Video: Các đại biểu cắt băng khánh thành cầu Mỹ Thuận 2
Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu có tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng đã chính thức được thông xe, đưa vào khai thác từ sáng nay (24/12).
Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu là một trong 11 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 do Ban QLDA 7 làm chủ đầu tư. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, tổng mức đầu tư của dự án là 5.003 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên trục đường cao tốc từ TP. HCM đi TP. Cần Thơ, kết nối hai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang là trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong các trục quốc lộ chính trong khu vực.
Dự án có điểm đầu Km101+126 tại nút giao An Thái Trung thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, khớp nối với dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; điểm cuối Km107+740 (lý trình dự án) tại nút giao QL80 thuộc TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, khớp nối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 6,61 km gồm phần cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu.
Trong đó, cầu Mỹ Thuận 2 có nhịp chính với kết cấu dây văng khẩu độ 350 m, tĩnh không thông thuyền 37,5 m, bề rộng mặt cầu 28 m (gồm 6 làn xe) lần đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế cho đến thi công. Phần tuyến chính thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-2012 với vận tốc thiết kế 100 km/h, riêng cầu Mỹ Thuận 2 là cầu đặc biệt lớn, thiết kế với vận tốc 80 km/h để giảm kinh phí đầu tư.
Ông Bùi Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty xây dựng và lắp máy Trung Nam (đơn vị đứng đầu liên danh thi công gói thầu cầu chính dây văng), chia sẻ: "Chúng tôi rất vinh dự và tự hào khi được tham gia góp phần xây dựng dự án, đưa dự án về đích vượt tiến độ so với kế hoạch, đặc biệt cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành chính là sự khẳng định vững chắc về mặt làm chủ công nghệ thi công các cầu dây văng của các nhà thầu trong nước và tiến tới làm chủ công nghệ các công trình phức tạp khác".
Dự án được khởi công ngày 16/3/2020, triển khai thi công trong thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, tác động kép do biến động chính trị trên thế giới khiến giá nhiên vật liệu tăng cao đã làm ảnh hưởng lớn đến công tác thi công, triển khai dự án. Mặt khác, khó khăn khách quan về mặt kỹ thuật của công trình, đây là cầu dây văng có dầm chính là kết cấu bê tông cốt thép khẩu độ lớn nhất Việt Nam tại thời điểm hiện tại với cọc khoan nhồi đường kính 2,5 m sâu hơn 120 m, với các trụ tháp cao 125 m, mặt cầu rộng 28 m, mỗi đốt dầm đúc hẫng 10,4 m nặng gần 500 tấn, bên cạnh đó khó khăn về địa hình sông sâu nước chảy xiết, đã đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà thầu thi công.
Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ, Bộ GTVT đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã 5 lần thăm và động viên cán bộ công nhân trên công trường. Đó chính là nguồn động viên to lớn để chúng tôi càng quyết tâm hơn trong quá trình thực hiện dự án.
Bên cạnh đó sự hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, giải quyết các vướng mắc về mặt kỹ thuật, tài chính từ Ban QLDA 7, các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn kỹ thuật đã giúp nhà thầu vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ đưa dự án về đích vượt tiến độ, đảm bảo tuyệt đối chất lượng công trình.
"Hôm nay, dưới sự chứng kiến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sau hơn 40 tháng thi công với hàng ngàn cán bộ công nhân, hang trăm đầu máy thiết bị lao động ngày đêm trên công trường. Dự án chính thức khánh thành nối hai bờ Tiền Giang và Vĩnh Long trong niềm vui vỡ òa của cán bộ, công nhân tham gia dự án, của bà con nhân dân vùng dự án", ông Hùng cho biết.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh: "Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất có nhiều lợi thế phát triển nhưng bao đời nay vẫn là vùng đất chậm phát triển hơn so với các vùng khác. Việc đưa cầu Mỹ Thuận 2 đi vào khai thác có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm giảm ùn tắc giao thông trên tuyến QL1 đoạn qua miền Tây, giúp vận tải, vận chuyển hàng hoá kết nối tốt hơn với các địa phương khác và cả nước, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân… Đây là cơ sở để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển hơn trong thời gian tới".
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và dự án cầu Mỹ Thuận 2 là hai dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ TP. HCM đến thành phố Cần Thơ dài 120 km. Hai dự án hoàn thành đưa vào khai thác có ý nghĩa quan trọng, làm giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. HCM đi Cần Thơ chỉ còn hơn 2 giờ thay vì 3,5 giờ như hiện nay, dần hình thành một tuyến hành lang giao thông trục dọc Đồng bằng sông Cửu Long hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng Tây Nam bộ nói chung và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, tỉnh Đồng Tháp và TP. Cần Thơ nói riêng.
Để đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả đầu tư và năng lực khai thác của các dự án, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, các cơ quan chuyên môn chủ động rà soát, đánh giá ngay trong quá trình thực hiện dự án và quyết định tốc độ khai thác tối đa tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ và Mỹ Thuận - Cần Thơ là 90 km/h; Đồng thời, để đảm bảo khai thác đồng bộ toàn tuyến từ TP. HCM - Cần Thơ, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã chấp thuận (Quyết định số 3261/QĐ-UBND ngày 22/12/2023) nâng tốc độ tối đa tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận lên 90 km/h.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.