"Trong khoảng thời gian bó hẹp, thiếu sự chuẩn bị cần thiết, cả một hạm đội tàu ngầm đã được hình thành tại Liên Xô. Chất lượng của các tàu ngầm này khiến cả Tư lệnh hải quân Liên Xô, đô đốc Vladimir Chernavin phải nghi ngờ", Daniel Avendaño viết trong cuốn sách "Bí mật tàu ngầm".
Tất nhiên, các tàu ngầm này không phải hoàn hảo. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của hạm đội tàu ngầm đã giúp cho Liên Xô đào tạo được nhiều sĩ quan hải quân hàng đầu, thậm chí những kẻ thù của Liên Xô cũng phải thừa nhận điều này.
Cựu thuyền trưởng tàu ngầm của Hải quân Mỹ William Craig Reed đã viết: "Ở Nga người ta rất tôn trọng thuỷ thủ tàu ngầm. Đây là một nghề được coi là vô cùng nguy hiểm. Sự hi sinh của họ xứng đáng được ngợi khen".
Và "K-129" được chế tạo trong bối cảnh lịch sử này. Trong tuyển tập "Công tác cứu hộ trên các tàu ngầm bị đắm và những phương pháp nâng cao hiệu quả («Proceso de salvamento de un submarino hundido y posibles mejoras de rescate») Héctor Galisteo viết:
"Đó là chiếc tàu ngầm điện-diesel của Liên Xô lớp "Golf II". Nó được hạ thuỷ vào năm 1960. Chiều dài thân tàu là 98,9m, chiều rộng - 8,2 m. Trọng tải - 3.553 tấn".
San Juan, trong cuốn sách của mình, cũng chú trọng tới lớp tàu ngầm này. "Đó là các tàu ngầm điện-diesel trang bị động cơ diesel khi di chuyển trên mặt nước và động cơ điện để di chuyển dưới nước". Theo lời của tác giả, vào thời điểm đưa vào khai thác các tàu ngầm điện-diesel ,đã có nhiều mẫu động cơ với lò phản ứng hạt nhân.
Ông Avendaño viết rằng "K-129" đóng quân tại thị trấn Rybachy ở Kamchatka (Nga). Chiếc tàu ngầm này được trang bị các tên lửa đạn đạo và là mối đe doạ thực sự đối với kẻ thù. Tổng cộng có 6 chiếc tàu ngầm đóng quân tại thị trấn Rybachy.
Nhiệm vụ cuối cùng
Vào năm 1968, sau hàng loạt các nhiệm vụ được triển khai thành công, "K-129" được cử đi làm nhiệm vụ (mà không ai nghĩ đó là nhiệm vụ cuối cùng) của mình. "Ngày 24/2/1968, chiếc tàu ngầm cùng 98 thành viên thuỷ thủ đoàn đã ra khơi để tuần tra.
Thuyền trưởng "K-129" đã tiến hành lặn thử và được báo cáo rằng toàn bộ hệ thống hoạt động bình thường", Javier Ramos chia sẻ trong cuốn sách "Bí mật tàu ngầm K-129 của Liên Xô". Đó là lần cuối cùng người ta liên lạc được với thuỷ thủ đoàn.
"Trong vòng 1 tuần, "K-129" bỏ qua 2 lần liên lạc với trung tâm chỉ huy. Ban đầu, nó nhận được lệnh chấm dứt giữ im lặng và liên hệ với trung tâm. Sau đó người ta gửi các tín hiệu cuộc gọi khẩn cấp nhưng không nhận được phản hồi", ông Galisteo viết.
Cuối cùng, sau đó 3 tuần, chính quyền Xô Viết chính thức tuyên bố chiếc tàu ngầm này "mất tích" và triển khai chiến dịch tìm kiếm quy mô ở khu vực phía Bắc Thái Bình Dương.
Vụ đánh cắp
Công tác tìm kiếm diễn ra trong bối cảnh tuyệt mật cho tới tận tháng 4/1968. Đến thời điểm đó, Mỹ phát hiện có nhiều tàu chiến và máy bay của Liên Xô tập trung trên Thái Bình Dương. Giới quân sự Mỹ nghi ngờ chiến dịch tìm kiếm chiếc tàu ngầm bị đắm đang được thực hiện.
Tại Washington đã xuất hiện kế hoạch tìm ra trước tiên chiếc tàu ngầm này để đánh cắp cách công nghệ của Liên Xô. Một bước đi hoàn toàn phù hợp của đối thủ trong bối cảnh cuộc Chiến tranh Lạnh đang ở mức cao trào.
Nhờ có hệ thống theo dõi thuỷ âm, Mỹ đã nhanh chóng phát hiện ra khu vực "K-129" gặp nạn. Ông Avendaño mô tả chi tiết phần này trong cuốn sách của mình
"Sự tập trung của các tàu chiến Nga trong khu vực này của Thái Bình Dương đã khiến cho người Mỹ phải phân tích một cách kỹ lưỡng những dữ liệu của hệ thống theo dõi thuỷ âm (SOSUS) mà được giới quân sự sử dụng để kiểm soát khả năng di chuyển của các tàu ngầm địch. Vị trí của các tàu ngầm được xác định bằng phương pháp triangulation (tam giác đạc).
Những dữ liệu của các thiết bị thuỷ âm được nghiên cứu. Trong những đoạn ghi âm này các chuyên gia đã tìm được đoạn băng ghi âm từ ngày 8/3/1968 khi xác nhận có một vụ nổ đã xảy ra. Đó chính là thứ người Mỹ đang tìm kiếm.
Chiếc tàu ngầm được phát hiện ở quần đảo Hawaii, tại độ sâu 5 nghìn mét. Một vị trí không thể thuận lợi hơn cho người Mỹ. Chỉ sau đó vài ngày, chiếc tàu ngầm Halibut của Hạm đội Hải quân Mỹ đã rời cảng Trân Châu để thám hiểm khu vực "K-129" bị đắm. Sau đó ba ngày, "Halibut" phát hiện được "K-129".
Đã có hơn 20 nghìn bức ảnh thân tàu ngầm của Liên Xô đã được chụp lại. "Trong điều kiện vô cùng bí mật, tổng thống Richard Nixon đã giao cho CIA xây dựng kế hoạch về việc đưa chiếc tàu ngầm bị đắm của Nga lên bờ.
Chiến dịch này trở thành một trong những chiến dịch đắt giá và bí mật nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh", tác giả người Chile viết trong cuốn sách của mình.
Tổng thống Mỹ chỉ đạo CIA đóng một con tàu có thể trục vớt được "K-129" từ độ sâu 5 nghìn mét. Tàu «Hughes Glomar Explorer» ngốn của Mỹ gần 500 triệu đôla và là một trong những dự án tiền vô khoáng hậu nhất trong thời kỳ tổng thống Nixon.
Chiếc tàu được hạ thuỷ sau 6 năm và theo thông tin chính thức - để phục vụ việc khai thác tài nguyên ở khu vực nước sâu.
Vào năm 1974, tàu «Hughes Glomar Explorer» được đưa vào khai thác. "Trên những bức ảnh do camera của «Hughes Glomar Explorer» chụp lại có thể thấy rằng "K-129" gần như còn nguyên vẹn. Chiếc tàu nằm nghiêng về bên phải. Một trong 3 quả tên lửa đạn đạo không bị hư hỏng", ông Avendano khẳng định.
Chiến dịch "cứu hộ" muộn màng
Chiến dịch trục vớt chiếc tàu ngầm bị đắm đã diễn ra từ tháng 7 đến hết tháng 8 năm 1974, trong điều kiện tuyệt mật. "Đã trục vớt được một phần của chiếc tàu. Nhưng vì những sai sót về kỹ thuật nên một phần lớn của thân tàu bị gãy và nằm lại dưới đáy biển", ông Ramos giải thích.
Cho đến nay vẫn chưa rõ những tài liệu bí mật nào đã bị CIA đánh cắp. Một vài giả thiết cho rằng các cơ quan đặc vụ của Mỹ đã lấy được đầu đạn hạt nhân của Liên Xô và thậm chí cả những mật mã quân sự.
"Đã tìm thấy thi thể của 6 thuỷ thủ Liên Xô. Các thi thể có dấu hiệu bị nhiễm phóng xạ. Những thuỷ thủ xấu số đã được đưa vào một conteiner kim loại và đưa trở lại đáy biển", ông Avendano chia sẻ.
Ông Galisteo đưa ra giả thiết tương tự: "Tất cả những dữ liệu, hình ảnh, băng ghi hình và các tài liệu khác cho đến nay vẫn được giữ kín. Một vài bức ảnh đã được công bố trong bộ phim tài liệu năm 2010. Trong đó có ghi lại hình ảnh xác của "K-129". Đài chỉ huy và khoang tên lửa bị hư hỏng. Thiết bị phóng bị hỏng nặng".
Tuy nhiên nguyên nhân thực sự dẫn tới vụ đắm tàu "K-129" vẫn chưa được xác định. Những giả thiết được đề cập tới nhiều nhất đó là va chạm với một tàu lạ và thảm hoạ đã xảy ra sau một vụ nổ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.