Kết quả khóa họp thứ 93 của Ủy ban An toàn hàng hải

Bạn đọc 06/06/2014 10:43

Khóa họp thường kỳ thứ 93 của Ủy ban An toàn hàng hải (MSC) thuộc Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) diễn ra từ ngày 14 đến ngày 23 tháng 5 năm 2014 tại trụ sở của tổ chức này, thủ đô Luân Đôn, Vương quốc Anh.


Khóa họp đã tiến hành thảo luật, phê chuẩn và thông qua nhiều nội dung quan trong liên quan đến an toàn hàng hải toàn cầu được nêu tóm tắt dưới đây:

  • Phê chuẩn Bộ luật quốc tế về an toàn của tàu hoạt động tại các vùng nước địa cực và sửa đổi, bổ sung liên quan của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển.
  • Ủy ban đã phê chuẩn dự thảo Bộ luật quốc tế về an toàn của tàu hoạt động tại các vùng nước địa cực (Bộ luật POLAR), và dự thảo sửa đổi, bổ sung đối với Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974 (Công ước SOLAS) nhằm bổ sung Chương VI mới – “Các biện pháp an toàn đối với tàu hoạt động tại các vùng nước địa cực” quy định bắt buộc việc áp dụng Bộ luật POLAR. Dự kiến các dự thảo này sẽ được MSC thông qua tại khóa họp thứ 94 tổ chức trong tháng 11 năm 2014.
  • Dự thảo Bộ luật POLAR bao trùm toàn bộ các vấn đề liên quan đến thiết kế, đóng mới, trang thiết bị, vận hành khai thác, huấn luyện thuyền viên, tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ môi trường áp dụng cho các tàu hoạt động tại các vùng nước có điều kiện tự nhiên rất khắc nhiệt và dễ bị tổn thương ở hai cực của trái đất.

Thông qua các sửa đổi, bổ sung đối với chương trình đánh giá bắt buộc các quốc gia thành viên của IMO

Bằng việc thông qua các sửa đổi, bổ sung đối với các văn kiện được liệt kê dưới đây nhằm quy định bắt buộc áp dụng Bộ luật về thực hiện các văn kiện của IMO (Bộ luật III), MSC đã hoàn thành khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện chương trình đánh giá bắt buộc các quốc gia thành viên của IMO:

  • Công ước SOLAS (bổ sung thêm Chương XIII mới về chương trình đánh giá bắt buộc đối với các quốc gia thành viên IMO).
  • Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca đối với thuyền viên năm 1978 (Công ước STCW), và Bộ luật về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca đối với thuyền viên (Bộ luật STCW).
  • Nghị định thư năm 1978 của Công ước quốc tế về mạn khô tàu biển năm 1966.

Liên quan đến chương trình đánh giá bắt buộc đối với các quốc gia thành viên IMO, tại khóa họp thứ 28 Đại hội đồng IMO (được tổ chức vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 2013) đã thông qua các sửa đổi, bổ sung đối với các văn kiện sau đây:

  • Công ước về Quy tắc quốc tế phòng ngừa va chạm tàu thuyền trên biển năm 1972 (Quy tắc COLREG).
  • Công ước quốc tế về mạn khô tàu biển năm 1966 (Công ước LL).
  • Công ước quốc tế về đo dung tích tàu biển năm 1969 (Công ước TONNAGE).

Cũng về vấn đề liên quan, Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) của IMO đã thông qua các sửa đổi, bổ sung đối với các phụ lục từ I đến VI của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra năm 1973 đã được sửa đổi bởi Nghị định thư năm 1978 (Công ước MARPOL) để quy định việc bắt buộc áp dụng chương trình đánh giá các quốc gia thành viên IMO từ năm 2016.

Thông quá các sửa đổi, bổ sung khác đối với Công ước SOLAS và một số văn kiện quan trọng khác của IMO.

Các sửa đổi, bổ sung sau đây đối với Công ước SOLAS, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, đã được MSC thông qua:

  • Sửa đổi, bổ sung đối với Quy định II-1/19 về máy lái nhằm mục đích cập nhật các yêu cầu liên quan đến thử tàu đường dài.
  • Sửa đổi, bổ sung đối với Quy định II-2/4, II-2/3, II-2/9.7 và II-2/16.3.3 đưa ra các yêu cầu bắt buộc đối với việc trang bị hệ thống khí trơ và cho các tàu chở dầu và tàu chở hóa chất mới có trọng tải từ 8.000 tấn trở lên, và hệ thống thông gió trên các tàu mới.
  • Sửa đổi, bổ sung đối với Quy định II-2/10 liên quan đến các yêu cầu bảo vệ chống cháy áp dụng cho các tàu mới được thiết kế để chở container ở trên và phía trên boong thời tiết.
  • Sửa đổi, bổ sung đối với Quy định II-2/13.4 về các lối thoát bổ sung từ buồng máy của tàu.
  • Bổ sung Quy định II-2/20-1 mới về các yêu cầu đối với tàu chở xe ô tô sử dụng khí tự nhiên nén (CNG) hoặc khí hyđrô nén làm nhiên liệu hoạt động của xe.

MSC cũng đã thông qua:

  • Sửa đổi, bổ sung 37-14 đối với Bộ luật quốc tế về vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường biển (Bộ luật IMDG).
  • Sửa đổi, bổ sung đối với Bộ luật quốc tế về các trang bị cứu sinh của tàu (Bộ luật LSA), liên quan đến quy định về thử phao áo.
  • Sửa đổi, bổ sung đối với Bộ luật quốc tế về các hệ thống an toàn chống cháy của tàu (Bộ luật FSS), đưa ra các yêu cầu mới đối với hệ thống khí trơ.

Các sửa đổi, bổ sung đối với ba bộ luật nói trên dự kiến cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

Thống nhất kế hoạch hành động sửa đổi đối với an toàn tàu chở khách

Căn cứ vào kết quả thảo luận sâu rộng của nhóm công tác về an toàn tàu chở khách, MSC đã nhất trí đối với kế hoạch hành động dài hạn sửa đổi đối với an toàn của loại tàu này.

Một số vấn đề liên quan đến ổn định hư hỏng và khả năng duy trì tồn tại của tàu khách được MSC quyế định chuyển cho Tiểu ban thiết kế và đóng tàu (Tiểu ban SDC) tiếp tục nghiên cứu, bao gồm cả việc xem xét các quy định về hoạt động của cửa kín nước và kết cấu hai vỏ đối với buồng máy của tàu. MSC cũng giao cho Tiểu ban SDC cân nhắc sự cần thiết đối với việc sửa đổi, bổ sung Công ước SOLAS nhằm đưa ra yêu cầu về thực tập kiểm soát hư hỏng trên tàu chở khách. Đồng thời, MSC chỉ đạo Tiểu ban yếu tố con người và huấn luyện (Tiểu ban HTW) xem xét vấn đề huấn luyện tăng cường về ổn định hư hỏng đối với thuyền viên tàu chở khách.

Thông qua Bộ luật quốc tế về kết cấu và trang thiết bị của tàu chở xô khí hóa lỏng sửa đổi

MSC đã thông qua Bộ luật quốc tế về kết cấu và trang thiết bị của tàu chở xô khí hóa lỏng sửa đổi (Bộ luật IGC). Bộ luật IGC sửa đổi và cập nhật toàn diện đã được xây dựng dựa trên kết quả xem xét trong thời gian 5 năm vừa qua với sự quan tâm thỏa đánh đến các tiến bộ khoa học và công nghệ mới nhất trong lĩnh vực vận chuyển khí hóa lỏng. Dự kiến, Bộ luật IGC mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 và được áp dụng từ ngày 01 tháng 07 năm 2016.

Phê chuẩn dự thảo sửa đổi, bổ sung của Công ước SOLAS liên quan đến kiểm tra xác nhận khối lượng của container

Dự thảo sửa đổi, bổ sung đối với Chương VI của Công ước SOLAS đã được MSC phê chuẩn, với dự định sẽ được thông qua vào khóa họp thứ 94 của ủy ban này, đưa ra quy định bắt buộc về kiểm tra xác nhận khối lượng toàn bộ của container vận chuyển bằng tàu biển. Việc kiểm tra xác nhận này được thực hiện thông qua việc cân toàn bộ container đã được xếp hàng hoặc việc cân hàng dự định xếp trong container cộng với khối lượng của container rỗng. Về vấn đề này, MSC cũng đã phê chuẩn dự thảo thông tư hướng dẫn kiểm tra xác nhận khối lượng toàn bộ container chở hàng.

Xem xét vấn đề cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu biển

MSC đã xem xét số liệu thống kê mới nhất về cướp biển, cướp có vũ trang nhằm vào tàu biển, và thảo luận các sáng kiến nhằm ngăn chặn nạn cướp biển, cướp có vũ trang. Số liệu thống kê cho thấy số vụ tấn công cướp biển nhằm vào tàu đã giảm khá nhiều, và đặc biệt là không có tàu thuộc phạm vi áp dụng Công ước SOLAS bị cướp biển bắt giữ tại khu vực Tây Ấn Độ Dương từ tháng 5 năm 2012 đến nay. Có được kết quả này là do các hành động mạnh mẽ của các lực lượng hải quân quốc tế trong khu vực, các biện pháp tăng cường an ninh tàu đã được các công ty vận tải biển, thuyền trưởng, thuyền viên thực hiện, cũng như việc sử dụng các đơn vị an ninh chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, MSC cũng bày tỏ sự quan ngại về tình hình tại vịnh Guinea, nơi đã xảy ra 18 vụ bắt giữ tàu của cướp biển trong năm 2012 và 2013 (mỗi năm 9 vụ). Ủy ban đã đánh giá cao sự đóng góp của Trung Quốc, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Na Uy đối với Quỹ tin cậy an ninh hàng hải khu vực Trung và Tây Phi của IMO (the IMO West and Central Africa Maritime Security Trust Fund).

MSC ủng hộ trên nguyên tắc đối với dự thảo hướng dẫn tạm thời về các biện pháp hỗ trợ thuyền viên và gia đình của thuyền viên bị ảnh hưởng bởi các vụ cướp biển ở ngoài khơi Somalia, do Nhóm công tác 3 (WG3) thuộc Nhóm liên lạc về cướp biển ở ngoài khơi Somalia (CGPSC) soạn thảo; đồng thời, nhất trí chuyển hướng dẫn này đến Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) để xem xét, bổ sung vào Công ước Lao động hàng hải năm 2006 (Công ước MLC).

Xem xét dự thảo sửa đổi, bổ sung đối với Công ước SOLAS liên quan đến an toàn xuồng cứu sinh

Sau khi cân nhắc các nội dung không nhất quán của dự thảo sửa đổi, bổ sung đối với Quy định III/3, III/20 của Công ước SOLAS và dự thảo nghị quyết về các yêu cầu bảo quản, bảo dưỡng định kỳ xuồng cứu sinh, xuồng cấp cứu và thiết bị hạ xuồng, MSC đã thống nhất chuyển các dự thảo này cho Tiểu ban các hệ thống và trang thiết bị tàu (SSE) tiếp tục nghiên cứu.

Các vấn đề khác

Liên quan đến các vấn đề an toàn hàng hải khác, tại khóa họp 93, MSC đã:

  • Phê chuẩn, nhằm mục đích thông qua trong tương lai, dự thảo Quy định XI-1/7 mới của Công ước SOLAS về thiết bị thử môi trường khí trong các không gian kín của tàu. Theo đó, tàu phải được trang bị thiết bị thử nghiệm môi trường khí xách tay thích hợp có khả năng đo hàm lượng ôxy, khí hoặc hơi dễ cháy, sunphua hyđrô và ôxít cácbon, trước khi cho người vào không gian kín của tàu. Về vấn đề này, MSC cũng đã phê chuẩn trên nguyên tắc dự thảo thông tư về thực hiện sớm quy định liên quan của Công ước SOLAS.
  • Phê chuẩn giải thích thống nhất đối với Công ước TONNAGE 69 nhằm làm rõ việc áp dụng công ước này.
  • Phê chuẩn giải thích thống nhất liên quan đến việc áp dụng Tiêu chuẩn chức năng của biện pháp bảo vệ chống ăn mòn thay thế cho két dầu hàng của tàu chở dầu thô (Nghị quyết MSC.289(87)); và Tiêu chuẩn chức năng của sơn bảo vệ cho két dầu hàng của tàu chở dầu thô (PSPC-COT) (Nghị quyết MSC.288(87)).
  • Phê chuẩn Bộ luật IMO/ILO/UNECE về thực hành đối với việc sắp xếp các khối vận tải hàng hóa (Bộ luật CTU).
  • Phê chuẩn một số hệ thống tuyến vận tải biển mới, bao gồm cả kế hoạch phân luồng giao thông đường biển, và sửa đổi, bổ sung đối với các hệ thống tuyến vận tải biển hiện có.
  • Thông qua các tiêu chuẩn chức năng của thiết bị thu đối với hệ thống vệ tinh hàng hải “Bắc Đẩu” (BDS).
  • Nhất trí giao cho Tiểu ban hành hải, thông tin liên lạc và tìm kiếm cứu nạn (Tiểu ban NCSR) xem xét việc công nhận hệ thống vệ tinh hàng hải toàn cầu (GNSS) được thiết lập theo Chương trình Galileo của Liên minh châu Âu (EU) là một phần của Hệ thống hàng hải vô tuyến toàn thế giới (WWRNS).
  • Phê chuẩn hướng dẫn chức năng tự động của hệ thống báo động trực ca hàng hải buồng lái (BNWAS).
  • Phê chuẩn hướng dẫn khôi phục hiệu lực của giấy chứng nhận quản lý an toàn sau thời gian gián đoạn của hệ thống quản lý an toàn do tàu tạm dừng hoạt động.
  • Phê chuẩn hướng dẫn an toàn đối với việc vận chuyển người trên biển.
  • Thành lập nhóm công tác trao đổi qua thư tín (Correspondence group) để hoàn thành dự thảo hướng dẫn xây dựng pháp luật an ninh hàng hải quốc gia.
  • Nhất trí giao cho Tiểu ban thiết kế và đóng tàu (Tiểu ban SDS) xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung đối với Công ước SOLAS và Bộ luật FSS liên quan đến quy định về phân tích sơ tán người trên tàu bắt buộc áp dụng cho tàu chở khách mới, và xem xét các khuyến nghị về phân tích sơ tán người đối với các tàu chở khách mới và hiện có.

Theo vr.org.vn

Ý kiến của bạn

Bình luận