Triển lãm “Lịch sử văn hóa Việt Nam” là một trong chuỗi các sự kiện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhân dịp 70 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Phát biểu tại buổi khai mạc, Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia cho biết, trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “ Văn hoá soi đường cho quốc dân đi” và vào ngày 9/2/1946, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, số 1 Tràng Tiền, Người đã dự và khai mạc triển lãm tài liệu lịch sử văn hoá Việt Nam.Và hôm nay, Bảo tàng tổ chức cuộc triển lãm này với mong muốn mang đến cho quý vị và công chúng những thông tin, những vấn đề và những sự kiện cơ bản trong lịch sử hình thành văn hoá gắn với lịch sử hình thành Quốc gia, dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Nội dung triển lãm trưng bày được chia làm 6 phần: Việt Nam thời tiền sử; Việt Nam thời dựng nước đầu tiên; Việt Nam thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc; Việt Nam thời kỳ quân chủ độc lập và đấu tranh giữ nước; Việt Nam - Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội và Việt Nam - Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Với gần 300 hình ảnh, tư liệu, bản trích, số liệu... triển lãm đã giới thiệu khái quát, cô đọng tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam từ thời Tiền sử qua thời dựng nước đầu tiên, thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thời kỳ quân chủ độc lập và đấu tranh giữ nước đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) cũng như công tác bảo tồn, phát huy, tôn vinh và quảng bá giá trị di sản văn hóa phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; từ đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; ý chí độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, chị Nguyễn Thị Hữu, Bí thư Đoàn thanh niên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết “Một trong những mục đích chính của triển lãm là giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, giới thiệu giá trị di sản văn hoá dân tộc đến với đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Sắp tới đây, Đoàn thanh niên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng đã có kế hoạch để phối hợp với một số trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội để đưa cuộc triển lãm này về các trường để phục vụ cho các bạn học sinh, sau khi phục vụ tại bảo tàng. Mục đích của hoạt động này hướng đến các bạn học sinh không có điều kiện đến bảo tàng tham quan thì sẽ được tiếp cận những hình ảnh, hiện vật và tài liệu về lịch sử văn hoá dân tộc mình qua triển lãm”.
Bác Nguyễn Xuân Đại, 75 tuổi, ở Hoàn Kiếm, chia sẻ “ Cuộc triển lãm này gợi lại cho tôi rất nhiều kí ức về một thời đạn bom, khó khăn và gian khổ mà mình đã trải qua. Có thể nói đó quả là một quãng thời gian đau thương của nhân dân ta, của dân tộc ta. Nhưng qua đây, tôi cũng thấy được quá trình phát triển của đất nước ta, đất nước ta ngày càng phát triển vững mạnh với khoa học kỹ thuật hiện đại, tiên tiến”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.