Hình ảnh tiêm kích KF-X. |
Phát biểu tại triển lãm ở Hàn Quốc, nhà sản xuất PT Dirgantara (PTDI) cho biết, hiện đang có hơn 100 kỹ sư của PTDI đang thực hiện dự án với nhà thầu quốc phòng Hàn Quốc Korea Aerospace Industries (KAI) trong Dự án chiến đấu cơ tàng hình KF-X.
"Chúng tôi có 114 kỹ sư đang làm việc với Dự án KF-X tại Hàn Quốc. Họ chủ yếu làm việc về thiết kế máy bay mà còn về quy trình sản xuất. Chúng tôi sẽ thực hiện dự án đến cùng bất chấp những khó khăn về tài chính", quan chức của PTDI nói.
Ngay từ cuối năm 2015, Quốc hội Indonesia đã phê chuẩn khoản ngân sách trị giá 78,6 triệu USD để đầu tư cho Dự án KF-X. Đây là khoản ngân sách đầu tiên của Indonesia trong tổng số 1,49 tỷ USD mà chính phủ nước này đã đồng ý chi cho chương trình phát triển máy bay chiến đấu tàng hình KF-X của Hàn Quốc với tổng chi phí lên đến khoảng 7,5 tỷ USD.
Theo các quan chức cơ quan mua sắm quốc phòng Hàn Quốc, chính phủ nước này sẽ gánh vác 60% tổng chi phí của dự án, trong khi số tiền còn lại sẽ thuộc về các doanh nghiệp địa phương. Sự hợp tác giữa Indonesia và Hàn Quốc hứa hẹn sẽ tạo ra dòng chiến đấu cơ tàng hình được đánh giá mạnh tương đương F-22 của Không quân Mỹ.
Cùng với khoản đầu tư về tài chính từ 2 bên, mới đây Tập đoàn Saab của Thụy Điển đã nhận lời với Hàn Quốc phát triển thế hệ radar quét mảng định pha chủ động (AESA) dành cho tiêm kích tàng hình KF-X.
Dù không nói nhiều về công nghệ radar AESA trên của KF-X nhưng nguồn tin từ Saab cho biết, loại radar có tầm quan sát trên không lên tới gần 300km - tức là tương đương với khả năng của radar trên tiêm kích tàng hình F-22. Theo kế hoạch, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sẽ sản xuất 120 tiêm kích thế hệ thứ 5 KF-X, và bắt đầu từ năm 2023, quá trình sản xuất loạt sẽ được thực hiện.
Hồi tháng 8/2013, truyền thông Hàn Quốc lần đầu giới thiệu tài liệu thiết kế phương án KFX-C103-iA - thuộc dự án hợp tác phát triển tiêm kích tàng hình KF-X. Chi tiết phương án KFX-C103-iA được thiết kế trên cơ sở phương án C-103 của Trung tâm nghiên cứu phát triển chung CRDC Hàn Quốc.
Giới chuyên gia cho rằng, KFX-C101 tương đối giống với máy bay F-22 nhưng kích thước nhỏ hơn một chút, sử dụng thiết kế cửa hút khí theo kiểu DSI. Phương án KFX-C103-iA thiết kế thiết bị tiếp nhận nhiên liệu trên không ở trên lưng.
Các máy bay tiêm kích tàng hình như F-22 và F-35 hiện cũng dùng phương án tương tự như vậy. Phương án phóng tên lửa từ khoang chứa vũ khí của KFX-C103-iA sẽ giống với F-35A. Ngoài ra còn có phương án giá treo vũ khí ngoài của KFX-C103-iA.
KFX-C103-iA của Hàn Quốc sẽ sử dụng radar mảng pha điện tử chủ động AESA và hệ thống cảm biến quang – điện EODAS. Hệ thống EODAS của máy bay chiến đấu KFX-C103-iA được bố trí ở trước kính chắn gió buồng lái. Kiểu thiết kế này khá giống với cách bố trí trên tiêm kích Su-30/35 hay Su-57 của Nga.
Chính vì vậy, dù được coi là sản phẩm nội địa nhưng tiêm kích KF-X của Hàn Quốc đã vay mượn khá nhiều công nghệ, thiết kế và kiểu dáng từ Mỹ và Nga. Được biết, KAI cũng chính là nhà sản xuất đã bán máy bay huấn luyện T-50A cho Không quân Mỹ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.