Khách Việt chuộng xe cỡ nhỏ Hàn Quốc

Tác giả: An Nhi

saosaosaosaosao
Thị trường 02/02/2024 10:19

Chỉ với 2 thương hiệu và số lượng sản phẩm bằng 1 nửa song thị phần ô tô cỡ nhỏ Hàn Quốc trong năm 2023 vẫn tương đương nhóm cạnh tranh đến từ Nhật Bản.

Thống kê từ báo cáo bán hàng của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hyundai Thành Công cho biết, đã có tổng cộng 119.707 chiếc ô tô cỡ nhỏ thuộc các phân khúc A và B bán ra thị trường trong năm 2023 vừa qua.

Trong đó, nhóm 2 thương hiệu Hàn Quốc là Hyundai và Kia đạt sản lượng bán hàng 59.846 chiếc xe cỡ nhỏ. Nhóm các thương hiệu Nhật Bản với sự góp mặt của 4 thương hiệu Toyota, Honda, Mitsubishi và Suzuki đạt tổng doanh số 59.861 chiếc.

Ở nhóm xe Hàn Quốc, Hyundai là thương hiệu dẫn đầu với 36.295 chiếc, chiếm đến 30,3% thị phần của toàn phân khúc A-B. Chỉ riêng mẫu sedan cỡ B Accent đã đóng góp mức doanh số 17.452 chiếc, tiếp theo là Creta với 10.719 chiếc, Grand i10 đạt 7.944 chiếc còn "tân binh" Venue mới ra mắt thị trường nên mới chỉ đóng góp 180 chiếc trong tháng cuối năm.

Hyundai Accent tiếp tục là mẫu xe cỡ nhỏ được ưa chuộng nhất tại thị trường ô tô Việt Nam.  Khách Việt chuộng xe ô tô cỡ nhỏ Hàn Quốc

Hyundai Accent tiếp tục là mẫu xe cỡ nhỏ được ưa chuộng nhất tại thị trường ô tô Việt Nam.

Kia nắm 19,7% thị phần với lượng xe cỡ A-B bán ra thị trường năm 2023 đạt 23.551 chiếc. Sonet, tân binh trong phân khúc xe cỡ A, đạt doanh số tốt nhất với 11.366 chiếc. Mẫu SUV đô thị Seltos bán chạy thứ 2 khi giao được 9.663 chiếc, Morning và Soluto đạt lần lượt 1.467 chiếc và 1.055 chiếc.

Ở nhóm các thương hiệu Nhật Bản, Toyota vẫn là thương hiệu dẫn đầu khi giao được 33.499 chiếc xe cỡ A-B đến tay khách hàng trong năm 2023, chiếm 28% thị phần. Toyota cũng là thương hiệu sở hữu danh mục sản phẩm phong phú nhất 6 mẫu xe thuộc các phân khúc cỡ A và B, bao gồm Vios, Yaris, Yaris Cross, Corolla Cross, Raize và Wigo.

Mẫu xe bán chạy nhất là Vios, cái tên đã quá quen thuộc với người tiêu dùng ô tô Việt Nam, với tổng doanh số luỹ kết đạt 13.521 chiếc. Mẫu gầm cao đô thị Corolla Cross đứng ở vị trí thứ 2 với sản lượng bán hàng 10.485 chiếc. Các mẫu xe còn lại gồm Raize (4.546 chiếc), Yaris Cross (3.065 chiếc), Wigo (1.748 chiếc) và Yaris (134 chiếc) đứng ở vị trí chót bảng.

Honda dù chỉ có 2 mẫu xe cỡ nhỏ song cũng nắm giữ đến 11,4% thị phần với tổng cộng 13.698 xe bán ra thị trường. Mẫu xe sở hữu doanh số tốt nhất là City đạt 9.894 chiếc và HR-V đạt 3.804 chiếc.

Mazda có 3 mẫu xe cỡ nhỏ và bán được 7.176 chiếc trong năm 2023, chiếm 6% thị phần. Trong đó, mẫu Mazda2 đạt 4.019 chiếc còn bộ đôi gầm cao đô thị CX-3 và CX-30 đạt lần lượt 1.534 chiếc và 1.623 chiếc.

Thương hiệu Nhật Bản sở hữu doanh số tốt thứ 3 trong nhóm là Mitsubishi với duy nhất mẫu xe Attrage đạt sản lượng bán hàng 5.050 chiếc, chiếm 4,2% thị phần.

Suzuki có 2 mẫu xe song tổng doanh số chỉ đạt vẻn vẹn 438 chiếc, giữ 0,4% thị phần chia cho cả Swift và Ciaz.

Khách Việt chuộng xe ô tô cỡ nhỏ Hàn Quốc

Sau khi Ford khai tử EcoSport, các phân khúc ô tô cỡ nhỏ tại Việt Nam xem như chỉ còn là sân chơi riêng của các thương hiệu Hàn Quốc và Nhật Bản. Xét trên con số tuyệt đối, trạng thái cân bằng dường như vẫn được duy trì giữa 2 nhóm thương hiệu này khi tổng lượng xe bán ra là tương đương nhau. Tuy nhiên, mối tương quan lực lượng đang có sự khác biệt đáng kể.

Nhóm xe Hàn Quốc chỉ có 2 thương hiệu Kia và Hyundai với 8 mẫu xe đang bán trên thị trường. Trong khi đó, nhóm xe Nhật Bản có 4 thương hiệu (gấp đôi số lượng) và danh mục sản phẩm cũng dày đặc hơn hẳn với 14 mẫu xe.

Có thể thấy đang có sự dịch chuyển khá rõ nét về thị hiếu của người tiêu dùng ô tô Việt Nam. Nếu như các thương hiệu ngoài châu Á, đặc biệt là Ford, ngày càng thể hiện sức mạnh ở các dòng SUV/crossover cỡ lớn thì xe sedan được nâng cấp dần lên các thương hiệu hạng sang. Đây cũng là xu hướng khó tránh khỏi khi đời sống kinh tế người dân ngày càng được nâng cao.

Dẫu sao, thị trường ô tô Việt Nam vẫn còn nhỏ bé nên lực lượng người tiêu dùng mua xe lần đầu hoặc có nhu cầu kép giữa sử dụng cá nhân và kết hợp kinh doanh vẫn rất lớn. Vì vậy, xe cỡ nhỏ theo đó vẫn còn dư địa tăng trưởng mênh mông và đây chính là "miếng bánh béo bở" của các thương hiệu Hàn Quốc.

Cách đây chừng 1 thập niên, Hyundai và Kia chính bộ đôi thương hiệu Hàn Quốc kích hoạt cuộc chạy đua về thiết kế và công nghệ. Đối với những người mua xe lần đầu, "ngon - bổ - rẻ" luôn là tiêu chí lựa chọn hàng đầu và đây chính là lợi thế của các thương hiệu Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, cả Hyundai và Kia đều đang được lắp ráp trong nước bởi các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trong nước. Nhờ vậy, giá thành được kéo xuống thấp hơn so với các thương hiệu Nhật Bản. Trẻ trung, bắt mắt, dễ dùng và giá cả hợp lý nghiễm nhiên trở thành lợi thế xe Hàn Quốc ở các phân khúc cỡ nhỏ và đây chính là câu trả lời cho thế cân bằng về thị phần của các thương hiệu đến từ xứ sở Kim Chi bất chấp tương quan lực lượng thấp hơn rất nhiều so với các hãng xe đến từ đất nước mặt trời mọc.