Cát dưới nước và trên bờ ở Vân Đồn |
Cát dưới nước xem ra không phải là nỗi bức xúc của người dân, nhưng cát cạn là một câu chuyện khiến người dân Vân Đồn quan ngại. Quả thực khi phóng viên đến thực địa, từ bến cảng cát ở Minh Châu tiến sâu hơn vào địa bàn xã Quan Lạn, chúng tôi mới thấy rõ việc khai thác cát trắng ở đây diễn ra quy mô như thế nào. Ngồi trên chiếc xe máy cải tiến mà người dân ở đây gọi là xe “túc túc”, chạy dọc con đường độc đạo tiến vào UBND xã Quan Lạn, chúng tôi thấy những hố cát rộng và dài đến cả trăm mét cứ nối nhau san sát tạo thành nên vệt dài như dòng sông.
Dừng chân tại một điểm khai thác cát thuộc địa phận xã Minh Châu, chúng tôi nhào mình xuống một “lòng chảo” cát trắng đang “bị rỗ” bởi những hố nước lớn. Vượt cắt ngang qua một điểm khai thác cát, chúng tôi tới được bờ biển – nơi sự cách ngăn giữa biển và khu khai thác chỉ là một đê cát nhỏ rộng chưa đến 10 m. Mực nước biển khi thủy triều chưa lên thấp hơn bờ chỉ độ gần 2 m. Một người dân đi cùng với chúng tôi cho biết: “Do trời khai thác cát sâu nên khi trời mưa hoặc giông bão là những điểm khai thác cát lại trở nên bì bõm bởi nước. Đa số người dân chúng tôi ở đây rất lo lắng sợ triều cường dâng mạnh có thể tràn vào trong đảo”?
Một lần nữa đại diện UBND xã Quan Lạn cho biết: “Các điểm khai thác cát trên đảo là của công ty CP Viglacera Vân Hải. Đây là doanh nghiệp khai thác cát đầu tiên trên địa bàn các xã đảo chúng tôi. Mỗi năm công ty Vân Hải khai thác hàng trăm tấn cát trắng đưa đi tiêu thụ. Nhìn chung doanh nghiệp này hàng năm đều có báo cáo hoạt động sản xuất liên quan với các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trong quá trình họ khai thác về trực quan có những hiện trạng như hố sâu chưa hoàn nguyên. Thế nên, người dân quan ngại có ảnh hưởng tiêu cực thì gửi đơn thư kiến nghị lên chính quyền địa phương đề nghị can thiệp. Tuy nhiên vấn đề này nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền cấp xã... Đây là dự án do cấp tỉnh, trung ương phê duyệt từ lâu nên chính quyền địa phương không có quyền điều chỉnh hay ra văn bản đề nghị công ty khai thác như thế nào. Chính quyền địa phương chỉ góp ý thông qua tiếng nói của cử tri đến với các cấp trên. Vả lại, hiện tại nguồn cát trắng trên cạn cũng không còn nhiều nên công ty Vân Hải cũng đang chuyển đổi kinh doanh sang hướng đầu tư du lịch”.
Chúng tôi trở lại đất liền để tìm gặp lãnh đạo Công ty Cổ phần Viglacera Vân Hải. Tuy nhiên, khi đến trụ sở của công ty này tại TP Hạ Long, hỏi mấy nhân viên trong công ty đều cho biết tất cả lãnh đạo công ty này đều đi vắng. Văn phòng của công ty cho biết Tổng giám đốc công ty Cổ phần Viglacer Vân Hải là ông Hoàng Đức Hưng đang đi công tác tại đảo Quan Lạn. Khi chúng tôi đề nghị văn phòng liên lạc với lãnh đạo công ty để đặt lịch làm việc thì nhân viên văn phòng gọi vài ba cuộc rồi thông báo với chúng tôi rằng “ngoài đảo không có sóng, không thể liên lạc được”. Nghe vậy, chúng tôi chủ động xin số di động của lãnh đạo công ty thì anh này chỉ cho số máy bàn và khi gọi thì không thể liên lạc được. Ngay sau đó phóng viên lại ngược đường, vượt biển ra lại đảo Quan Lạn để mong gặp gỡ và trao đổi thông tin với lãnh đạo công ty cổ phần Viglacera Vân Hải nhằm có thông tin đa chiều. Tuy nhiên, khi chúng tôi ra đảo thì lại nhận được câu trả lời của ông Nguyễn Văn Thường (Giám đốc sản xuất) rằng: “anh Hưng - (Tổng giảm đốc) thường túc trực ở trong văn phòng (TP Hạ Long) là chính. Thi thoảng mới ra đảo để kiểm tra, đôn đốc nhà máy thôi”.
Cát cạn là một câu chuyện khiến người dân Vân Đồn quan ngại |
Không gặp được Tổng Giám đốc, chúng tôi cố gắng thuyết phục vị giám đốc sản xuất dành ít phút trao đổi về vấn đề liên quan đến hoạt động khai thác cát ở hai xã Quan Lạn và Minh Châu của doanh nghiệp này. Nấn ná một lúc, ông Thường ra ngoài hành lang lấy điện thoại gọi cho ai đó khoảng chừng 10 phút rồi mới vào phòng đồng ý trao đổi với phóng viên.
Khi nói về vấn đề cải tạo môi trường tại các điểm khai thác cát, ông Trường cho biết: “Công ty có 4 điểm khai thác cát. Trong đó, có 3 điểm (khu Giộc, khu Cồn Trụi, khu Vạn Bóng) công ty gần như không khai thác mà bỏ đó từ khi có giấy phép và hiện đã bàn giao lại cho tỉnh. Hiện tại, công ty chỉ khai thác chủ yếu ở khu Minh Châu”.
Khi phóng viên hỏi: “Vậy những khu khai thác đã bàn giao lại cho chính quyền địa phương đã có biện phải cải tạo môi trường chưa?” thì ông Trường trả lời rằng: “Hầu hết các điểm khai thác đó công ty không khai thác hoặc có thì cũng rất ít vì trữ lượng cát trắng ba điểm đó không lớn. Theo luật khai thác tài nguyên, khoáng sản thì chỉ sau khi khai thác hết mới phải cải tạo môi trường nên ba điểm này sau thời gian dài các điểm đó vẫn bình thường nên không cần cải tạo môi trường”.
Phóng viên tiếp tục hỏi: “Người dân địa phương có kiến nghị công ty khai thác nhiều điểm không thuộc 4 điểm nêu trên?” thì ông Thường cho biết: “Ngày trước UBND tỉnh có văn bản cho phép khai thác nguồn tài nguyên cát từ Vĩnh Thực (đảo Trần) đến khu vực này. Cứ đâu có nguồn cát trắng là giao cho công ty Vân Hải khai thác và nộp thuế cho Nhà nước. Đó là việc của ngày trước còn bây giờ công ty chỉ tập chung vào 4 điểm mà thôi”.
“Có ý kiến người dân cho rằng công ty Viglacera Vân Hải khai thác quá sâu làm bờ bao biển đứng trước nguy cơ bị nước biển xâm thực. Ông lý giải vấn đề này thế nào?” – phóng viên hỏi.
Ông Thường trả lời dứt khoát: “Công ty khai thác rất cẩn trọng, để bờ bao biển rất dày đến cả trăm mét, như thế không thể có chuyện biển xâm thực được. Những kiến nghị đó do người dân nhìn nhận cảm tính. Công ty không những khai thác cẩn trọng mà còn tích cực hoàn nguyên, cải tạo môi trường một số điểm đã khai thác xong. Mặc dù trong quy định là sau năm 2021 mới phải cải tạo môi trường”.
Phóng viên lại tiếp tục hỏi: “Vậy công tác cải tạo môi trường của công ty tiến hành như thế nào? Nguồn vật liệu gì để lấp đi những cái hố khai thác rộng lớn như vậy?”
Ông Thường nghĩ ngợi một lát rồi trả lời rằng: “Để hoàn nguyên, cải tạo môi trường, công ty sẽ sử dụng đất cát bề mặt mà lúc khai thác phải bóc đi để lấy phần cát trắng. Sau đó sẽ trồng cây phủ xanh. Hiện tại, công ty đã cải tạo khu vực ao Ren và Sơn Hào và bắt đầu trồng cây xanh trong nay mai”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.