Khu vực cách ly ở bệnh viện dã chiến Củ Chi - Ảnh: TTO |
Mới đây, mạng xã hội lan truyền chóng mặt hình ảnh livestream của một cô gái tự xưng quê Bình Dương, đến từ Daegu (thành phố tâm dịch COVID-19 của Hàn Quốc) chia sẻ 'bí quyết' khai báo y tế không trung thực để được nhập cảnh.
Có thể bị phạt
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, cô gái tên là N.T.T., có địa chỉ tại phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An. Cô sống tại Daegu nhưng đã qua thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc là Busan để đáp máy bay đi TP.HCM.
Khi nhập cảnh vào sân bay Tân Sơn Nhất, cô khai điểm xuất phát hành trình của mình là Busan, không nhắc tới Daegu và đã được phép nhập cảnh. Sau đó, cô gái này đã livestream phổ biến "bí quyết" này trên Facebook khiến nhiều người bất bình.
Theo luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM), ngày 1-2-2020, Thủ tướng đã ký quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra nên các hành vi trốn tránh các biện pháp phòng tránh dịch bệnh đều bị xử lý.
Tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự.
Cụ thể, điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nếu người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 Bộ luật hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Nếu bị truy tố, tùy theo mức độ gây thiệt hại mà người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng.
Nâng cao ý thức bảo vệ mình và cộng đồng
Về việc này, theo một cán bộ Phòng quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP.HCM, trong lĩnh vực an ninh trật tự, việc khai báo gian dối thông tin để được nhập cảnh sẽ bị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Chẳng hạn, một người nhập cảnh bằng visa đến Việt Nam để du lịch nhưng thực tế không phải để du lịch mà khai với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh là đi du lịch thì sẽ bị xử phạt về hành vi khai báo gian dối thông tin để được nhập cảnh.
Tuy nhiên, trong trường hợp phòng ngừa dịch bệnh, cơ quan y tế có quyền yêu cầu một người khai báo thông tin điểm đến, điểm đi nhằm mục đích dịch tễ. Nếu người này khai báo gian dối thì có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật, còn cơ quan quản lý xuất nhập cảnh chỉ hỗ trợ cho cơ quan y tế lấy thông tin khi nhập cảnh.
Tuy nhiên, nếu người này đi từ vùng dịch mà cố tình không khai báo việc đã đi từ vùng dịch thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh không thể quản lý được.
Ví dụ, nếu trên hộ chiếu của 1 người thể hiện thông tin người này đến từ Vũ Hán thì có thể xem đây là một yếu tố để loại trừ, phát hiện được.
Nhưng thông tin trên hộ chiếu không ghi đến từ Vũ Hán mà người này lại không khai việc đã từng đi qua Vũ Hán mà chỉ nói đến từ Bắc Kinh thì không phát hiện bởi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh chỉ xác định trên thông tin đầu - cuối. Đó cũng là một lỗ hổng trong công tác phát hiện ban đầu.
Theo vị này, việc khai báo thông tin phòng ngừa dịch bệnh chủ yếu dựa trên sự tự nguyện và ý thức của mỗi cá nhân.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.