Indonesia siết nhập khẩu rác thải từ các nước giàu

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 09/07/2019 14:39

Các nước trong khu vực Đông Nam Á ngày càng nghiêm khắc hơn với hoạt động nhập khẩu rác...

1-1562555248844155389560-crop-15625552568662558977

Theo hãng tin Bloomberg, qua một đợt kiểm tra ngẫu nhiên vào tháng 5, nhà chức trách Indonesia đã phát hiện hơn 80 container chứa rác thải bất hợp pháp nhập khẩu vào nước này từ Mỹ, Australia và châu Âu. Một doanh nhân vào hàng giàu nhất ở Australia đã bị chỉ trích mạnh ở Indonesia sau khi một bài báo cho rằng công ty do ông này sở hữu đứng sau một lô phế liệu có nhiều rác chứa chất độc hại được tuồn vào Indonesia.

Sau phát hiện này, hải quan Indonesia đã tăng cường kiểm tra các lô phế liệu nhập khẩu.

"Đây là một vấn đề nghiêm trọng", ông Deni Surjantoro, một quan chức thuộc Tổng cục Hải quan Indonesia, phát biểu.

Theo ông Deni, Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch cho những biện pháp cứng rắn hơn nhằm vào những công ty bị phát hiện nhập khẩu phế liệu trái phép. Dự kiến, ngay trong tuần này, các biện pháp quản lý mới sẽ được công bố. Ngoài ra, nhà chức trách cũng sẽ công bố danh tính một số công ty vi phạm.

Vị quan chức nói rằng rác độc hại thường được tìm thấy trong các lô phế liệu nhập từ Mỹ, Đức, Hồng Kông và Australia. Tuy nhiên, Mỹ là quốc gia "gửi" nhiều rác độc hại hơn cả tới Indonesia.

Ông Deni cho hay, vấn đề trở nên trầm trọng hơn kể từ khi Trung Quốc thay đổi chính sách về nhập khẩu rác thải. Trước đây, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu phế liệu lớn nhất thế giới, nhưng năm ngoái, nước này bắt đầu hạn chế nhập rác. Trong một số trường hợp, Trung Quốc thậm chí còn cấm nhập rác vì lý do môi trường.

"Chính sách của Trung Quốc cuối cùng đã khiến chúng tôi phải siết chặt quy trình giám sát của mình để phát hiện xem những lô hàng nào chứa rác thải độc hải", ông Deni nói.

Hai tờ báo Sydney Morning Herald và The Age tuần trước đưa tin nói rằng Visy Recycling, một công ty của tỷ phú Anthony Pratt, chính là công ty đã xuất khẩu một lô rác bị bắt ở cảng Batam của Indonesia. Lô rác này được cho là chứa phế liệu nhựa, loại rác bị xem là độc hại theo quy định của Indoneisa.

Theo ông Deni, khi bị phát hiện vi phạm, công ty nhập khẩu có 90 ngày để chuyển lô rác trở lại quốc gia xuất phát, tính từ ngày cập cảng. Nếu không tuân thủ, công ty sẽ bị rút giấy phép và sẽ bị điều tra.

Các nước trong khu vực Đông Nam Á ngày càng nghiêm khắc hơn với hoạt động nhập khẩu rác.

Tháng trước, Malaysia tuyên bố trả hơn 3.000 tấn rác nhựa về các quốc gia xuất phát, gồm Australia, Canada, Nhật Bản, Saudi Arabia, và Trung Quốc.

Tương tự, Philippines cũng trả lại hàng chục container rác mà nước này cho là bất hợp pháp về Canada.

Ý kiến của bạn

Bình luận