Khai giảng lớp nghiệp vụ quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc

Tác giả: HL

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 15/08/2023 13:02

Ngày 15/8, Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc cho các đơn vị đang quản lý, bảo trì đường cao tốc, nhà đầu tư BOT…


Khai giảng lớp nghiệp vụ quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục ĐBVN phát biểu khai mạc

Ngày 15/8, Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc cho 31 học viên là cán bộ, nhân viên của các đơn vị đang quản lý, bảo trì đường cao tốc, nhà đầu tư BOT… Lớp học do Trường Cao đẳng GTVT đường bộ và Công ty cổ phần tập đoàn Đèo Cả phối hợp thực hiện.

Phát biểu tại lễ khai giảng, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục ĐBVN cho biết, theo "Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" được của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021), chúng ta đã và đang triển khai thi công để đến năm 2025 nước ta sẽ có khoảng 3.000 km và đến năm 2030 sẽ có 5.000 km đường bộ cao tốc và đến năm 2050 đạt 9.014 km/41 tuyến cao tốc.

Khai giảng lớp nghiệp vụ quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc - Ảnh 2.

Lắp giá long môn đặt bảng thông báo điện tử trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Với những thành quả đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đạt được trong những năm gần đây, cũng đặt ra nhiệm vụ nặng nề đối với Cục ĐBVN trong thời gian tới sẽ thực hiện quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì một khối lượng lớn các tuyến cao tốc và hơn 25.000 km quốc lộ; trong đó, đối với đường cao tốc là "công trình giao thông cấp đặc biệt", có yêu cầu về công tác quản lý, khai thác khác biệt so với những công trình đường bộ thông thường; trong khi số lượng nhân vật lực, đơn vị bảo trì đáp ứng tốt yêu cầu quản lý vận hành đường cao tốc trên cả nước còn hạn chế. Để đáp ứng yêu cầu quản lý vận hành đường cao tốc thì trung bình cần khoảng 02 công nhân kỹ thuật/1km đường; do đó, đến năm 2025 cần khoảng 6.000 công nhân quản lý vận hành đường cao tốc, đến năm 2030 cần 10.000 công nhân. Việc khai giảng Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Khóa 1 về quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc ngày hôm nay là một dấu mốc quan trọng, là tiền đề cho việc chủ động đào tạo phát triển nguồn nhân lực bảo trì chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý bảo trì đường cao tốc, ông Cường nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết, trong thời gian qua chúng tôi đã đầu tư, xây dựng hơn 22km hầm đường bộ trong tổng số 27km đường hầm xuyên núi trên cả nước, hơn 300km đường cao tốc, quốc lộ, 6 cầu lớn trên cả nước. Với vai trò là nhà đầu tư, chúng tôi đảm nhiệm nhiệm vụ quản lý vận hành các công trình nói trên suốt vòng đời dự án, kéo dài hàng chục năm. 

Công việc quản lý vận hành, khai thác không chỉ là hoạt động chăm sóc cho công trình, mà còn là hoạt động nhằm phục vụ tốt nhất cho phương tiện lưu thông thông suốt, đem đến sự an toàn cho người tham gia giao thông.

Ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực được Tập đoàn quan tâm chú trọng phát triển hàng đầu. Đây là hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ chương trình Hợp tác giữa Trường Cao đẳng GTVT đường bộ và Tập đoàn Đèo Cả về đào tạo nhân lực cho công tác quản lý, bảo trì và khai thác đường bộ cao tốc. 


Khai giảng lớp nghiệp vụ quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc - Ảnh 3.

Các học viên được báo cáo viên trao đổi về nghiệp vụ

Theo Ban tổ chức, lớp học sẽ kéo dài 30 ngày, ngoài các giờ học lý thuyết, các học viên sẽ được trải nghiệm thực tế về công tác quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo trì tại một số tuyến cao tốc như Nội Bài – Lào Cai, Bắc Giang – Lạng Sơn… nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý, bảo trì đường bộ trong tương lai.

Ý kiến của bạn

Bình luận