Khánh Hòa: Phá dỡ cầu Xóm Bóng cũ để xây cầu mới như thế nào?

Tác giả: Nguyên Khang

saosaosaosaosao
Đường bộ 08/09/2022 11:24

Nhà thầu thi công giải thích về việc bê tông rơi xuống sông trong quá trình tháo dỡ cầu Xóm Bóng cũ.

Thời gian gần đây, một số người dân sống ở khu vực cầu Xóm Bóng (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) phản ánh, việc phá dỡ cầu cũ để thi công cầu mới có nhiều bất cập. Một số thời điểm, đơn vị thi công đổ một khối lượng bê tông sau khi phá dỡ cầu cũ xuống thẳng sông Cái, không có phương tiện thu gom vật liệu tháo dỡ.

Giải thích về việc tháo dỡ cầu cũ, ông Lê Quang Thảo - Giám đốc điều hành Ban Quản lý dự án cầu Xóm Bóng cho biết, trước khi phá dỡ cầu cũ, nhà thầu đã thuê thợ lặn để thăm dò địa chất lòng sông, phát hiện nhiều tàn tích từ việc sửa chữa cầu cũ và ghi nhận hiện trạng.

Khánh Hòa: Phương án phá dỡ cầu Xóm Bóng cũ được thực hiện như thế nào ? - Ảnh 1.

Thi công tại công trình xây dựng cầu Xóm Bóng

Trong phương án tháo dỡ sẽ có sà lan chở vật liệu phá bỏ, vật liệu này được đắp làm đường công vụ phục vụ thi công dự án. Tuy vậy, có những vị trí gần bờ sông hoặc nước cạn nên sà lan không thể tiếp cận. 

Trong quá trình nhà thầu tháo dỡ cầu cũ không thể tránh khỏi việc rơi một số mảng miếng bê tông xuống sông. Sau khi hoàn thành quá trình thi công, nhà thầu sẽ thanh thải, làm sạch toàn bộ lòng sông, trả lại nguyên trạng rồi mới đưa công trình vào khai thác.

Nói rõ hơn về các vị trí sà lan không thể tiếp cận, ông Young - Hoon Kim, Giám đốc dự án cho biết, việc phá dỡ cầu Xóm Bóng cũ được chia làm 2 phần. Phần 1 được thực hiện từ ngày 6/4 đến 15/5 đối với phần phá dỡ từ trụ thứ 5 về mố phía Bắc cầu Xóm Bóng cũ. Bê tông nhựa được cào bóc cuốn chiếu từ trụ thứ 5 về mố phía Bắc và được gom lại tại đường đầu cầu trước khi tiến hành đục bê tông bản mặt cầu. 

Theo giải pháp thi công được phê duyệt, trong quá trình đục bê tông bản mặt cầu thì bố trí sà lan phía dưới để ngăn các vụn bê tông rơi xuống lòng sông.

Tuy nhiên, tại khu vực phía bờ Bắc (từ trụ 5 tới mố bờ Bắc cầu cũ), mực nước sông quá cạn khiến cho sà lan của nhà thầu không thể tiếp cận phía dưới khu vực đục bê tông. Vì vậy, nhà thầu đã báo cáo tình trạng thực tế với tư vấn giám sát để thay đổi phương án sang đục các mảng bê tông lớn rồi dùng xe vận chuyển về đường đầu cầu để nghiền nhỏ. Một phần bê tông rơi xuống lòng sông sẽ được máy đào nạo vét gom về bờ Bắc sau khi kết thúc quá trình đục bê tông cầu cũ của giai đoạn này.

Khánh Hòa: Phương án phá dỡ cầu Xóm Bóng cũ được thực hiện như thế nào ? - Ảnh 2.

Sau khi hoàn thành quá trình thi công, nhà thầu sẽ thanh thải, làm sạch toàn bộ lòng sông, trả lại nguyên trạng rồi mới đưa công trình vào khai thác.

Phần 2 từ trụ thứ 5 về mố phía Nam cầu Xóm Bóng cũ được thực hiện từ ngày 16/5 đến 30/7. Bê tông nhựa được cào bóc cuốn chiếu từ trụ thứ 5 về mố phía Nam và được gom tại đường đầu cầu trước khi tiến hành đục bê tông bản mặt cầu. Phần bê tông cầu cũ, nhà thầu bố trí sà lan phía dưới để chắn bê tông ngăn không rơi xuống sông. Bê tông trên sà lan được vận chuyển tập kết tạm tại mố bờ Bắc. Một phần bê tông mảng lớn được vận chuyển về đường đầu cầu và nghiền nhỏ, phần xà bần này được gom tạm tại bờ Nam.

Hiện việc phá dỡ cầu Xóm Bóng cũ đã cơ bản hoàn thành. Ghi nhận của PV Tạp chí Giao thông vận tải tại công trường, hiện nhà thầu đã đắp lấn từ bờ ra phía lòng sông khoảng 50m để có mặt bằng thi công. Phần xà bần từ việc phá dỡ cầu được tập kết tạm tại công trường, được sử dụng đắp đường công vụ tạm thời, mặt bằng tạm thi công và mố nhô bờ Bắc.

Cầu Xóm Bóng thuộc dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn 1), sử dụng vốn vay EDCF có chiều dài gần 330m, rộng 19m với 4 làn xe, cách cầu cũ 6m về phía hạ lưu sông Cái. Dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, giao cho Ban QLDA 2 thực hiện.

Đơn vị trúng thầu công trình là liên danh Samwhan Corporation và Công ty CP Tập đoàn CIENCO4. Thời gian thi công dự kiến là 18 tháng.


Ý kiến của bạn

Bình luận