Tiêm kích JAS-39 phô diễn kỹ năng ném bom chính xác: JAS-39 Gripen được trang bị các loại bom thông minh có thể đánh trúng mục tiêu mặt đất với độ chính xác cao. |
Jane’s Defence Weekly dẫn lời ông Peter Carlqvist, người đứng đầu chi nhánh Saab tại Indonesia cho biết, hồ sơ dự thầu mà Saab gửi đến chính phủ Indonesia linh hoạt hơn so với các tiêm kích JAS-39 Gripen mà công ty này xuất khẩu cho các nước khác.
Ngoài ra, tập đoàn còn cam kết đảm bảo sự tham gia của công nghiệp quốc phòng Indonesia vào quá trình sản xuất JAS-39 cho không quân nước này. Ông Carlqvist cho biết thêm, hồ sơ dự thầu đã được nộp từ đầu năm và công ty đang chờ đợi quyết định cuối cùng từ chính phủ Indonesia.
Tập đoàn Saab đã đề xuất cung cấp tiêm kích đa nhiệm JAS-39 Gripen phiên bản C/D, nhưng cũng không loại trừ phiên bản E tiên tiến nhất vừa mới được giới thiệu trong tháng 5.
“Saab đã đệ trình một khoản ngân sách hợp lý để cung cấp phi đội Gripen mới nhất. Chúng tôi biết rằng, giao hàng nhanh chóng rất quan trọng đối với Không quân Indonesia. Do đó chúng tôi đã đề xuất phiên bản Gripen C/D, nhưng nếu có thời hạn giao hàng phù hợp, Gripen E có thể được cung cấp”, ông Carlqvist nói.
Chính phủ Indonesia đã thông qua Luật Công nghiệp Quốc phòng năm 2012 (còn gọi Luật số 16), trong đó sự tham gia của công nghiệp quốc phòng địa phương vào quá trình sản xuất vũ khí bán cho Indonesia là yêu cầu bắt buộc để thắng thầu.
“Luật số 16 sẽ là trọng tâm trong mọi thứ mà chúng tôi đề xuất cho chính phủ Indonesia”, ông Carlqvist nhấn mạnh.
Không quân Indonesia (TNI-AU) đã lên kế hoạch thay thế phi đội chiến đấu cơ F-5E Tiger II hoạt động từ những năm 1980. Chương trình dự kiến mua sắm khoảng 16 tiêm kích thế hệ mới với tổng giá trị khoảng 1,5 tỷ USD. Số lượng mua sắm có thể được gia tăng nhằm đáp ứng các lo ngại về tranh chấp lãnh thổ trong khu vực.
Theo Global Security, tính đến năm 2004, TNI-AU có khoảng 259 máy bay các loại, nhưng chỉ khoảng 50% đủ khả năng sẵn sàng hoạt động. TNI-AU đang thực hiện kế hoạch Lực lượng Cần thiết tối thiểu (MEF) đến năm 2024, trong đó tập trung vào mua sắm các thiết bị hiện đại nhằm nhanh chóng cải thiện sức mạnh tối thiểu.
Tuy vậy, tình hình khó khăn tài chính gây ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch MEF. Các quan chức Không quân Indonesia từng phàn nàn rằng, lực lượng máy bay chiến đấu của TNI-AU quá mỏng không đủ đáp ứng nhiệm vụ tuần tra bảo vệ vùng biển rộng lớn của nước này.
Trong khi đó, tình hình khu vực đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, đặc biệt sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngay sau khi tòa án ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia tuyên bố điều máy bay chiến đấu F-16 và tàu chiến để bảo vệ quần đảo Natuna ở Biển Đông.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.