón 25 đoàn công tác quốc tế đến thăm, làm việc tại Nhà trường, từ đó mở ra các cơ hội hợp tác về đào tạo và nghiên cứu quốc tế tại Trường Đại học GTVT.
Đặc biệt, tại Diễn đàn Hợp tác giáo dục Việt Nam - Australia, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đại sứ Australia tại Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT và GS. Glen Coleman - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Southern Queensland đã trình bản ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hiệu trưởng hai nhà trường.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.