Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội chăm lo tốt quyền lợi và đời sống của người lao động thông qua tổ chức công đoàn. Ảnh: Nhật Nam |
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, các cấp Công đoàn Thủ đô đang hướng mạnh về cơ sở, tập trung bảo vệ quyền lợi cũng như hỗ trợ công nhân lao động (CNLĐ) vươn lên trong cuộc sống.
Cụ thể và thiết thực
Chị Nguyễn Thị Hà và các công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội rất an tâm vì các chế độ, quyền lợi của người lao động trong công ty luôn được bảo đảm. Bên cạnh mức lương trung bình khoảng 7,5 triệu đồng/tháng, hằng ngày, bữa ăn ca của người lao động được công ty phục vụ chu đáo, đủ chất và lượng, bảo đảm sức khỏe. Vào những ngày nóng nực, công nhân còn được phục vụ nước giải khát, chè đá. Những động thái chăm sóc dù nhỏ này cũng đã khiến mọi người nỗ lực làm việc tốt hơn. Có được điều đó, là nhờ Công đoàn đã tích cực vận động, phối hợp cùng lãnh đạo công ty tổ chức hội nghị người lao động hằng năm, bàn thảo về các chế độ, chính sách hết sức cụ thể, thiết thực với CNLĐ, trong đó có chất lượng bữa ăn ca, lương, thưởng, phụ cấp…
Tại các hội nghị người lao động, Công đoàn cùng với lãnh đạo công ty, CNLĐ thông qua thỏa ước lao động tập thể, quy định cụ thể về các chế độ, chính sách cho CNLĐ. Theo đó, người lao động tại công ty được hưởng lợi nhiều hơn so với luật định, được đi tham quan nghỉ mát, được hỗ trợ khi gặp khó khăn, chữa bệnh, khi có hiếu, hỷ, sinh nhật… Từ đó, mọi người thêm gắn bó với doanh nghiệp, tích cực tham gia các cuộc thi thợ giỏi, sáng kiến - sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp công ty ngày càng phát triển.
Câu chuyện ở Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội chỉ là một ví dụ về sự quan tâm từ tổ chức Công đoàn đối với người lao động. Trên toàn thành phố, các cấp Công đoàn đã tập trung bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động với nhiều hoạt động thiết thực. Theo ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp - chế xuất (KCN-CX) Hà Nội, từ đầu năm 2016, hoạt động của Công đoàn đã chuyển hướng mạnh về cơ sở theo hướng thiết thực, tập trung vì quyền lợi của người lao động.
Ngoài việc biểu dương công nhân giỏi, “sáng kiến, sáng tạo”, Công đoàn đã tăng cường giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với CNLĐ, kiến nghị thành phố phối hợp giải quyết, đồng thời rà soát để kịp thời hỗ trợ CNLĐ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, Công đoàn các KCN-CX cũng đã bám sát đời sống của CNLĐ, kịp thời tham gia giải quyết khi xảy ra tranh chấp lao động, đình công. Nhờ những nỗ lực này, Công đoàn đã góp phần ổn định tình hình sản xuất - kinh doanh, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, lo đủ việc làm và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Phải tiếp tục nỗ lực, sáng tạo
Mặc dù đã có nhiều cải thiện đáng kể, nhưng rõ ràng đời sống CNLĐ vẫn còn không ít khó khăn, như tình trạng thiếu việc làm, doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) vẫn phổ biến. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố có 1.529 lao động thiếu việc làm (trong đó có 508 lao động nữ); 12.235 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền 2.382 tỷ đồng; điều kiện làm việc của CNLĐ, nhất là ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa bảo đảm, đã xảy ra 9 vụ tai nạn lao động làm 9 người chết…
Để khắc phục những tồn tại đặt ra, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, các cấp Công đoàn Thủ đô đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị tổ chức hội nghị người lao động, kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ, tập trung xây dựng quy chế đối thoại, nâng cao chất lượng và thực hiện hiệu quả thỏa ước lao động tập thể. Các cấp Công đoàn phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn tại hơn 530 doanh nghiệp; phối hợp giải quyết kịp thời tranh chấp lao động; qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý vi phạm, bảo vệ quyền lợi cho hàng nghìn lao động…
LĐLĐ thành phố đã phối hợp tổ chức hội nghị tiếp xúc CNLĐ Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Trong đó, Chủ tịch UBND thành phố đã trực tiếp trả lời 33 kiến nghị (29 kiến nghị của CNLĐ và 4 kiến nghị của lãnh đạo doanh nghiệp), chỉ đạo 13 sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện liên quan giải quyết các đề xuất của CNLĐ và doanh nghiệp trong các khu công nghiệp; tập trung vào các lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, giao thông - vận tải, quy hoạch xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa công nhân, khu vui chơi cho trẻ em, bệnh viện, nhà xã hội bán cho CNLĐ; giá điện, nước sinh hoạt; vấn đề môi trường; công tác an ninh trật tự; việc thực hiện các chế độ BHXH, BHYT cho người lao động…
Bằng nhiều hoạt động thiết thực, các cấp Công đoàn thành phố đã và đang hướng mạnh về cơ sở, đẩy mạnh chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Bên cạnh đó, Công đoàn cũng tăng cường đi sâu đi sát, chủ động nắm diễn biến, tình hình tư tưởng, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng CNLĐ, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố. Từ đó, tranh thủ được sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị cùng chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Tuy nhiên, nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp Công đoàn Thủ đô còn rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự cố gắng, nỗ lực sáng tạo hơn nữa của đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp nhất là khi Hiệp định TPP có hiệu lực...
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.