Năm 2014, ACV đã bán cổ phần hai công ty con- cháu rất lớn là Công ty TNHH dịch vụ một thành viên sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) và Công ty phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) với các mức giá lập kỷ lục lớn nhất trong năm cho việc IPO các DNNN. Các kết quả trúng đấu giá bình quân cao hơn từ gấp đôi đến 3,6 lần giá khởi điểm. Do vậy người ta nghĩ rằng, giá khởi điểm dự kiến của công ty mẹ ACV khi IPO chắc chắn sẽ không thấp.
Tuy nhiên, theo kết quả định giá của Công ty TNHH hãng kiểm toán AASC thì giá khởi điểm dự kiến cho mỗi cổ phần ACV là 11.100 đồng.
Mức giá này được đưa ra trên cơ sở định giá cổ phiếu ACV mà không có đơn vị cùng ngành trong cùng lĩnh vực hoạt động tại Việt Nam để so sánh. Do đó, để tính ra mức giá phải lựa chọn các đơn vị kinh doanh cùng ngành nghề tại nước ngoài để so sánh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp được chọn phải tương đồng về doanh thu hàng không và phi hàng không, tỷ lệ nợ/tổng tài sản thấp (dưới 0,65) như ACV. Đồng thời đây phải là các đơn vị trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành khai thác tài sản.
ACV tuy độc quyền quản lý 22 cảng hàng không và lợi nhuận hàng năm xấp xỉ 2.000 tỉ đồng/năm nhưng không phải cảng hàng không nào cũng kinh doanh có lãi, bán cổ phần được giá cao như SASCO và SAGS vì TPHCM là các địa bàn kinh doanh tốt nhất của ngành hàng không.
Theo định giá ACV từ thời điểm 30/6/2014 thì giá trị thực tế của doanh nghiệp xấp xỉ 38.000 tỉ đồng.Trong đó, giá trị phần vốn nhà nước tại đây là 20.769 tỉ.
ACV sẽ bán cổ phần theo hình thức vừa bán bớt 25% vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 22.430 tỉ đồng.
Ngoài 75% vốn nhà nước sau CPH, ACV sẽ bán ra 20% cổ phần cho đối tác chiến lược, bán công khai 3,47% cổ phần . Người lao động được mua ưu đãi 1,4% tổng số cổ phần và 0,31% bán cho tổ chức công đoàn.
Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cho phép dùng số tiền thu được từ đợt bán cổ phần khoảng hơn 5.600 tỉ đồng để làm vốn đối ứng xây sân bay Long Thành.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.