IDAS- vũ khí phòng không bảo vệ tàu ngầm của Hải quân Đức

Tác giả: SOHA

saosaosaosaosao
Sản phẩm 07/07/2018 09:46

Là “thợ săn” nguy hiểm nhất đối với tàu trên biển, tuy nhiên tàu ngầm lại trở thành kẻ “bị săn” trước các máy bay chống ngầm.

 

photo1530790384860-15307903848601926157231
Hình minh họa phương thức chiến đấu của hệ thống IDAS. Ảnh: diehl.com

Khi bị phát hiện, tàu ngầm sẽ lặn sâu để tẩu thoát. Để bảo vệ tàu ngầm, ngành công nghiệp quốc phòng Đức đã cho ra đời hệ thống tên lửa phòng không tấn công tích hợp cho tàu ngầm (IDAS).

Là sản phẩm hợp tác giữa công ty quốc phòng Diehl BGT và nhà máy đóng tàu Howaldtswerke-Deutsche Werft GmbH, thuộc tập đoàn công nghiệp ThyssenKrupp Marine Systems (TKMS), hệ thống IDAS ra đời vào năm 2006.

Năm 2008, hệ thống phóng thử thành công tên lửa từ một tàu ngầm lớp Type 212A đang lặn và chính thức được đưa vào biên chế Hải quân Đức từ năm 2014.

Kể từ khi được công bố, IDAS nhận được nhiều sự chú ý từ hải quân các nước. Trong khi đó, nhiều tập đoàn công nghiệp quốc phòng đã tham gia hợp tác phát triển hệ thống phòng không này.

Năm 2013, công ty Rocketsan (Thổ Nhĩ Kỳ) đã ký hợp đồng với nhà sản xuất Diehl BGT để sản xuất hệ thống IDAS trang bị cho lực lượng tàu ngầm của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cung cấp đầu nổ và hệ thống điều khiển cánh lái tên lửa.

Động cơ đẩy tên lửa được sản xuất bởi công ty Nammo của Nauy. Năm 2017, Hải quân hoàng gia Nauy tuyên bố một tàu ngầm của nước này phóng thử thành công tên lửa IDAS.

Hệ thống IDAS sử dụng một phiên bản của tên lửa không-đối-không IRST-T, được cải tiến sâu với động cơ đẩy mới để phóng từ dưới mặt nước. Kết hợp với hệ thống phao bằng sợi thủy tinh, tên lửa nổi lên mặt nước với tốc độ cao sau đó bay lên không trung, kích hoạt đầu dò hồng ngoại để tìm kiếm mục tiêu. Tên lửa có tầm bắn tối đa 20km.

Ngoài ra, bằng một đường cáp quang có công dụng truyền tín hiệu từ tàu ngầm đến tên lửa, người vận hành trong tàu ngầm có thể điều khiển đường bay của tên lửa, lựa chọn, thay đổi mục tiêu hoặc hủy bỏ nhiệm vụ.

Tập đoàn TKMS tuyên bố, ngoài nhiệm vụ phòng không, khả năng can thiệp trong quá trình bay và điều khiển bằng tay từ tàu ngầm cho phép tên lửa IDAS thể tấn công các mục tiêu trên biển và ven biển.

Với đầu nổ đa dụng khối lượng 20kg, tên lửa IDAS có thể vô hiệu hóa tàu chiến cỡ nhỏ hoặc các đài radar. Đối với các tàu ngầm trong biên chế hiện nay của hải quân nhiều nước Châu Âu, vốn không có khả năng phóng tên lửa hành trình, chỉ sử dụng ngư lôi, IDAS là hệ thống đa năng cho phép tàu ngầm tự vệ trước các tàu mặt nước tốc độ cao và tham gia hỗ trợ hỏa lực tầm gần.

Kích thước và phương thức phóng của IDAS cũng là một ưu điểm giúp hệ thống này trở thành lựa chọn hấp dẫn đối với hải quân nhiều nước sử dụng tàu ngầm, đặc biệt là tàu ngầm diesel-điện hoạt động chủ yếu trong các vùng biển hẹp, nước nông.

Tên lửa được phóng đi từ hệ thống phóng có kích thước tương tự như một ngư lôi cỡ 533mm. Một cơ chế thủy lực đẩy tên lửa ra khỏi tàu ngầm ở tốc độ cao trước khi động cơ rocket nhiên liệu rắn kích hoạt.

Với hệ thống phóng này, bất kỳ tàu ngầm nào được tích hợp trạm điều khiển IDAS đều có thể nạp đạn tên lửa như ngư lôi thông thường và phóng tên lửa từ các ống phóng ngư lôi, không cần thay đổi kết cấu ngoài vỏ tàu.

Mỗi bệ phóng IDAS chứa 4 tên lửa phòng không. Nhà sản xuất Diehl BGT cho biết, nhiều tên lửa có thể được phóng đi cùng lúc từ nhiều ống ngư lôi khác nhau trên tàu ngầm, tăng tỉ lệ trúng mục tiêu lên nhiều lần và giảm khả năng bị mục tiêu đánh chặn hoặc vô hiệu hóa bằng mồi bẫy.

Tính đến thời điểm hiện tại, IDAS là hệ thống phòng không cho tàu ngầm duy nhất trên thế giới có khả năng phóng từ dưới mặt nước, đem lại lợi thế to lớn cho tàu ngầm trong tình huống bị "săn đuổi" và khả năng tấn công bí mật, bất ngờ, phù hợp với hình thức tác chiến phi đối xứng vốn là "sở trường" của tàu ngầm.

Ý kiến của bạn

Bình luận