Bài báo tập trung vào vấn đề phối hợp mạng lưới tuyến, phối hợp biểu đồ vận hành và cung cấp thông tin cho hành khách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động mạng lưới VTHKCC cũng như nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
ThS. NGUYỄN HỒNG MAI
ThS. LƯƠNG TUẤN ANH
Trường Đại học Giao thông vận tải
Người phản biện: TS. Trần Thị Lan Hương
PGS. TS. Vũ Trọng Tích
Abtract: The paper introduced concepts of public transport interchange and bus service coordination in the interchange. It concentrated to public transport network and schedule coordinating, providing information to passengers to improve performance efficiency and service quality.
Nội dung
Mục tiêu phối hợp hoạt động của mạng lưới tuyến xe buýt là đảm bảo sự liên thông chung trên toàn mạng và thỏa mãn tối đa nhu cầu đi lại của hành khách. Trong tương lai, khi đường sắt đô thị phát triển, VTHKCC bằng xe buýt cần có sự hoạt động nhịp nhàng trong mạng lưới và đồng bộ với đường sắt đô thị để mang lại hiệu quả cao nhất. Do đó, nâng cao khả năng lưu thông của ĐTC là yếu tố quan trọng để đạt được những mục tiêu trên, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đi lại của người dân đô thị.
1. Khái niệm ĐTC VTHKCC bằng xe buýt
Tổ chức VTHKCC tại đô thị thường phải theo phân vùng giao thông và theo tuyến để phân chia loại hình vận chuyển phù hợp theo từng tuyến hay đoạn tuyến. Đối với hành khách, trong một hành trình, có thể phải thực hiện hoạt động trung chuyển qua hai hay nhiều chặng do phải thay đổi loại hình vận tải hay phải chuyển tuyến.
ĐTC VTHKCC bằng xe buýt là kết cấu hạ tầng được thiết kế và xây dựng chỉ nhằm mục đích chuyên dụng phục vụ hoạt động trung chuyển vận tải khách bằng xe buýt với số lượng lớn, không bao gồm các chức năng khác, dịch vụ khác (như đỗ xe, sửa chữa).
Phân loại ĐTC theo số lượng phương thức kết nối tại ĐTC: Điểm trung chuyển dạng giao tuyến là điểm trung gian của các tuyến khác nhau nhưng cùng phương thức; ĐTC một phương thức nhiều loại hình là mô hình bao gồm nhiều loại hình VTHKCC khác nhau cùng kết nối tại một ĐTC.
Bảng 1.1. Phân loại ĐTC theo quy mô độ lớn của ĐTC
Phân loại theo kết cấu hạ tầng tại ĐTC: Dạng cùng mức, chia khoang, dạng cùng mức trên làn riêng dọc đường, dạng khác mức nhiều tầng.
Hình 1.1: Sơ đồ điểm trung chuyển dạng cùng mức, chia khoang
2. Phối hợp hoạt động các tuyến buýt tại ĐTC
Phối hợp hoạt động các tuyến xe buýt tại ĐTC VTHKCC nhằm hai mục đích. Xét trên khía cạnh vận hành, đảm bảo các tuyến VTHKCC hoạt động phối hợp nhịp nhàng, đảm bảo tính liên thông giữa các phương thức, giữa các tuyến, đem lại hiệu quả tốt nhất cho mạng lưới VTHKCC. Xét trên khía cạnh hành khách, đảm bảo hành khách có thể dễ dàng trung chuyển giữa các phương thức, giữa các tuyến một cách nhanh chóng, an toàn và thuận tiện, khuyến khích hành khách sử dụng VTHKCC.
3. Phối hợp về dạng tuyến tại ĐTC
3.1. Phối hợp mạng lưới tuyến tại ĐTC
Dạng tuyến kết nối về không gian giữa các ĐTC: Có hai dạng tuyến kết nối về không gian giữa các ĐTC là dạng tuyến định hướng và dạng tuyến khép kín.
- Dạng tuyến định hướng: Đây là dạng tuyến kết nối xuất hiện đầu tiên và phổ biến nhất trong mạng lưới các tuyến VTHKCC ở đô thị. Sự phát triển và phân bố dân cư, lao động của đô thị bắt đầu từ khu vực trung tâm đô thị lan tỏa ra các khu ngoại vi sẽ tạo ra các luồng hành khách lớn theo các tuyến (hành lang) hướng tâm và xuyên tâm. Trong một chuỗi các điểm trung chuyển đã hình thành, người ta thường chọn ra những điểm trung chuyển trên một hướng tuyến phù hợp luồng hành khách để hình thành nên một tuyến vận tải chính kết nối các đầu mối vận tải lớn để tập trung đầu tư phát triển hiệu quả. Một số dạng điển hình của dạng tuyến hướng tâm hoặc xuyên tâm thường gặp là kết nối theo trục Bắc – Nam, Đông – Tây, Tây Bắc – Đông Nam, Đông Bắc – Tây Nam…
- Dạng tuyến vệ tinh: Tuyến vệ tinh là tuyến VTHKCC kết nối từ các điểm trung chuyển VTHKCC trong đô thị lớn ra các đô thị vệ tinh xung quanh đô thị lớn. Tuyến vệ tinh có điểm đầu và điểm cuối tại đô thị lớn và đô thị vệ tinh. Mô hình này áp dụng cho các đô thị lớn có dạng vùng đô thị gồm đô thị lõi và đô thị vệ tinh.
- Dạng tuyến khép kín: Nhiều đô thị có kết cấu hạ tầng giao thông phân bố dạng các tuyến hướng tâm và các tuyến vành đai. Các vành đai này cũng thường được dùng để phân vùng giao thông và cũng thường có các ĐTC để chuyển tải hành khách giữa các vùng giao thông. Mô hình kết nối mạng lưới các ĐTC theo vành đai khép kín sẽ hình thành nên một tuyến VTHKCC khép kín theo vành đai và nối thông tất các các ĐTC trên vành đai đó.
Phương thức vận tải kết nối giữa các ĐTC: Là phương thức hay loại hình vận tải được lựa chọn để khai thác phục vụ việc kết nối chuyến đi giữa các ĐTC trên tuyến kết nối. Có rất nhiều phương thức vận tải khác nhau như buýt thường, xe điện, buýt nhanh (BRT), đường sắt đô thị (vận chuyển khối lượng lớn MRT)… Mỗi phương thức có đặc trưng khác nhau về tốc độ, khối lượng vận chuyển, yêu cầu với kết cấu hạ tầng. Việc lựa chọn loại phương thức kết nối phù hợp sẽ tăng hiệu quả sử dụng không gian kết cấu hạ tầng, nâng cao hệ số sử dụng sức chứa phương tiện, giảm chi phí vận hành, nâng cao số lượng sử dụng VTHKCC, giảm phương tiện cá nhân và nâng cao hiệu quả xã hội.
Như vậy, ta có thể thấy rằng tại một điểm trung chuyển sẽ có nhiều phương thức vận tải, nhiều tuyến vận tải cùng hoạt động, kết nối với nhau. Nếu tất cả các tuyến kết nối tại một vị trí sẽ gây ra hiện tượng quá tải, gây mất thời gian chờ đợi cho hành khác cũng như mất an toàn trong khai thác. Do đó, cần thiết phải có giải pháp phân khoang và bố trí vị trí hợp lý cho các tuyến hoạt động tại cùng một điểm trung chuyển.
3.2. Tiêu chí phân khoang điểm dừng tuyến VTHKCC tại ĐTC
- Số lượng các tuyến được phân chia đều vào các khoang nhằm chia đều lượng hành khách tại mỗi khoang. Thời gian hoạt động của các tuyến trong khoang tương đương nhau.
- Các tuyến cùng chiều đi hoặc đến được sắp xếp vào một khoang. Tại mỗi khoang bố trí đầy đủ các tuyến hướng tâm, xuyên tâm, vành đai và tiếp tuyến. Các tuyến trục có nhiệm vụ gom hành khách từ các tuyến nhỏ hơn và tuyến vành đai.
- Đối với các tuyến có lưu lượng hành khách lớn, tiến hành chia đều cho các ô để phân chia luồng hành khách hợp lý, không bị mất cân đối đồng thời giúp hành khách thuận tiện trong việc di chuyển và lựa chọn tuyến phù hợp với mục đích của mình.
- Tại mỗi khoang đề xuất thành các ô trung chuyển, mỗi ô bố trí từ 1 – 3 tuyến. Tiêu chí phân ô dựa vào số lượt xe hoạt động của tuyến và năng lực tuyến. Việc phân chia lượng hành khách theo ô không mang tính chất tuyệt đối, vì số phương tiện ra vào thường xuyên nên việc dừng đỗ đón trả khách của các xe có thể thay đổi để phù hợp với hiện trạng tại điểm trung chuyển.
- Các ô vừa phân được bố trí các biển ghi thông tin các tuyến dừng đỗ tại đó để hành khách dễ tiếp cận với phương tiện.
Mục đích của việc phân chia ô trong từng khoang:
- Tạo điều kiện cho hành khách thuận tiện trong thời gian chờ đợi và lên xe, có thể dễ dàng tìm thấy tuyến mình cần đi một cách nhanh nhất. Điều này sẽ làm giảm thời gian chuyến đi hành khách và nâng cao hiệu quả của hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
- Chia đều lượng hành khách cho các ô, giảm được tình trạng chen lấn xô đẩy. Từ đó sẽ tăng được tính an toàn cho hành khách khi lên và xuống xe.
4. Phối hợp về thời gian tại ĐTC
Sau khi đã phối hợp về lộ trình các tuyến hoạt động có hiệu quả và hỗ trợ được nhau, mặt khác thuận lợi cho hành khách chuyển tuyến, rút ngắn được thời gian chuyến đi và các tuyến luôn đảm bảo được công suất luồng hành khách thiết kế thì công tác phối hợp biểu đồ và thời gian biểu chạy xe rất quan trọng.
ĐTC là nơi hành khách kết thúc tuyến, chuyển tuyến sang tuyến phù hợp với hành trình yêu cầu. Mục đích phối hợp thời gian tại ĐTC là tối thiểu hóa thời gian hành khách chờ đợi, di chuyển trong ĐTC, sao cho hành khách khi xuống tuyến này có thể tìm và lên ngày tuyến tiếp theo mà hành khách cần. Từ đó giảm thời gian một chuyến đi của hành khách là nhỏ nhất.
Từ công thức:
Ta xác định khoảng cách chạy xe lại cho phù hợp để có thể phối hợp nhịp nhàng tại điểm trung chuyển. Công thức tính khoảng cách chạy xe là:
Trong đó: AHĐ là số xe cần thiết hoạt động trên tuyến (xe)
Tv là thời gian 1 vòng xe chạy (phút) = 2Tch;
I là khoảng cách chạy xe (phút).
Tiêu chí điều chỉnh giãn cách chạy xe của các tuyến.
- Giãn cách chạy xe được điều chỉnh đối với các tuyến trong cùng một ô, các ô cùng một khoang sao cho thời gian vào khoang dừng đỗ là phù hợp nhất. Sao cho khi 2 xe cùng vào khoang trung chuyển không làm ảnh hưởng tới luồng phương tiện khác, phù hợp với nhu cầu chuyển tuyến của hành khách.
- Giãn cách chạy xe phù hợp sẽ làm các xe không dừng lại quá lâu, giảm thời gian chờ đợi tác nghiệp, tránh các xe dừng quá sát nhau sẽ gây cho hành khách vội vàng dẫn đến mất an toàn cho hành khách. Từ đó ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ hành khách.
- Các giãn cách chạy xe được điều chỉnh không quá xa nhau, trung bình 3 – 5 phút có tuyến mới vào khoang trung chuyển. Điều này làm hành khách có nhu cầu chuyển tuyến trong khoang hay giữa các khoang có thời gian di chuyển đến khoang và không phải đợi xe quá lâu.
5. Cung cấp thông tin cho ĐTC
Buýt – GPS gồm hệ thống định vị toàn cầu GPS và hệ thống thông tin địa lý GIS, là giải pháp giám sát, điều hành xe buýt trực tuyến dựa trên cơ sở sử dụng hộp đen đa năng BA – BlackBox. Mỗi xe buýt sẽ được trang bị hộp đen đa năng BA – BlackBox, hộp đen thu thập những thông tin trạng thái của xe (vị trí, vận tốc, trạng thái cửa…) gửi về TTĐH đồng thời xác định điểm dừng tiếp theo để thông báo bằng âm thanh cho khách xuống xe.
Tính năng của Buýt – GPS
- Thể hiện vị trí xe, lộ trình xe, các điểm dừng đỗ quy định… trên bản đồ số.
- Thể hiện lại lộ trình và trạng thái của xe tại một thời điểm bất kỳ trong quá khứ.
- Quản lý điểm dừng đỗ, các điểm đặc biệt trên lộ trình.
- Thông báo điểm dừng đỗ bằng âm thanh cho khách xuống xe (có thể kết hợp giới thiệu địa danh, hoặc quảng cáo trên xe).
- Tổng hợp, tạo báo cáo các lỗi vi phạm của xe (lỗi dừng đỗ, lỗi đóng/mở cửa, lỗi điều hòa, lỗi vận tốc, lỗi thời gian xuất bến/đến bến…).
- Quản lý lái xe, nhân viên bán vé, ca kíp.
Lợi ích của Buýt – GPS
- Đối với Trung tâm Điều hành, dữ liệu hoạt động của các xe buýt được trung tâm thu thập tự động từ các hộp đen gắn trên xe và được tổ chức lưu trữ theo thời gian vào các cơ sở dữ liệu của hệ thống hoặc được hiển thị phục vụ công tác giám sát trực tiếp. Từ đó, Trung tâm Điều hành có thể dễ dàng lưu trữ dữ liệu, giám sát truy suất thông tin, cập nhập và xuất báo cáo chuyên ngành phục
vụ công tác quản lý các tuyến xe, quản lý cơ sở hạ tầng mạng lưới xe buýt, quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng thành phố.
Đối với cơ sở quản lý xe buýt: Việc cập nhập dữ liệu hoạt động vận tải cấp cơ sở sẽ được thực hiện có chu kì, tiến hành in báo cáo tổng hợp, thống kê liên quan trực tiếp đến phương tiện vận tải, tình hình nhân sự vận hành, hoạt động của hệ thống xe buýt. Từ đó thiết lập và vận hành thời gian biểu chạy xe, thời gian bảo hành, bảo dưỡng phương tiện kịp thời và hợp lý.
- Đối với hành khách sử dụng VTHKCC bằng xe buýt.
Đối với hành khách, hệ thống GPS được kết nối với hệ thống loa trên xe để tự động thông báo cho hành khách tên điểm dừng tiếp theo trước khi xe đến điểm dừng để hỗ trợ hành khách đi xe chủ động trong việc xác định điểm dừng cần xuống. Hệ thống bảng điện tử được lắp đặt tại ĐTC cho phép hành khách nhận biết vị trí đón trả khách của các tuyến, khoảng cách của các xe tới ĐTC từ đó hành khách lựa chọn tuyến buýt phù hợp với hành trình của mình mà không phải chờ đợi quá lâu.
Ngoài ra, khi vận hành hệ thống này một số lỗi như: Lái xe tự ý vận hành sai lộ trình, không dừng đỗ, mở cửa khi xe chạy… đã được giảm hẳn. Điều này tạo tâm lý tốt hơn cho hành khách sử dụng xe buýt, khuyến khích người dân sử dụng VTHKCC bằng xe buýt nhiều hơn.
Kết luận: Phát triển VTHKCC là giải pháp hữu hiệu đảm bảo thỏa mãn nhu cầu đi lại của thị dân, cũng như sự phát triển bền vững của hệ thống giao thông vận tải đô thị. Vấn đề quan trọng là việc xác định, kiến tạo nên các trung tâm trung chuyển của các dòng hành khách đồng thời phối hợp hoạt động của dịch vụ VTHKCC tại các ĐTC một cách có hiệu quả. Chính nhờ có vai trò của các điểm kết nối này mà các đơn tuyến đã được tổ hợp lại thành một mạng lưới thống nhất liên hoàn, từ đó có thể xác lập rõ công nghệ vận hành toàn mạng lưới. Đây là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực thông qua, nâng cao hiệu quả và độ tin cậy hoạt động của toàn hệ thống VTHKCC trong đô thị.
Tài liệu tham khảo
[1]. PGS.TS Từ Sỹ Sùa, Vận tải hành khách trong thành phố – Bài giảng cao học, Trường Đại học Giao thông vận tải.
[2]. PGS.TS Nguyễn Xuân Vinh, Thiết kế công trình hạ tầng đô thị và giao thông công cộng thành phố, NXB Xây dựng.
[3]. Hiệp hội giao thông công cộng Mỹ. Danh mục các thuật ngữ về trung chuyển – Transit.
[4]. Yosef Sheffi (1992). Urban transportation networks, Prentice Hall: New Jersey.
[5]. Papacostas, Prevedouros (2001). Transportation Engineering and Planning. Prentice Hall: New York.
[6]. Proefschrift (2002). Design of multimodal transport networks – A hierarchical approach. DUP Science: Netherlands.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.