Nhiều khu vực ở tỉnh Quảng Nam vẫn còn ngập nước. Ảnh: Minh Hoàng. |
Công điện nêu rõ do ảnh ưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa rất to từ ngày 10 đến ngày 11/12. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình mưa, lũ sẽ còn diễn biến phức tạp trong nhiều ngày tới.
Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra trên các tuyến giao thông và công tác đảm bảo giao thông, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ II, III chủ trì, phối hợp với các sở GTVT, các lực lượng chức năng của địa phương có phương án tổ chức, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, đứt đường, sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện đi vào những vị trí này nhằm đảm bảo tuyệt đối ATGT cho người, phương tiện trên các tuyến quốc lộ.
Đồng thời, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải tập trung vật tư và nhân lực khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ, kiểm tra mức độ hư hỏng tại các bến phà, cầu yếu để kịp thời sửa chữa, đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất; chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ sau mưa, lũ, phải giữ được mặt đường êm thuận, khô ráo...
Còn Cục Đường thủy nội địa cần đôn đốc các đơn vị quản lý kịp thời sửa chữa, bổ sung phao tiêu, biển báo bị hư hỏng do mưa, lũ gây ra; kiểm kê, rà soát phương tiện phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đảm bảo sẵn sàng ứng cứu; chỉ đạo các đơn vị tổ chức điều tiết hướng dẫn và đảm bảo giao thông các cầu trong và sau mưa, lũ ở những vị trí trọng yếu trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam và TCT Đường sắt Việt Nam tổ chức kiểm tra các công trình, vị trí xung yếu có nguy cơ mất an toàn và gia cố đảm bảo an toàn chạy tàu. Các bộ phận liên quan đến lĩnh vực đường sắt phải thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu dễ bị ngập nước, khu vực hay xảy ra lũ quét, đèo dốc, các khu vực đường sắt phía hạ lưu đê, đập thủy lơi, hồ chứa nước, sẵn sáng khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng đường sắt để tàu được lưu thông an toàn; các đơn vị vận tải hành khách chủ động phối hợp với các sở GTVT tổ chức tăng bo, chuyển tải hành khách khi tắc tuyến đường sắt, chuẩn bị sẵn sàng nhu yếu phẩm phục vụ hành khách trong các trường hợp dừng tàu nhiều giờ do mưa lũ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.