Hướng về biển đảo là “văn hóa yêu nước” của tuổi trẻ Việt Nam

Tác giả: thái bình

saosaosaosaosao
28/01/2017 07:16

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển của ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ lấy nó”.

 

_MG_7248_21212
Cống hiến tuổi thanh xuân vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

Thấm nhuần lời dạy của Người, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay luôn hướng về biển đảo quê hương với tình cảm mãnh liệt nhất. Trong bối cảnh hiện nay, nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền ngày càng cạn kiệt nên “vươn ra biển” đã trở thành xu thế của các quốc gia có biển. Thậm chí, một số quốc gia không có biển cũng đang tìm mọi cách để tiếp cận với biển, nhằm thúc đẩy sự phát triển của mình.

Việt Nam nằm trong số 10 nước trên thế giới có chỉ số về chiều dài bờ biển, có vùng biển và thềm lục địa rộng lớn, diện tích hơn một triệu kilomet vuông, lớn gấp 3 lần diện tích đất liền; có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ, chạy suốt từ vịnh Bắc Bộ đến vịnh Thái Lan. Biển không những là cửa ngõ giao thương, phát triển kinh tế mà còn có vị trí trọng yếu về an ninh - quốc phòng.

Trong tình hình hiện nay, nguy cơ mất ổn định an ninh ở biển Đông nói chung, các vùng biển, đảo nước ta nói riêng có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường, đe dọa trực tiếp đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, trong đó có hai quần đảo là Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Nhận thức rõ vai trò của biển, đảo Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/02/2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; Chính phủ ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết trên với mục tiêu phấn đấu đưa đất nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm cho đất nước thêm giàu mạnh. Trong đó, việc khai thác, phát huy các nguồn lực (cả trong và ngoài nước); kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng - an ninh; thực hiện bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ gắn với gìn giữ môi trường hòa bình để phát triển bền vững trên các vùng biển, đảo giữ vai trò hết sức quan trọng.

Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, nguy cơ mất ổn định an ninh ở biển Đông nói chung, các vùng biển, đảo nước ta nói riêng có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường thì quan điểm chỉ đạo của Đảng càng có ý nghĩa quan trọng. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Đảng bằng nhiều kế hoạch, chương trình hành động thiết thực nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Gần đây nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (HLHTN) Việt Nam đã tổ chức Cuộc thi viết “Thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam” đã tạo được sức lan tỏa lớn. Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 202 bài dự thi, gửi về từ các nước, gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Lào, Phần Lan… Hầu hết các tác phẩm dự thi đều có nội dung phong phú, hình thức trình bày sinh động, thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc của thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, anh Nguyễn Phi Long - Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết, biển, đảo là một phần máu thịt của Tổ quốc, vì vậy muôn vàn trái tim con người Việt Nam đang ngày đêm hướng về biển đảo, dành tình yêu cho những người lính biển cùng các chiến sĩ, các lực lượng ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo nước nhà, trong đó có thế hệ trẻ Việt Nam dù họ ở trong nước hay ngoài nước. Điều đó đã được thể hiện bằng những việc làm thiết thực như ra sức thi đua học tốt, đoàn kết, chung tay, quảng bá hình ảnh, góp sức giúp Trường Sa xây nhà, xây trường… Đó là những nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tình yêu nước, góp sức vì Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu.

TS. Nguyễn Đình Phú - Chủ tịch Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ - tác giả đạt giải Nhất cuộc thi tâm sự: “Thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam cũng như những thanh niên, sinh viên trong nước, những du học sinh luôn hướng về quê hương với tấm lòng của những thanh niên xa quê hương với khát khao cháy bỏng, mong muốn được đem những kiến thức và nhiệt huyết tuổi trẻ của mình nhằm góp phần vào công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thân yêu”.

Dư Thu Trang - du học sinh tại Pháp (tác giả đạt giải Ba cuộc thi) chia sẻ, là một thanh niên sống xa Tổ quốc, cô luôn tích cực tham gia vào các hoạt động hướng về quê hương, trong số đó có rất nhiều sự kiện về biển Đông, về chủ quyền biển đảo… Mới đây, cô rất vinh dự được tham gia vào đoàn công tác ra thăm quân dân quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Với cô, đây thực sự là một cuộc giác ngộ vô cùng ý nghĩa, giúp cô thêm hiểu về đất nước nghìn năm văn hiến, tận mắt nhìn thấy biển đảo quê hương mình, tận tay chạm vào những cột mốc chủ quyền chứ không chỉ là nhìn thấy qua truyền hình, sách báo.

Được gặp gỡ các chiến sĩ, ngư dân trên các huyện đảo, chứng kiến cuộc sống của họ, cảm nhận sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ, nghe những tâm tư, nguyện vọng của người lính làm cô càng thấy nể phục những người lính và người dân nơi đây, thấy yêu quê hương mình hơn và tự nhủ cần phải đóng góp nhiều hơn nữa cho nước nhà, cho biển đảo.

“Biển đảo Việt Nam là phần lãnh thổ của đất nước Việt Nam, qua nghìn đời luôn gắn chặt với đời sống của cư dân nước Việt cả về vật chất và tinh thần. Bởi vậy, biển đảo trong tâm thức người Việt là đất nước, là cuộc sống và thực tế hàng ngàn năm lịch sử người Việt đã ra sức khai phá, dựng xây, sẵn sàng đổ cả máu xương cho chủ quyền thiêng liêng ấy. Hiện nay, tình hình biển đảo Việt Nam đang có những diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp đến chủ quyền, lãnh thổ của dân tộc, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi mong muốn đưa ra một số ý tưởng nhằm tuyên truyền về chủ quyền quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, quảng bá về biển đảo Việt Nam. Bất cứ một hành động nào hướng về biển Đông của giới trẻ chúng tôi đều thể hiện “văn hóa yêu nước”, Thu Trang chia sẻ.

Ý kiến của bạn

Bình luận