Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ Ngoại giao Úc tại buổi lễ khánh thành |
Ngày 27/5 tại xã Tịnh Thới, Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Lễ khánh thành Dự án xây dựng cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mêkông.
Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc, vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng chi phí xây dựng khoảng 7.500 tỷ đồng. Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (tiền thân là Ban quản lý dự án Mỹ Thuận) là đại diện chủ đầu tư của Dự án.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã gửi lời cảm ơn đến Chính phủ Úc, Chính Phủ Việt Nam và các cơ quan liên quan đã giúp đỡ dự án |
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã gửi lời cảm ơn đến Chính phủ Úc, Chính phủ Việt Nam và các cơ quan liên quan đã giúp đỡ dự án. Bộ trưởng cũng chia sẻ niềm vui cùng người dân khi cầu Cao Lãnh là mơ ước ngàn năm của địa phương. Trước đây, Đồng Tháp nằm khuất nẻo không có các trục giao thông đi qua. Hôm nay khi có công trình mới cầu Cao Lãnh đưa vào khai thác nối liền hai bờ đã thực hiện được mơ ước đó. Cầu Cao Lãnh cùng với dự án kết nối và tuyến N2 hiện hữu, tuyến Lộ Tẻ - Rạch sỏi đang thi công, hình thành nên trục giao thông quan trọng kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây Nam Bộ, từng bước hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo dộng lực phát triền kinh tế - xã hội và tăng cường bảo đảm an ninh quốc phòng khu cả khu vực.
“Bộ GTVT khen ngợi và biểu dương Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, đơn vị được Bộ GTVT giao điều hành dự án này. Trong 4 năm qua, công ty đã cùng với các đơn vị tư vấn, ngân hàng… không ngừng phấn đấu trong quá trình triển khai và đảm bảo chất lượng, tiến độ của công trình”, Bộ trưởng nói.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Dũng cũng nhấn mạnh việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng để vùng Đồng bằng Sông Cửu Long phải được đầu tư đồng bộ và hiện đại. Đây là nhiệm vụ hết sức cấp thiết được chính phủ đặt ra. Trong đó cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến kết nối là những công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung. Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Bộ GTVT, các đơn vị liên quan và địa phương đã hoàn thành dự án mở ra tuyến đường mới, kết nối các nước trong khu vực.
Phó Thủ tướng Trịnh Dũng phát biểu tại buổi lễ |
Phó Thủ tướng cũng thay mặt Chính phủ, nhân dân Việt Nam gửi lời cảm ơn đến Chính phủ Úc, ngân hàng phát triển Châu Á ADB đã tài trợ cho dự án. Trong những năm qua nguồn vốn ODA luôn được sử dụng có hiệu quả và đóng góp tích cực cho Việt Nam. Chính phủ Việt Nam luôn trân trọng và quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này. Cùng với cầu Mỹ Thuận, cầu Cao Lãnh là những hình mẫu cho việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Đây cũng là minh chứng sống động cho sự hợp tác giữa hai Chính phủ Úc và Việt Nam.
"Để công trình phát huy tầm quan trọng và hiệu quả tôi đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo, tổ chức, quản lý khai thác và bảo trì cầu Cao Lãnh, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Thực hiện tốt các quy hoạch liên quan, đảm bảo kết nối với các công trình khác. Tôi cũng đề nghị các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan tiếp tục thực hiện tốt việc chăm lo đời sống, giải quyết việc làm cho những người dân sống xung quanh và bị ảnh hưởng bởi dự án. Đặc biệt là những người lao động đã và đang làm việc khi phà Cao Lãnh chấm dứt hoạt động."
Đại diện Chính phủ Việt Nam, Úc cắt băng khánh thành cầu Cao Lãnh |
Và chính thức thông xe cầu Cao Lãnh |
Ông Trần Văn Thi - Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long chia sẻ: Tổng công ty xin cảm ơn hơn 2.000 Công nhân và Kỹ sư tham gia dự án, những người đã bằng công sức của mình trực tiếp đóng góp vào sự thành công của công trình quy mô lớn, kỹ thuật cao của dự án. Đồng thời gửi lời cảm ơn đến Chính phủ, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan đã giúp đỡ tận tình giải quyết các thủ tục, để dự án được hoàn thiện. Đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực của Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và của người dân địa phương trong công tác GPMB và tái định cư, đảm bảo an ninh trật tự để dự án được triển khai thuận lợi.
Cầu Cao Lãnh đưa vào khai thác nối liền hai bờ đã thực hiện được mơ ước bao đời nay của người dân trong khu vực đồng bằng Mê Kông nói chung và người dân Đồng Tháp nói riêng, thoát khỏi cảnh “qua sông phải lụy đò”. Như vậy, thời gian lưu thông giữa từ TPHCM đến các địa phương trên tuyến và ngược lại sẽ rút ngắn đáng kể, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao và giảm ùn tắc trên Quốc lộ 1 đồng thời kết nối giao thông thông suốt tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực. Mặt khác, sau cầu Mỹ Thuận, việc đưa vào khai thác cầu Cao Lãnh bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam còn có ý nghĩa hết sức to lớn về mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Chính phủ và Nhân dân hai nước.
Niềm vui mừng của người dân Đồng Tháp khi dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng |
Không giấu nỗi những niềm vui trong ngày khánh thành, ông Nguyễn Văn Cai, người dân sinh sống tại xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: "Người dân chúng tôi rất vui mừng khi thấy dự án đã hoàn thiện. Cầu Cao Lãnh giờ đây là niềm tự hào của người dân chúng tôi. Trước đây qua sông lụy đò những ngày lễ tết có khi vài ba tiếng, nhưng bây giờ chỉ chưa đầy 5 phút là chúng tôi có thể đi sang bên kia bờ. Sau này, khi cầu Vàm Cống hoàn thiện thì người dân chúng tôi còn vui mừng hơn nữa. Việc giao thương, đi lại của người dân sẽ được nhanh hơn. Trong ngày vui hôm nay, chúng tôi cũng muốn nhắn nhủ đến thế hệ trẻ sẽ cố gắng học tập, phát triển và xây dựng tỉnh nhà ngày một đi lên."
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.