Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong bối cảnh thiếu hụt đội máy bay, các hãng hàng không đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng được năng suất sử dụng máy bay, tăng tải cung ứng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
6 tháng đầu năm nay, tổng thị trường hành khách ước đạt 38,1 triệu khách, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2023, trong đó khách quốc tế đạt hơn 21 triệu khách, tăng hơn 44% so với cùng kỳ 2023 và tăng 3% so cùng kỳ 2019; khách nội địa đạt 17 triệu khách, giảm hơn 19% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thị trường hàng hóa ước đạt 599 nghìn tấn, tăng 22% so với cùng kỳ 2023, trong đó: quốc tế đạt 485 nghìn tấn, tăng 18,9% so với cùng kỳ 2023; nội địa đạt 114 nghìn tấn, tăng 39% so với cùng kỳ 2023.
Tính đến lịch bay mùa hè 2024, 63 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam đã khôi phục hoàn toàn mạng đường bay quốc tế như giai đoạn trước dịch Covid-19 và còn tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới ở Trung Á, Ấn Độ, Australia.
Các hãng hàng không Việt Nam chiếm 44% thị phần hành khách quốc tế với hệ số sử dụng ghế trung bình trên 77%.
Đáng chú ý, thị trường vận tải Trung Quốc đang dần hồi phục, dự kiến đạt 2,5 triệu khách trong 6 tháng đầu năm (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 62% so với cùng kỳ năm 2019) và quay trở lại vị trí thứ 2 trong số 10 thị trường quốc tế lớn nhất trong quý 2/2024, trong khi thị trường Hàn Quốc vẫn là thị trường quan trọng nhất, dự kiến đạt 5,3 triệu khách trong 6 tháng qua.
Đề cập đến khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân hiện nay, tại Hội nghị đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức ngày 3/7, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, do thiếu hụt đội máy bay nên các hãng hàng không Việt Nam phải điều chỉnh giảm cung ứng trên các đường bay nội địa. Đây cũng là nguyên nhân khiến thị trường nội địa giảm so cùng kỳ 2023 và 2019.
Mặc dù vậy, các hãng vẫn duy trì mạng đường bay nội địa với 50 đường bay kết nối Hà Nội, TP. HCM và 20 cảng hàng không. Vietnam Airlines là hãng chiếm thị phần lớn nhất với 42% và tiếp đó là Vietjet Air với 40%, hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 84%.
Tại Hội nghị, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cũng cho biết, giai đoạn tới đây, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo các hãng hàng không thực hiện các giải pháp để phấn đấu có nguồn cung không thấp hơn so 2023, như giảm thời gian quay đầu, tối ưu hóa thời gian khai thác máy bay trong ngày, tăng cường các chuyến bay sau 22h.
Đồng thời phối hợp với các hãng hàng không, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, nắm bắt các nhu cầu để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không mở mới, tăng cường các đường bay thẳng giữa Việt Nam và các quốc gia/vùng lãnh thổ, đặc biệt là việc khai thác trở lại các đường bay quốc tế đến các điểm du lịch như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt.
Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác, đội máy bay của các hãng hàng không, đặc biệt các hãng hàng không đang thực hiện tái cơ cấu như: Bamboo Airways, Pacific Airlines để đảm bảo hoạt động khai thác an toàn, an ninh cũng như đảm bảo quyền lợi của hành khách.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.