Huyền thoại của những chiến công thầm lặng

Tác giả: Cẩm Phú

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 24/07/2015 05:22

Chiến tranh đã lùi xa song chiến tích của những thanh niên xung phong (TNXP) tại ga Gôi (Vụ Bản, Nam Định) và ga Lưu Xá (Thái Nguyên) vẫn còn in đậm, ghi dấu một thuở sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, vì chân lý “độc lập - tự do” thiêng liêng và cao quý.

ga luu xa
 

GA GÔI - ĐỊA DANH CỦA NHỮNG TẤM GƯƠNG ANH HÙNG

Vào thời điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, khu vực ga Gôi được coi là đầu mối tập trung hàng hóa dân sự, quân sự để chi viện cho các chiến trường. Ngay trong sân ga sát với đường sắt vẫn còn đó tấm bia đá với dòng chữ: “Nơi đây ngày 20-8- 1966, CBCS C895 TNXP cùng CBCNV Đường sắt khu ga Núi Gôi và nhân dân địa phương đã dũng cảm cứu chữa đoàn tàu hàng bị cháy trong trận ném bom của máy bay giặc Mỹ. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh. Hàng trăm người bị thương nặng. Tinh thần chiến đấu quên mình của các đồng chí mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.

Cuối năm 1965, Đoàn 895 TNXP của tỉnh Thái Bình được thành lập với trên 1.200 đội viên gồm 6 đại đội, trong đó có Đại đội 895 đảm nhiệm việc nâng cấp, bảo dưỡng, khắc phục hậu quả chiến tranh trong khu vực từ Ga Gôi đến ga Cát Đằng (thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định hiện nay). Quân số của Đại đội 895 lúc cao điểm lên tới 200 người và đều quê ở huyện Duyên Hà (nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Đại đội được biên chế thành 10 tiểu đội, có 6 tiểu đội nữ, 4 tiểu đội nam. Anh chị em hầu hết mới ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi.

Hôm ấy, khoảng 17h, phát hiện một đoàn tàu của ta tập kết ở ga Gôi chuẩn bị vượt trọng điểm, địch cho một tốp máy bay bất ngờ bắn phá làm cho cả đoàn tàu bị bốc cháy. Bà Nguyễn Thị Lan - cựu TNXP Đại đội 895 kể lại: Khi tàu vừa bốc cháy, cả Đại đội 895 ai nấy đều nhanh chóng lao vào cứu hàng, cứu đoàn tàu. Xe cứu hỏa chưa kịp đến, chúng tôi mỗi người một việc, người cầm mũ múc nước dập lửa, người nhảy lên cùng với công nhân đường sắt, dân quân địa phương tháo gỡ từng toa, cửa toa khuân vác hàng, cùng nhau đẩy những toa chưa cháy ra nơi an toàn. Mọi người quên cả đói mệt, trời mỗi lúc một tối nhưng những kiện hàng 50 - 60 kg được các chiến sĩ C895 vác trên vai băng băng chạy từ đám cháy ra nơi an toàn. Trong lúc ấy, một đồng chí cán sự huyện đội vào trong toa kiểm tra thấy các két hàng có dán ký hiệu đầu lâu, xương chéo liền báo với chỉ huy và lệnh cấp cứu được phát ra. Cùng với sức người tại hiện trường, huyện còn huy động cả xe cứu hỏa lấy nước từ khắp mọi nơi để hỗ trợ.

Lúc này, khói và mùi thuốc độc phả ra làm ô nhiễm một vùng khá rộng. Một số nữ TNXP bị ngạt và mệt lả, hàng loạt người tham gia cứu hàng, cứu tàu bị sùi bọt mép và ngã xuống ngất xỉu. Trong thời gian ngắn, số người bị nhiễm độc và gục ngã tăng lên đến chóng mặt. Anh chị em nằm la liệt ở sân đình thôn Phú Thứ. Bệnh viện của huyện và tỉnh chật cứng bệnh nhân. Đến sáng hôm sau, 23 người gồm TNXP, công nhân đường sắt và dân quân địa phương đã hi sinh, 256 người khác bị nhiễm độc nặng phải cấp cứu. Đây là vụ nhiễm độc lớn nhất xảy ra ở miền Bắc lúc bấy giờ.

Cũng chính vào thời khắc sinh tử ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương quên mình vì nhiệm vụ, vì đồng chí đồng đội. Đó là hình ảnh chị Nguyễn Thị Hồng Mùi, một đảng viên trẻ, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3. Chị cùng nhiều anh chị em khác lao ra hiện trường để cấp cứu đồng đội. Bất chấp nguy hiểm, chị Mùi đã trực tiếp hô hấp, cứu sống được 20 người. Sau đó bản thân chị cũng kiệt sức và hi sinh.

Sau chặng đường dài, gian nan, tâm nguyện của những cựu TNXP, những người quan tâm đến sự việc trên không thể nào quên ngày 25/4/2013 - ngày mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Đại đội TNXP 895 và liệt sĩ Nguyễn Thị Hồng Mùi. Với hành động anh hùng ấy, họ xứng đáng được đưa vào sử sách để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

60 TNXP MÃI MÃI Ở LẠI VỚI GA LƯU XÁ

Đại đội 915 - một đại đội TNXP với 3/4 là nữ, tuổi đời chỉ 17 đến 18, phần lớn là người dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn đã chiến đấu anh dũng tại khu vực ga Lưu Xá (Thái Nguyên) và hy sinh tối ngày 24/12/1972.

Đội 91 được thành lập năm 1966 với hơn 600 cán bộ, đoàn viên. Trong Đội 91 có 4 Đại đội trực thuộc, gồm Đại đội 911, Đại đội 912, Đại đội 913, Đại đội 914. Sau thời gian hoạt động, đến tháng 6/1972, Đội 91 được kiện toàn lại và lập thêm Đại đội 915. Trong vòng 6 tháng kể từ ngày thành lập, Đại đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo giao thông tại các trọng điểm giao thông thường xuyên bị bắn phá như: Đường 16A trên tuyến Lạng Sơn - Bắc Giang, đường 1B Lạng Sơn - Thái Nguyên, cầu Trà Vường, cầu Gia Bảy, ngầm Sơn Cẩm, đường ngầm Bến Tượng…

Những tháng cuối năm 1972, đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang bắn phá miền Bắc. Với vị trí gần biên giới Việt - Trung nên TP. Thái Nguyên trở thành nơi trung chuyển hàng hóa hết sức quan trọng của hậu phương miền Bắc XHCN. Ga Lưu Xá, ga Quán Triều trở thành hai “cảng nổi” tiếp nhận và trung chuyển hàng quân sự phục vụ tuyền tuyến. Vào thời điểm này, người dân thành phố, các xí nghiệp, công xưởng đã được sơ tán ra vùng ngoại ô. Lực lượng duy nhất có thể giải tỏa hàng tại ga Lưu Xá chính là lực lượng TNXP.

Với vị trí trọng yếu này, giặc Mỹ thường xuyên cho máy bay thả bom dữ dội hòng cắt đứt tuyến đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa của ta. Bất chấp hiểm nguy, máy bay Mỹ vừa đi, những TNXP Bắc Thái lại tiếp tục bám đường, bám cầu sửa chữa, san lấp để những chuyến xe hàng sớm về điểm tập kết. Ba ngày giữa tháng 9/1972, máy bay Mỹ liên tục rải thảm 444 quả bom làm 47 người hy sinh và 51 người bị thương. Ngày 25/9/1972, giặc Mỹ ném xuống 50 quả bom phá và bom phát quang xuống khu vực kho xăng dầu Hóa Trung, Đồng Hỷ làm 3 cụm bể chứa 68 tấn xăng dầu bốc cháy dữ dội. Trong hiểm nguy, lực lượng TNXP thuộc Đại đội 915 và nhân dân kiên trì dập tắt đám cháy, cứu được số xăng dầu còn lại 350 tấn để xe ô tô vào chuyển đến địa điểm an toàn.

Sáng ngày 24/12/1972, được lệnh tham gia giải tỏa hàng tại ga Lưu Xá, toàn Đại đội 915 đã hăng hái lên đường làm nhiệm vụ. Đội phó Đội 91 Nguyễn Thế Cường được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy đơn vị 915. Thời điểm ấy, tại ga Lưu Xá tiếp nhận khoảng 100 xe hàng viện trợ, đoàn xe xếp hàng từ đoạn đầu cầu Trắng vào ga dài gần 2km chờ bốc dỡ. Sau một ngày vật lộn với những bao gạo, bao ngô 50 - 100kg, thời gian rút quân vào 19h đã đến. Theo quy định, toàn bộ đơn vị phải rút về nơi tập kết là Trường Đại học Cơ điện để đảm bảo an toàn. Thế nhưng, nhìn số hàng còn lại trong kho còn quá nhiều và thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, Đội phó Nguyễn Thế Cường quyết định chỉ huy đơn vị di chuyển đến hầm trú ẩn tại nhà trẻ ga Lưu Xá gần đó để ăn cơm rồi tiếp tục làm việc. Vậy là mệnh lệnh rút quân về địa điểm an toàn theo kế hoạch đã không được thực hiện và khi cô cấp dưỡng Phùng Thị Tấm vừa mang được gánh cơm từ Trường Đại học Cơ điện ra đến của hầm trú ẩn thì cũng là lúc loạt bom B52 rải thảm đánh trúng vị trí hầm ẩn của đơn vị. Toàn bộ cán bộ, đội viên Đại đội 915 hy sinh anh dũng, chỉ còn một vài người trú tại hầm cá nhân gần đó may mắn sống sót.

Đã hơn 3 thập kỷ trôi qua, phần mộ của 60 TNXP Đại đội 915 được yên nghỉ tại nghĩa trang Dốc Lim. Cho đến nay, tấm gương dũng cảm của họ vẫn chưa được nhiều người biết đến bởi đó là sự hy sinh thầm lặng cho đất nước, cho quê hương.

Ý kiến của bạn

Bình luận