Theo kế hoạch, ngày 20/4 tới đây, tỉnh Lạng Sơn cùng nhà đầu tư sẽ tổ chức khởi công dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng. Sau khi hoàn thành, Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ thông mạch tuyến cao tốc kết nối từ Thủ đô Hà Nội lên cửa khẩu Hữu Nghị, đồng nghĩa chấm dứt cảnh cao tốc "cụt" của tuyến Bắc Giang - Lạng Sơn.
Thông mạch cao tốc Hà Nội – Cửa khẩu Hữu Nghị
Sau gần 5 năm đưa vào vận hành khai thác (từ tháng 9/2019), Bắc Giang - Lạng Sơn được biết đến là tuyến đường hy hữu nhất Việt Nam khi bị gắn cho biệt danh "cao tốc cụt". Dù dự án mang tên là cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn nhưng thực chất tuyến đường chỉ mới được đầu tư xây dựng từ TP. Bắc Giang đến huyện Chi Lăng (Lạng Sơn).
Do vẫn còn cách TP. Lạng Sơn khoảng 30 km, nên các phương tiện sau khi bon bon hơn 64km trên cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, lại phải "quẹo" ra Quốc lộ 1 chạy song hành để di chuyển lên thành phố và các cửa khẩu. Tuyến đường bị ngắt quãng đã làm giảm hiệu quả đầu tư của đoạn tuyến Bắc Giang - Lạng Sơn bởi khó thu hút phương tiện.
Tuy nhiên, cảnh tượng "cao tốc cụt" này sẽ sớm chấm dứt bởi dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng sắp được khởi công xây dựng trong ít ngày tới. Sau khi dự án hoàn thành sẽ thông mạch toàn bộ tuyến cao tốc kết nối từ Hà Nội lên TP. Lạng Sơn đến tận các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam. Đặc biệt cùng với dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh đang triển khai thi công và dự kiến hoàn thành năm 2026), việc đầu tư xây dựng dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ kết nối đồng bộ toàn tuyến từ Thủ đô Hà Nội lên Cao Bằng.
Lật lại quá trình nghiên cứu đầu tư đoạn tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được tiến hành từ giai đoạn 2017 - 2018. Thời điểm đó, nhà đầu tư "giải cứu" cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là Đèo Cả đã đề xuất cơ quan có thẩm quyền cho phép bổ sung đoạn tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng thành một hợp phần của dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và tiến hành triển khai xây dựng ngay. Tuy nhiên, phương án này sau đó đã không được thực hiện.
Sau nhiều năm với hàng chục cuộc họp bàn, nghiên cứu giải pháp, cơ cấu nguồn vốn, đến cuối năm 2023, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành quyết định phê duyệt dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT. Theo đó, cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được đầu tư là một dự án độc lập với chiều dài 60 km bao gồm đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43km và đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam dài 17km.
Dự án có tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm 5.529 tỷ đồng vốn nhà đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp và 5.495 tỷ đồng vốn Nhà nước tham gia dự án. Thời gian hoàn vốn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng là 25 năm 8 tháng.
Ông Lương Ngọc Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, theo quy hoạch Hữu Nghị - Chi Lăng là đoạn đầu tiên thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông nhưng là đoạn được triển khai xây dựng sau cùng. "Khi tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ Lạng Sơn với Bắc Giang, Hà Nội, kết nối 3 cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị. Việc đầu tư dự án này sẽ giúp tỉnh Lạng Sơn phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lưu thông hàng hóa và phục vụ xuất nhập khẩu", ông Lương Ngọc Quỳnh nói.
Hiện nay, Lạng Sơn là địa phương có các cửa khẩu đường bộ kết nối với Trung Quốc lớn nhất cả nước. Theo ước tính, bình quân mỗi ngày có khoảng 1.000 phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đưa vào khai thác giúp các phương tiện rút ngắn quãng đường di chuyển, tiết giảm thời gian lưu thông qua đó giảm chi phí cho các doanh nghiệp vận tải.
"Đây là dự án được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn mong mỏi từ rất lâu, trải qua rất nhiều khó khăn qua các thời kỳ đến nay mới đủ các điều kiện để chuẩn bị khởi công", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nói và nhấn mạnh: "Tỉnh Lạng Sơn cam kết sẽ đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư".
Nhà đầu tư tạo đột phá với mô hình PPP++
Sau thời gian dài tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu, ngày 11/4/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà tư thực hiện dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT. Nhà đầu tư trúng thầu là liên danh Công ty CP Xây dựng Đèo Cả - Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Xây dựng công trình 568 - Công ty CP Lizen.
Đáng chú ý, trong danh sách liên danh nhà đầu tư dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng tiếp tục có sự xuất hiện của nhà đầu tư Đèo Cả đã tham gia "giải cứu" thành công cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Tại thời điểm đầu năm 2017, dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn dù đã khởi công hơn 2 năm nhưng vẫn "đắp chiếu" do nhà đầu tư cũ liên tục vi phạm hợp đồng đã ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người đứng đầu doanh nghiệp đầu tư đó bị khởi tố hình sự trong vụ án đánh bạc bằng công nghệ cao khiến dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đình trệ hoàn toàn.
Để cứu dự án tránh khỏi đổ vỡ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định "thay máu" nhà đầu tư bằng việc kêu gọi nhà đầu tư tại dự án hầm đường bộ Đèo Cả vào "cứu" dự án thông qua việc mua lại cổ phần của đơn vị đứng đầu liên danh nhà đầu tư cũ để chấm dứt tình cảnh dự án bị gián đoạn, vừa có nhà đầu tư mới đáp ứng tiềm lực tài chính, vừa tuân thủ các quy định và thủ tục pháp lý.
Chỉ trong hơn 2 năm với sự tham gia điều hành của nhà đầu tư mới, toàn bộ hạng mục của dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã hoàn thành, đặc biệt là hợp phần cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn còn cán đích trước 3 tháng theo kế hoạch ban đầu. Đánh giá về dự án này, nhiều chuyên gia đồng thuận: Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã phá bỏ được sự trì trệ cố hữu của các dự án cao tốc tại Việt Nam trước đây khi không có dự án nào có thể hoàn thành trước 5 năm.
Không chỉ BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, doanh nghiệp Đèo Cả còn có kinh nghiệm giải cứu thành công một dự án khác cũng khó khăn, phức tạp không kém là Trung Lương - Mỹ Thuận. Đặc biệt, giai đoạn gần đây, doanh nghiệp này còn sáng tạo áp dụng các giải pháp đột phá về huy động vốn để triển khai các dự án PPP hạ tầng giao thông quy mô lớn là Cam Lâm - Vĩnh Hảo với mô hình PPP+ và Đồng Đăng - Trà Lĩnh với mô hình cải tiến hơn là PPP++.
Ông Nguyễn Quang Vĩnh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, từ kinh nghiệm triển khai thành công ở cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Đồng Đăng - Trà Lĩnh, nhà đầu tư Đèo Cả sẽ tiếp tục áp dụng mô hình PPP++ ở cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Đây là mô hình nhằm đa dạng hoá nguồn huy động vốn, tối ưu tổ chức quản trị, gắn trách nhiệm nhà thầu với toàn bộ quá trình thực hiện dự án, mục tiêu góp phần nâng cao hiệu quả dự án.
Để hợp lực các doanh nghiệp khác cùng tham gia dự án, Tập đoàn Đèo Cả đưa ra 3 cấp độ kèm theo các quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau của nhà nhà đầu tư ở từng cấp, gồm: Nhà đầu tư "kiên định" (tham gia ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án), nhà đầu tư "bắc cầu", nhà đầu tư "tiềm năng" (tham gia từ giai đoạn thực hiện dự án).
Liên quan đến nguồn vốn tín dụng cấp cho dự án, tại hội nghị xúc tiến đầu tư cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng mới đây, ông Đinh Tiến Đức, Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong - Chi nhánh Thăng Long khẳng định: "TP Bank xác định tài trợ cho Tập đoàn Đèo Cả là tài trợ trọn gói từ nhà thầu chính cho đến các nhà thầu phụ và công tác giải ngân sẽ được tiến hành đồng loạt với thời gian ngắn nhất. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng Tập đoàn Đèo Cả tại dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và các dự án tiếp theo".
Cụ thể hóa cam kết trên, ngày 26/3/2024, TP Bank đã ký cam kết thu xếp tài chính cho dự án với khoản tín dụng 4.423 tỷ đồng.
Nói về năng lực của nhà đầu tư dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, ông Lương Ngọc Quỳnh đánh giá cao nhà đầu tư Đèo Cả là đơn vị lớn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
"Trong quá trình triển khai dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn gặp rất nhiều rào cản, vướng mắc nhưng Đèo Cả đã giải cứu thành công, qua đó có thể thấy rõ năng lực của đơn vị. Nhà đầu tư Đèo Cả cùng với tỉnh Lạng Sơn đã hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chỉ trong vòng 2 năm, vượt tiến độ đề ra. Chúng tôi tin tưởng Đèo Cả tiếp tục thể hiện năng lực và quyết liệt triển khai thi công để đảm bảo tiến độ, chất lượng của cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng", ông Quỳnh chia sẻ.
Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có chiều dài khoảng 43 km được thiết kế với quy mô 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 32,25 m; tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam dài khoảng 17 km được thiết kế với quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 22 m.
Trong giai đoạn phân kỳ, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ đầu tư xây dựng tuyến theo quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m; đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam được đầu tư xây dựng theo quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 14,5 m.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.