Kéo giảm TNGT vì mục tiêu “tính mạng con người là trên hết”

Bạn đọc 13/01/2015 16:27

Sáng 13/01/2014, tại Văn phòng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về tổng kết công tác An toàn giao thông toàn quốc năm 2014 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2015.


Tham dự Hội nghị còn có Phó Chủ tịch Thường trực UBATGT Quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng; Phó Chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT QG Khuất Việt Hùng; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương; các đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT: Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Ngọc Đông cùng đại diện các bộ, ngành; đại diện các sở ban ngành tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

Anh Hnghi truc tuyen_jpg edited

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến về ATGT

Giải quyết tận gốc các nguyên nhân gây TNGT

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Uỷ ban ATGT QG Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: Phát huy kết quả năm 2012 và năm 2013, năm 2014, công tác chỉ đạo, điều hành việc đảm bảo TTATGT tiếp tục được duy trì thường xuyên, liên tục, có diện rộng trên cả nước và tất cả các lĩnh vực liên quan, có điểm nhấn theo chuyên đề và đi vào giải quyết tận gốc các nguyên nhân gây TNGT.

Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường giám sát, chất vấn trực tiếp, đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương đã có nhiều cuộc giám sát theo chuyên đề hoặc gắn với nội dung các hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội, đã tạo được sự quan tâm, cũng như đồng thuận xã hội trong việc triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT. Việc chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng – Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia tạo sự quan tâm, sự vào cuộc liên tục và hiệu quả của các Bộ, ngành, chính quyền các cấp. Ủy ban ATGT Quốc gia duy trì giao ban trực tuyến toàn quốc hàng quý và một số chuyên đề gắn với biểu dương, phê bình người đứng đầu Ban ATGT địa phương tạo ra sự chuyển biến trong công tác chỉ đạo ở địa phương. Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo, đi sâu vào các nguyên nhân chính gây ra TNGT là hoạt động vận tải; việc siết chặt các điều kiện kinh doanh vận tải, gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý, chủ doanh nghiệp, việc điều tra, truy tận gốc các Trung tâm đăng kiểm, Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe có nhiều lái xe gây tai nạn nghiêm trọng, đã kéo giảm rõ rệt các vụ TNGT nghiêm trọng trong năm 2014.

Tuy nhiên, ở một số địa phương, nhận thức trách nhiệm của một số lãnh đạo chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị còn chưa đầy đủ, có hiện tượng chủ quan, lơi là, thậm chí buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác bảo đảm TTATGT; công tác thông tin, báo cáo các vụ tai nạn nghiêm trọng chưa kịp thời.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBATGT Quốc gia, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Năm 2014, thực hiện mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt các giải pháp mang tính đột phá và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, tình hình bảo đảm TTATGT tiếp tục có nhiều chuyển biến, nhất các đợt cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán và trong đợt nghỉ lễ 30/4, 1/5 và Quốc khánh 2/9; các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng, xe chở công-ten-nơ được kiềm chế, qua đó góp phần giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT; tình hình ùn tắc giao thông tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT QG, nguyên nhân đạt được kết quả trên là do Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã có những chỉ đạo kịp thời, sát sao, huy động được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc, đặc biệt việc chọn và xác định chủ đề Năm An toàn giao thông 2014 là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, lấy trọng tâm tác động là chủ phương tiện và người thực thi công vụ đã đi vào nguyên nhân gốc của TNGT.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục tập trung vào các quy định khắc phục những bất cập trong công tác quản lý nhà nước và xử lý vi phạm về TTATGT, đặc biệt là tập trung vào lĩnh vực: siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải; quy định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ phương tiện; hoạt động đăng kiểm phương tiện, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đăng ký chuyển sở hữu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy; gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Công tác thanh tra, kiểm tra và TTKS, xử lý vi phạm cũng đã được tăng cường và có nhiều đổi mới; ngoài lực lượng CSGT, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường các lực lượng khác như Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Công an xã, phường tham gia công tác bảo đảm TTATGT; lực lượng Thanh tra giao thông đã tập trung thực hiện kiểm tra điều kiện bảo đảm TTAGT trong kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng xe, công tác quản lý kỹ thuật phương tiện, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; sự phối hợp giữa các lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông đã chặt chẽ và đồng bộ hơn; các lực lượng đã tăng cường tuần tra lưu động, đặc biệt là khoảng thời gian từ 18 – 24 giờ hàng ngày.

Nguyên nhân thứ tư là sự vào cuộc nghiêm túc của Đảng bộ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong công tác triển khai, thực hiện đồng loạt các trạm KTTTX trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, thực hiện kiểm soát tải trọng xe từ nguồn hàng hoá, trên mạng lưới đường địa phương giúp kéo giảm mạnh mẽ tình trạng xe ôtô chở quá trọng tải trên cả nước, nhất là tại các địa phương, các đoạn tuyến đường tổ chức KTTTX liên tục 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và giảm TNGT.

Tiếp đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh, Ủy ban ATGT Quốc gia và các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền với quy mô cả nước, hình thức phong phú, đa dạng, tạo được sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác bảo đảm TTATGT.

Công tác quản lý hoạt động vận tải cũng từng bước triển khai tái cơ cấu thị trường, tăng cường kết nối, nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng các phương thức vận tải đã giảm áp lực cho đường bộ; bước đầu khai thác dữ liệu thiết bị giám sát hành trình xe ô tô đã giúp tăng cường giám sát và chấn chỉnh hành vi, giảm vi phạm của các lái xe, các đơn vị kinh doanh vận tải; công tác quản lý đào tạo, sát hạch người điều khiển phương tiện, kiểm định phương tiện giao thông cơ giới được thực hiện ngày càng chặt chẽ, theo hướng tăng cường trách nhiệm, công khai, minh bạch;

“Mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung về kinh tế nhưng việc đầu tư cho phát triển, bảo vệ KCHTGT luôn được quan tâm và chú trọng; nhiều dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và hàng không đã được đầu tư, tiến độ và chất lượng được đảm bảo; nhiều dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Đồng thời còn có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các Bộ, ngành, đoàn thể là thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia với Ban ATGT các địa phương cũng như phối hợp theo ngành dọc giữa cơ quan Trung ương và địa phương, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng các địa phương trong chỉ đạo, điều hành và triển khai các giải pháp bảo đảm ATGT lấy trọng tâm là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT QG Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT QG cũng nhìn nhận, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế về việc mặc dù năm 2014, số vụ, người chết và bị thương giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng còn xảy ra một số vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe mô tô, đặc biệt là trong các tháng cuối năm 2014; số người chết do TNGT đường tuỷ tăng, TNGT trên địa bàn nông thôn diễn biến phức tạp; sự cố uy hiếp an toàn hàng không tăng… Đồng thời, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban ATGT QG Đinh La Thăng cũng chỉ rõ các nguyên nhân về các tồn tại này.

images1117469_Ph__Th__t__ng_Ch_nh_ph__Nguy_n_Xu_n_Ph_c_ph_t_bi_u_t_i_h_i_ngh_

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Giảm TNGT: Vì mục tiêu “tính mạng con người là trên hết”

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2015, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban ATGT QG Đinh La Thăng cho biết: Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiếp tục triển khai thực hiện Năm an toàn giao thông 2015 với chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, với mục tiêu cụ thể là: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động bảo đảm TTATGT, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng; Giảm 5%-10% số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2014 ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe mô tô.

Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe nhiều ý kiến của đại diện các Bộ, Ngành, lãnh đạo các địa phương tại các điểm cầu về các khó khăn, vướng mắc của đơn vị, địa phương mình trong việc đảm bảo TTATGT năm 2014 để tìm phương hướng tháo gỡ, thực hiện tốt hơn nữa trong năm 2015 và các năm tiếp theo.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng khẳng định, Uỷ ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các địa phương đóp góp và kiến nghị tại Hội nghị trực tuyến này.

Trả lời các kiến nghị, đề xuất của đại diện lãnh đạo các ngành, các địa phương, liên quan đến thi công QL1, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải hoàn thành toàn tuyến từ Hà Nội – Cần Thơ và đường HCM qua Tây Nguyên trong năm nay nên toàn bộ công trường sẽ thi công suốt trong dịp Tết Âm lịch sắp tới.

“Đề nghị các địa phương cùng chia sẻ với Ngành Giao thông vận tải để phối hợp công tác đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu, đồng thuận. Các tỉnh cần chú trọng hơn nữa đến công tác bảo vệ, đảm bảo an toàn trong thi công cũng như ATGT cho người và phương tiện trong lúc giải phóng mặt bằng và thi công. Đồng thời các tỉnh Bình Định, Phú Yên…  nhanh chóng bàn giao hết mặt bằng Dự án cho nhà thầu thi công, đảm bảo tiến độ Dự án”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng khẳng định để làm tốt hơn công tác kiểm soát tải trọng xe, bảo vệ hạ tầng giao thông thì toàn bộ các tuyến BOT sẽ được đặt trạm cân.

Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực UBATGT QG cũng nhấn mạnh tất cả xe vi phạm đều bị phạt và buộc quay đầu hạ tải, Bộ trưởng đề nghị Bộ Công an xem xét xử lý hành vi này là hành vi cố tình phá hoại tài sản quốc gia đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
“Việc nâng cấp, sửa chữa hay làm mới hạ tầng giao thông là để phục vụ các nhu cầu cấp thiết của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội chứ không thể có chuyện làm đường cho phù hợp đối với xe quá tải”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

“Nếu mỗi địa phương đều làm tốt việc xử lý xe quá tải và nỗ lực hoàn thành các kế hoạch đảm bảo TTATGT với đúng chủ đề của Năm ATGT 2015 là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết” thì chắc chắn TNGT trong năm nay sẽ giảm, kỷ cương phép nước được duy trì”, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT QG Đinh La Thăng nhấn mạnh.

images1117606_La_Thang

Bộ trưởng, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng báo cáo tại Hội nghị

Khắc phục những hạn chế để tiếp tục kéo giảm TNGT

Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với báo cáo của Bộ trưởng Đinh La Thăng và cho rằng đây là cơ sở hoạch định các chủ trương, chính sách các biện pháp cần thiết bên cạnh ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương để biến nhận thức thành hành động nhằm đảm bảo TTATGT và giảm TNGT trên tất cả các lĩnh vực như đường thủy, bộ, sắt, và hàng không.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc Gia Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn quân và nhân dân khiến công tác này đạt được con số rất ấn tượng. Đặc biệt là Bộ GTVT, Bộ Công an và Thường trực Ủy ban ATGT QG.

Phó Thủ tướng nói: “Lần đầu tiên giảm số người chết dưới 9.000 quả là thành công rất lớn bên cạnh việc giảm TNGT cả 3 tiêu chí. Đặc biệt có nhiều tỉnh giảm trên 20%”.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ghi nhận năm 2014 nhiều văn bản quy phạm pháp luật về ATGT cũng đã được hoàn thiện trong thời gian ngắn; Các lực lượng TTKS rất quyết liệt; nhiều địa phương kiểm soát tải trọng phương tiện chặt chẽ mang lại hiệu quả cao; Hạ tầng được Bộ GTVT và các địa phương trên cả nước chú ý đầu tư tốt, nhất là 2 tuyến quan trọng là QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

Chủ tịch UBATGT QG cũng đánh giá cao Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh giảm được TNGT và giảm ùn tắc giao thông; Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT tại các tỉnh làm rất quyết liệt và kịp thời.

Bên cạnh việc đánh giá cao các việc các ngành, các cấp đã đạt được trong công tác đảm bảo ATGT, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra các hạn chế cần phải khắc phục. Đó là nhìn tổng thể, TNGT vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra; TNGT ở các vùng nông thôn cũng phức tạp; nhiều hành động uy hiếp an toàn hàng không mới xảy ra; một số văn bản chậm ban hành như Thông tư quy định sức khỏe lái xe; công tác tổ chức giao thông còn bất cập, bến bãi đón trả khách còn thiếu; hiện tượng tiêu cực trong đăng kiểm vẫn còn tồn tại …

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ năm 2015 cần triển khai để đảm bảo ATGT và kiềm chế TNGT theo chủ đề Năm ATGT của Ủy ban ATGT QG. “Các cấp ngành phải biến điều này thành hành động. Tất cả các tỉnh phải giảm từ 5 – 10% số người chết do TNGT. Hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không được chủ quan, tiếp tục cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Từng bộ và địa phương phải lập kế hoạch cụ thể, rõ trách nhiệm người đứng đầu đảm bảo ATGT. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong đảm bảo ATGT, trước mắt ứng dụng trong điều hành vận tải để giám sát chặt chẽ. Giao Ủy ban ATGT Quốc gia nghiên cứu áp dụng ngay trên các tuyến đường quan trọng.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đối với công tác bảo đảm TTATGT, nhất là các biện pháp phòng tránh, hạn chế tai nạn xe mô tô, xe gắn máy.

Tập trung nâng cao chất lượng xây dựng và kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không. Đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT.

Đề nghị Bộ Tài chính phối hợp làm ngay việc phân bổ kinh phí đảm bảo ATGT cho các địa phương. Bộ GTVT tăng cường thanh tra kiểm tra người thực thi công vụ, đào tạo sát hạch GPLX, vận tải… Nâng cao chất lượng các công trình giao thông. Thi công phải đảm bảo an toàn.

Các lực lượng chức năng phải đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, nhất là các hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây TNGT. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của xe chở khách, xe chở quá tải trọng, của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy. Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm của người thực thi công vụ trong khi làm nhiệm vụ.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT tới mọi thành phần trong hoạt động giao thông vận tải, trong đó chú trọng vào tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho người thực thi công vụ.

Tiếp tục nhân rộng các giải pháp đột phá về khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông được thực hiện thành công tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thời gian qua và nâng cao hiệu quả quản lý trật tự đô thị.

“Trong dịp Tết Âm lịch và mùa lễ hội sắp tới, các Bộ và địa phương phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ để đảm bảo ATGT và hạn chế TNGT  như  bố trí đủ năng lực vận tải, phương tiện an toàn, không để bất cứ người dân nào không được ăn Tết với gia đình vì thiếu tàu, xe. Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT các địa phương tiếp tục chỉ đạo, công bố đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người dân”, Chủ tịch Ủy ban ATGT QG, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong năm 2014, toàn quốc xảy ra 25.322 vụ TNGT, làm chết 8.996 người, làm bị thương 24.417 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 4.063 vụ (-13,8%), giảm 373 người chết (-4%), giảm 5.083 người bị thương (-17,2%). Trong đó, có 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm số người chết vì TNGT. Có 10 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Kạn, Ninh Thuận, Cao Bằng, Nam Định, Cà Mau, Bắc Giang, Đà Nẵng, Lạng Sơn. Có 9 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, đặc biệt, có 5 tỉnh tăng trên 10% là: Quảng Trị, Kon Tum, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bến Tre.

P.V

Ý kiến của bạn

Bình luận