Khắc khoải nhớ hương vị Tết xưa

Tác giả: gia phong

saosaosaosaosao
Xã hội 29/01/2017 09:56

Mỗi khi mùa xuân chạm ngõ, đất trời lại đong đầy xao xuyến, nỗi nhớ quê hương, gia đình. Giới doanh nhân như chúng tôi đa phần phải sống xa quê vì còn phát triển sự nghiệp chốn đô thị. Có lẽ vì thế, khi ai đó đặt câu hỏi cho doanh nhân về Tết, chúng tôi đều trả lời rằng “tôi nhớ mùi Tết đến nao lòng”…

1 (1)

Chúng tôi luôn được ví là con người của công việc và có lẽ đúng như vậy. Thời gian của chúng tôi được tính bằng phút, lúc nào chúng tôi cũng có việc cần giải quyết. Thế nên chẳng mấy khi chúng tôi có thời gian thảnh thơi để trở về quê hương thường xuyên. Cũng may, tạo hóa tạo nên bốn mùa và khi mùa xuân về cũng là lúc chúng tôi có một khoảng thời gian ngắn để nhìn lại cuộc sống. Mặc dù những cái Tết gần đây, vài anh em cùng giới kinh doanh hay ngồi lại trò truyện, tổng kết một năm xây dựng kinh tế, đôi khi xen lẫn vài câu chuyện về sắm Tết, người thì bảo đổi ô tô mới, người thì bảo mua được hàng độc chơi Tết với giá cả trăm triệu. Phải nói rằng cái Tết của những doanh nhân như chúng tôi rất sung túc nhưng sâu thẳm trong tâm thức, tôi vẫn chẳng thấy sung sướng như những năm đón Tết xưa. Có lẽ, những doanh nhân xa quê hương như chúng tôi thèm nhất vẫn là được nếm hương vị Tết xưa cổ truyền của dân tộc.

Cái “mùi” Tết xưa nó thấm đẫm vào tôi như dòng sữa mẹ nuôi tôi lớn trong ngọt ngào. Tết - cái “mùi” đầu tiên tôi nhớ đến chẳng phải cao sang gì mà đó là mùi vôi mới. Tôi nhớ, cứ độ giữa tháng Chạp là bố tôi lại mang xô vôi đã tôi từ nửa năm trước ra gạn lọc, rồi hòa với nước. Chiếc chổi lau đã cùn được giặt sạch sẽ và gắn thêm cán nứa dài. Từng bức tường cứ thế được thêm một lớp vôi mới, dày dặn hơn. Cái mùi hăng hắc của vôi luôn là dấu hiệu nhắc cho tôi biết Tết sắp về.

Một “mùi” đặc trưng của Tết mà tôi cảm giác nó thiêng liêng vô cùng là mùi hương Tết. Không phải chỉ có Tết mới có mùi hương, nhưng cái mùi khói hương ngày Xuân có vị khác biệt hoàn toàn với ngày thường. Đêm giao thừa, trên bàn thờ gia tiên, một mâm cỗ thịnh soạn với nén hương vòng cứ cháy chầm chậm, khói cuộn tròn rồi bay lên lan tỏa khắp gian nhà. Mặc dù, lúc ấy tôi còn bé chưa thể hiểu hết ý nghĩa của thờ cúng tổ tiên, nhưng chính mùi thơm thanh tao đó khiến tâm hồn một đứa trẻ cảm giác có gì đó thiêng liêng, thần bí.

Giờ đây, dù lập nghiệp xa xứ, đi khắp mọi nơi nhưng cứ đến một địa điểm tâm linh nào đó, mùi hương lại du tôi trở về với tuổi ấu thơ. Đặc biệt, những khi trời se lạnh, bất ngờ ngửi thấy mùi hương ở đâu đó, tôi lại thấy lòng mình xốn xang như hương vị Tết xưa đang vọng về.

tet_1

Hương vị Tết ngày xưa còn là mùi ấm nồng từ bếp luộc bánh chưng bên ánh than hồng rực. Mùi củi cháy, mùi thơm của lá dong, mùi gạo nếp cùng nhân đậu xanh, thịt ba chỉ hòa quyện với nhau trong chiếc nồi lớn, nước sôi sùng sục rồi bốc hơi mang theo mùi thơm quyến rũ. Ngày ấy, mỗi ngõ xóm nhỏ đều chung nhau một con lợn để cùng ăn Tết, nhà nào cũng dành một ít thịt gói bánh chưng, một ít để nấu đông. Khi người lớn gói bánh thì lũ trẻ chạy lăng xăng phía ngoài để xem, rồi tự tay gói cho mình một cái bánh nhỏ, tuy hơi xộc xệch nhưng cảm thấy sung sướng vô cùng. Đối với tôi, chiếc bánh chưng nhỏ ấy có vị ngon đậm đà mà không chiếc bánh nào sánh nổi. Vì chỉ cần nghĩ đến khi bánh chín sẽ được bóc nó ra ăn trước, không phải đợi chờ đã là cả một niềm hạnh phúc.

Ngày đó, cứ mỗi lần bố và ông tôi gói bánh xong, mẹ tôi lại lật đật mang bánh xếp vào nồi. Trong khi mẹ chuẩn bị mâm ngũ quả thì tôi và bố thay nhau trông nồi bánh. Tiếng nổ tí tách của những thanh củi cháy, tiếng nồi bánh chưng sôi sùng sục nghe thật vui tai. Tôi nhớ cái cảm giác chờ vớt bánh, nếu dùng ngôn từ để diễn tả độ thèm khát chính xác thì có thể ví nó như đợi đêm tân hôn của vợ chồng mới cưới vậy.

Tết xưa, dù nhà giàu hay nhà nghèo thì bánh chưng xanh và đĩa mứt tự tay làm vẫn là hai món không thể nào thiếu. Thèm bánh chưng, thịt kho nhưng tôi cũng không thể nào quên nổi vị mứt dừa mẹ tôi tự tay làm. Bếp nóng hừng hực, mẹ tôi ngồi đảo đều tay, mồ hôi từng giọt đọng trên trán. Mẹ tôi phải đảo liên tục bởi nếu nghỉ giữa chừng thì mứt không ngọt đều, màu không đẹp, ăn không ngon. Mùi mứt thơm lừng níu chân khiến tôi không còn thiết tha đi đánh cù cùng mấy đứa bạn. Khi mẹ tôi làm xong mẻ mứt đầu tiên, tôi liền sà vào nếm, mẹ tôi liền tét vào tay rồi bảo “hư, đã cúng cụ đâu mà ăn”. Vậy là, tôi lại tiu nghỉu, cố gắng lượm những thanh mứt vụn còn sót dưới đáy chảo. Phải nói rằng miếng mứt dừa ngày ấy sao lại thơm và dẻo đến lạ kỳ, tôi chỉ dám ngậm cho vị ngọt của đường, vị thanh thanh của dừa tan trên đầu lưỡi.

Một cái mùi nữa mà nó khiến cho tôi cũng như những đứa trẻ khác ngày ấy phải vồ vập, khóc cả ngày chỉ để mong bố mua pháo về nổ. Mùi pháo, cái mùi khét lẹt nhưng với tôi ngày ấy và kể cả bây giờ vẫn cứ thấy nó thơm nồng. Tôi nhớ những đêm giao thừa, lũ trẻ trong xóm náo nức gọi nhau, đứa bảo sang nhà xóm kia pháo nổ trước, đứa bảo sang xóm này nổ trước. Khi nghe tiếng pháo nổ ở đâu vọng lại, lũ trẻ chúng tôi lại ùa đến, vừa để thưởng thức âm thanh rộn ràng vừa để nhặt nhạnh trong đống xác pháo xem còn quả nào tịt chưa nổ thì mang về. Tiếng pháo nổ đùng đoàng inh tai là thế nhưng ngày đó nó mang cho chúng tôi sự phấn khởi, vui vẻ. Tiếng pháo ngày đó là âm vang của Tết, âm hưởng của xuân.

Còn một cái mùi của Tết mà không thể không nhắc đến, đó là mùi quần áo mới. Ngày ấy, chỉ có Tết tôi mới được may quần áo mới. Một năm học tôi chỉ có một chiếc áo trắng lành lặn, vì thế tôi tận dụng mặc xuyên ngày tháng, mặc nhiều đến nỗi màu trắng thành màu vàng úa. Nhưng những chiếc quần ngày đó mới chịu “khổ” nhất khi phải vá chằng và đụp. Vì thế, cứ đến Tết là không gì sung sướng hơn khi mẹ dẫn tôi ra tiệm may đầu làng, may cho một bộ mới toanh. Cái mùi quần áo mới nó hấp dẫn vô cùng. Đêm giao thừa khoác bộ quần áo mới, lẻn ra ngõ đứng chờ bạn bè đi qua để khoe, chốc chốc tôi lại ngoái cổ xuống cầu vai áo hít vài hơi để chắc chắn rằng mình đang mặc áo mới.

Tết nay vẫn ngày ấy, tháng ấy nhưng giữa những bộn bề công việc, chúng tôi - những doanh nhân của thời đại vẫn say mê chèo lái con thuyền kinh tế đến tầm cao mới. Dù cuộc sống có thay đổi, có hiện đại, sung túc hơn bao nhiêu đi chăng nữa thì chúng tôi vẫn không thể quên giá trị cội nguồn của ngày Tết trên quê hương.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận