Khát vọng hỏa xa - Bài 8: Hiện đại hóa các tuyến đường sắt liên vận quốc tế

Vận tải 02/02/2025 07:01

Cùng với Dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc - Nam, hệ thống đường sắt quốc gia đang bước vào giai đoạn đầu tư xây dựng một số tuyến mới, tạo kết nối với các phương thức vận tải khác và với đường sắt quốc tế.

Khát vọng hỏa xa - Bài 8: Hiện đại hóa các tuyến đường sắt liên vận quốc tế- Ảnh 1.

Một chuyến tàu vận tải hàng hóa xuất phát từ Ga Cao Xá (tỉnh Hải Dương) trên tuyến Hải Phòng - Hà Nội để vận chuyển sang Trung Quốc

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, năm vừa qua, đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đây là bước chuẩn bị đầu tư nâng cấp dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tạo kết nối với cảng biển Hải Phòng và đường sắt quốc tế qua Trung Quốc.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt trên có chiều dài khoảng 380 km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi, công nghệ điện khí hóa để kết nối từ Lào Cai đến Ga Nam Hải Phòng (kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện). Theo Kết luận số 72 ngày 23/2/2024 của Bộ Chính trị, cùng với Dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng thuộc danh mục ưu tiên nguồn lực để triển khai, góp phần đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt.

Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, từ năm 2016, Cục Đường sắt Việt Nam đã trao đổi với Cục Đường sắt Quốc gia Trung Quốc về phương án nối ray giữa Ga Lào Cai (Việt Nam) và Ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc). Sau 8 năm kiên trì trao đổi, đàm phán, ngày 13/10/2024, Bộ GTVT và Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ về phương án kỹ thuật kết nối đường sắt giữa Ga Lào Cai và Ga Hà Khẩu Bắc. Đây là cơ sở quan trọng để hai nước triển khai đầu tư xây dựng dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy triển khai các dự án đường sắt kết nối Việt - Trung, hai nước đã thành lập Nhóm công tác Việt - Trung về hợp tác đường sắt, trong đó xác định dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là dự án được Trung Quốc ưu tiên hàng đầu.

"Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là một trong các dự án đường sắt động lực, trọng điểm của đất nước. Năm 2025, Cục Đường sắt Việt Nam sẽ tập trung phối hợp với Ban QLDA Đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan hoàn thành đề án chủ trương đầu tư dự án này để trình Bộ Chính trị, Quốc hội phê duyệt", ông Cảnh cho biết.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông và một số chuyên gia GTVT, việc ưu tiên, tập trung đầu tư cho tuyến ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam và tuyến Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng là nhiệm vụ rất "trúng và đúng". Sau khi hoàn thành các tuyến huyết mạch này sẽ tạo ra bức tranh mới cho đường sắt quốc gia. "Đường sắt không chỉ thay đổi, phát triển chậm hơn so với lĩnh vực giao thông khác mà còn tụt hậu so với chính mình. Như Hải Phòng - Lào Cai là tuyến tập trung hàng hóa mà đến giờ vẫn chủ yếu vận chuyển bằng ô tô đầu kéo quả thật là không tương xứng. Do đó, việc ưu tiên đầu tư cho tuyến ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam và tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ đạt được nhiều lợi ích, chuyển tải từ vận tải đường bộ sang đường sắt và nhất là hài hòa giữa các phương thức vận tải", ông Đông phân tích.

Khát vọng hỏa xa - Bài 8: Hiện đại hóa các tuyến đường sắt liên vận quốc tế- Ảnh 2.

Cảng cạn container Ga Yên Viên, Hà Nội. Ảnh: Tin tức

Loạt dự án trọng điểm hiện thực hóa quy hoạch mạng lưới đường sắt

Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, thực hiện nhiệm vụ của Bộ GTVT giao, hiện nay, Cục đang tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường sắt để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt. Đồng thời, Cục cũng lập mới 4 quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành để cụ thể hóa Quy hoạch mạng lưới đường sắt và định hướng của Bộ Chính trị (tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị) về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đồng bộ với các quy hoạch cấp quốc gia khác. Đây là cơ sở, nền tảng để xây dựng, đưa "Hỏa xa Việt Nam" tiến vững chắc vào giai đoạn phát triển mới, bền vững.

Cụ thể, các quy hoạch mới đang trong thời gian lập, lấy ý kiến để hoàn thiện, trình Thủ tướng phê duyệt gồm: Các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội; các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP. Hồ Chí Minh; tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; quy hoạch một số ga đường sắt quốc gia trong đô thị, ga đầu mối, ga liên vận quốc tế.

Đại diện Ban QLDA Đường sắt cho biết, ngoài các dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt quốc gia hiện hữu đã và đang triển khai để cải thiện năng lực vận tải (như tập trung tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh) và tuyến ĐSTĐC Bắc - Nam, tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, hiện một số dự án đầu tư xây dựng đường sắt mới đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Các dự án cụ thể gồm: Tuyến đường sắt vành đai phía Đông Hà Nội: Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi (đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi); tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân (đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi); tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (đã hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi); tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ (đang thẩm định nghiên cứu tiền khả thi); tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái và tuyến Hà Nội - Đồng Đăng (đã xong thủ tục để triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi); tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu (đã hoàn thành báo cáo cuối kỳ nghiên cứu tiền khả thi); tuyến Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ (liên danh Tập đoàn Đèo Cả - PetroTrade Lao, đang lập đề xuất dự án).