Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Tác giả: Bài, ảnh: Thu Hà

saosaosaosaosao
Ứng dụng 04/12/2020 05:37

Trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia 2020 (Techfest 2020), vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức Diễn đàn cấp cao “Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.


 

1
Toàn cảnh Diễn đàn

Tham dự Diễn đàn có ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KH&CN; bà Ngô Thị Minh – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI; ông Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; bà Catlin Wiesen - Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP); bà Ann Mawe – Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam; ông Ivo Siebre – Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam; ông Matti Tervo – Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam; đại diện Tham tán Đại sứ Indonesia;…; cùng đại diện một số Bộ, Ban, ngành Trung ương; tổ chức Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc tế; các tổ chức Hỗ trợ khởi nghiệp, các trường Đại học/Cao đẳng, Hiệp hội doanh nghiệp và các Doanh nhân;… 

Hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST

Giai đoạn 2016 - 2020 có thể xem là giai đoạn đầu phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia, với sự ra đời của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844). Trong giai đoạn này, với vai trò chủ trì của Bộ KH&CN và sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đã cơ bản được hình thành, các chủ thể trong hệ sinh thái đã tham gia một cách đầy đủ, toàn diện. Hệ thống pháp lý hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST tương đối đầy đủ, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp khởi nghiệp trên nền tảng nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, khai thác tài sản trí tuệ, mô hình kinh doanh mới. 

2
2Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, chiều ngày 27/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các Bộ, ngành đã cùng dự Lễ khai mạc Techfest và Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp, điều đó đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Nhà nước với hệ sinh thái khởi nghiệp.

Cho rằng Việt Nam trong thời kỳ dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào, dư địa tăng trưởng còn lớn, Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định, nếu áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ sẽ giúp tăng trưởng nhanh, bắt kịp với thế giới. Muốn vậy, cần có chính sách khuyến khích được sự sáng tạo, cống hiến nhiều hơn của người dân, thu hút người tài trong và ngoài nước, ai có năng lực đều có thể cống hiến và sáng tạo, khơi dậy khát vọng dân tộc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng đất nước phát triển và thịnh vượng.

Thứ trưởng cho biết, Việt Nam hiện có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 108 quỹ. Trong đó, có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ thuần Việt. Các con số này liên tục tăng trong những năm qua thể hiện sự tham gia tích cực của hệ sinh thái. 

3
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng phát biểu tại Diễn đàn.

Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, Chương trình Khởi nghiệp quốc gia và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phát huy thế mạnh trong thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút sự quan tâm, vào cuộc của cộng đồng khởi nghiệp trên cả nước và một số tổ chức quốc tế; quy tụ đội ngũ chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp ĐMST hàng đầu tại Việt Nam để triển khai các hoạt động khởi nghiệp chuyên sâu và cao cấp. Tháng 4/2020, Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đã được thành lập, góp phần thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu của quốc gia.

Khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo là động cơ chính để kinh tế đất nước phát triển bền vững. Đó không chỉ là yêu cầu thành lập nhiều doanh nghiệp mới mà còn là yêu cầu làm mới với tất cả các doanh nghiệp đang tồn tại. Đặc biệt khởi nghiệp sáng tạo là mệnh lệnh của kỷ nguyên số, ông Phòng nói.

 Tạo nguồn lực cho khởi nghiệp sáng tạo

Diễn đàn “Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” được tổ chức nhằm tìm kiếm sáng kiến, giải pháp để sớm hình thành mạng lưới không gian sáng tạo, cơ sở trợ giúp kỹ thuật, trung tâm kết nối nguồn lực và tư vấn, cung cấp dịch vụ cho ĐMST tại các cơ sở đào tạo. Tại Diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia đã tập trung thảo luận về Chính sách xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; phát triển tiềm lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia; đưa ra các giải pháp làm sao kết nối được các nguồn nhân lực để khởi nghiệp, từ đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng, đến việc hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng; việc kết nối với lực lượng sinh viên học sinh ở nước ngoài; tổ chức các diễn đàn tri thức, thu hút tri thức về Việt Nam; mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST; các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST cũng như vấn đề gắn kết giữa ĐMST và sở hữu trí tuệ; thúc đẩy hợp tác giữa các nguồn lực, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trong nước, quốc tế; tăng cường mối liên kết viện – trường – doanh nghiệp, thúc đẩy sự sáng tạo từ con người và vì con người. Các chuyên gia quốc tế cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, cách thức để kết nối, thu hút mạng lưới tổ chức, cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, hình thành tư duy ĐMST cho thế hệ trẻ, đặc biệt đội ngũ sinh viên các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp,… để thúc đẩy hệ thống ĐMST quốc gia, trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Thụy Điển là nền kinh tế dựa trên tri thức và là một trong những quốc gia đi đầu trong phát triển hệ sinh thái ĐMST. Tại diễn đàn, bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam đã chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Thụy Điển để quốc gia này trở thành một trong những quốc gia mạnh về ĐMST hiện nay. Theo đó, Chính phủ khuyến khích các cá nhân sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm phát triển những kỹ năng nghề nghiệp và tự do trong việc đề ra những ý tưởng phát triển thành ý tưởng của mình. “Chúng tôi tin tưởng vào sức mạnh của sự sáng tạo”, bà Ann Mawe nói.

Bà Ann Mawe cho biết, đầu tư vào R&D của Thụy Điển cũng ở mức cao nhất thế giới xét về GDP. 61% đầu tư vào R&D là từ các doanh nghiệp khu vực tư nhân, phần còn lại là từ Chính phủ và các tổ chức đào tạo. R&D đã mang lại những thành tựu lớn cho đất nước. Đồng thời, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông và viễn thông ở tầm quốc tế; tập trung vào quá trình ĐMST không chỉ ở khu vực tư nhân mà cả ở khu vực công. Cụ thể như cơ quan thuế, giờ đây đã trở thành một cơ quan ĐMST hàng đầu về hành chính, thay vì chỉ thu thuế hành chính cơ học thì giờ hoàn toàn là điện tử, thu thuế trên mạng, thông qua điện thoại di động, hoàn thuế thu nhập cá nhân có thể được thực hiện trong vài phút từ điện thoại di động. 

Bà Ann Mawe cho rằng, Thụy điển luôn mở rộng cơ hội cho việc hợp tác với các tổ chức quốc tế và các cá nhân nước ngoài để đưa ra những ý tưởng mới, bắt nhịp xu hướng phát triển nền kinh tế số, thông qua việc đầu tư mạnh vào việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin. Đồng thời, luôn chú trọng hợp tác với các trường đại học hàng đầu của Việt Nam.

Bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú UNDP cho rằng, Techfest năm nay với chủ đề “Thích ứng – Chuyển đổi – Bứt phá” rất đúng thời điểm và sáng tạo. Theo đánh giá của UNDP, dịch COVID – 19 không chỉ là một thiên tai, dịch họa mà thực tế nó trở thành một cơ hội thúc đẩy các nhà sáng tạo đổi mới để hiện thực hóa những ý tưởng của mình, thay đổi doanh thu, giải quyết những thách thức về tài chính, biến đổi khí hậu,… Thực tế đã chứng minh mô hình ĐMST đã cải thiện sự phát triển của doanh nghiệp rất lớn.

UNDP là một trong những tổ chức đóng góp tích cực cho sự phát triển của hệ sinh thái ĐMST Việt Nam với nhiều hoạt động như tham gia các diễn đàn Techfest thường niên để hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST; tạo thêm nhiều tác động về kinh tế, xã hội và môi trường để làm sâu sắc hơn hệ sinh thái ĐMST; tham gia diễn đàn đối thoại chính sách ở các tỉnh, thành cũng như tổ chức chương trình đào tạo, cố vấn, hỗ trợ cho 28 doanh nghiệp khởi nghiệp, hơn 300 doanh nhân thông qua các tổ chức. 

Bà Caitlin Wiesen cho biết, năm 2020, trước tình hình dịch COVID-19, nhận thấy nhu cầu lớn của hệ thống ĐMST Việt Nam, UNDP triển khai một chương trình mới nhằm thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp ĐMST, làm sâu sắc hơn hiểu biết về đầu tư của các nhà khởi nghiệp. UNDP đã tổ chức một nghiên cứu quan trọng trong việc hỗ trợ và thành lập trung tâm ĐMST tại trường đại học.

Về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh cần có sự ươm tạo, cố vấn cho các startup phát triển các ý tưởng khởi nghiệp; có chương trình ĐMST trong chương trình đào tạo cùng những chương trình sáng kiến để hỗ trợ các startup, không chỉ ở trung ương mà còn ở các địa phương. Câu chuyện kết nối cần được thực hiện giữa các startup, kết nối giữa các tổ chức trong và ngoài nước, tạo ra các sản phẩm quan trọng mang ý nghĩa xã hội, hỗ trợ cho cộng đồng ví dụ như nhiều sản phẩm tuyệt vời của các doanh nghiệp khởi nghiệp được phát triển ngay trong tâm dịch COVID-19.

Ông Thiều Phương Nam – Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Camphuchia cho biết, tháng 12/2019, Qualcomm khởi động Chương trình Thử thách ĐMST Qualcon Việt Nam với mục đích thúc đẩy ĐMST trong cộng đồng khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam; tìm kiếm và nuôi dưỡng các công ty sáng tạo khởi nghiệp tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ tiên phong như công nghệ di động, năng lượng, trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh,… phù hợp với chiến lược phát triển công nghệ của Việt Nam; nuôi dưỡng, phát triển, tiến đến việc đưa nhiều hơn các sản phẩm công nghệ Việt Nam ra thế giới.

Theo ông Nam, Việt Nam là nước thứ 3 thực hiện Chương trình này, sau Đài Loan (Trung Quốc) và Ấn Độ. Chương trình ngay trong năm đầu tiên đã nhận được sự tham gia rộng rãi, tích cực từ các startup công nghệ tại Việt Nam với hơn 60 hồ sơ tham gia là các ý tưởng, kế hoạch phát triển sản phẩm sáng tạo có khả năng cao phù hợp với các lĩnh vực trọng điểm của Việt Nam như thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, sản xuất thông minh, công nghệ y tế. Các chuyên gia sẽ xem xét, chọn ra 10 công ty vào vòng trong với tiền thưởng 10.000 USD và tiếp tục tham gia vào chương trình ươm tạo của Chương trình. Ngoài các hỗ trợ về tài chính, các startup sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ từ Qualcomm như các khóa huấn luyện về kinh doanh, gọi vốn đầu tư, được hỗ trợ trong việc đăng ký bằng sáng chế; được sử dụng các phòng Lap R&D của Qualcomm tại Hà Nội trong việc phát triển sản phẩm của mình. Công ty hoạt động trên toàn cầu sẽ kết nối các startup với hệ sinh thái khởi nghiệp trên thế giới. “Mục tiêu cuối cùng là giúp mang các sản phẩm của startup Việt Nam ra thế giới”, ông Nam nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận