Ông Trần Quang Tuấn, Trưởng đoàn, Giám đốc Trung tâm NC&PT truyền thông KH&CN khẳng định: “ Những kinh nghiệm có được từ phía Australia sẽ thực sự hữu ích trong việc giúp Việt Nam xây một chiến lược truyền thông KH&CN hiệu quả” |
Liên tục đầu tư cho các chương trình quốc gia về truyền thông KH&CN
Từ ngày 09 - 14/10/2018, đoàn công tác của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN (STC) do ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm làm trưởng đoàn đã có chuyến công tác tại Australia để triển khai hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truyền thông KH&CN với các cơ quan quản lý...
Tham dự đoàn công tác còn có Lãnh đạo: Truyền hình Thông Tấn xã Việt Nam; Ban Khoa giáo, Báo Nhân Dân; Báo Đại biểu Nhân dân; Trưởng đại diện Văn phòng khoa học và công nghệ Việt Nam tại Australia.
Chuyến công tác nhằm mục đích tìm hiểu thông tin về KH&CN cũng như công tác tổ chức hoạt động truyền thông trong lĩnh vực KH&CN; công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới về truyền thông đa phương tiện; các phương thức phổ biến, nâng cao hiểu biết của người dân về lĩnh vực KH&CN;… Đồng thời, mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài trong lĩnh vực truyền thông KH&CN, đặc biệt là với một số cơ quan liên quan của Australia.
Phát biểu tại các buổi làm việc, ông Trần Quang Tuấn cho biết, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước coi phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 đã xác định hoạt động tuyên truyền, phổ biến KH&CN là một trong 6 giải pháp chủ yếu để phát triển KH&CN Việt Nam.
Truyền thông khoa học và công nghệ có vai trò giới thiệu các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển KH&CN; thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới, điển hình là những ứng dụng KH&CN góp phần tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội,…Vì vậy, nhiệm vụ đổi mới, thúc đẩy truyền thông KH&CN được đặt ra rất bức thiết. Trong đó, đối tượng truyền thông khoa học hướng đến bao gồm từ lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, nhà quản lý về KH&CN, đến các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân.
“Truyền thông khoa học là lĩnh vực quan trọng nhưng Việt Nam lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Những kinh nghiệm có được từ phía Australia sẽ thực sự hữu ích trong việc giúp Việt Nam xây một chiến lược truyền thông KH&CN hiệu quả”, ông Trần Quang Tuấn khẳng định.
Chia sẻ kinh nghiệm của Chính phủ Australia trong nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp về lĩnh vực này, đại diện một số cơ quan nơi Đoàn công tác đến làm việc đều cho biết, để trở thành nước có nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới chỉ với trên 23 triệu dân, Chính phủ Australia luôn đặt KH&CN là nền tảng, yếu tố hàng đầu quyết định cho sự thành công và phát triển, Australia cũng đánh giá cao vai trò đặc biệt quan trọng của truyền thông KH&CN. Vì thế, truyền thông KH&CN là một bộ phận không thể thiếu trong chiến lược phát triển KH&CN của Australia.
Nhận thức được vai trò quan trọng của truyền thông KH&CN đối với sự phát triển KH&CN, Chính phủ Australia đã đặc biệt quan tâm tới công tác truyền thông KH&CN. Biến nhận thức thành hành động, từ Thủ tướng Chính phủ đến người đứng đầu các cấp của các cơ quan quản lý KH&CN, tổ chức KH&CN, cơ quan truyền thông đại chúng, doanh nghiệp... đều ủng hộ công tác truyền thông KH&CN. Nhờ đó, các cơ quan, tổ chức này đã tham gia mạnh mẽ hoạt động truyền thông KH&CN; và mọi cán bộ, nhân viên của họ đều có ý thức trách nhiệm cao đối với công tác này.
Có thể thấy, cách đây gần 30 năm (từ năm 1998), Australia đã liên tục đầu tư cho các chương trình quốc gia về truyền thông KH&CN như Chương trình nâng cao nhận thức về KH&CN (1988-2001), Chiến lược quốc gia nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo (2001-2005) và Chương trình kết nối khoa học - SCOPE (2005-2010). Sau mỗi giai đoạn thực hiện các chương trình quốc gia, Australia luôn chú trọng đánh giá, đúc rút kinh nghiệm để xây dựng những chương trình mới phù hợp với bối cảnh, yêu cầu mới và tính hiệu quả cao hơn.
Tiếp nối các chương trình truyền thông nêu trên, đầu năm 2010, Australia đưa ra sáng kiến “Inspiring Australia” (Khơi dậy cảm hứng Australia). “Inspiring Australia” ra đời từ nhu cầu khắc phục điểm yếu của Chương trình kết nối khoa học, đó là: các hoạt động truyền thông KH&CN vẫn còn dàn trải, chiến lược của Chương trình chưa rõ ràng và chưa được điều phối bảo đảm các bên tham gia có cùng định hướng. Do đó tính khơi dậy cộng đồng chưa cao và chưa bao phủ hết các cộng đồng xã hội trên toàn nước Úc.
Có thể nói, đây là Chiến lược quốc gia về truyền thông KH&CN hoàn hảo nhất, nổi bật nhất, với mục tiêu xuyên suốt là tăng cường hoạt động truyền thông KH&CN tới mọi người dân trên khắp nước Australia (tổ chức KH&CN, trường học, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư...) nhằm khơi dậy tinh thần cảm hứng khoa học và sáng tạo của người dân, hướng đến hình thành một xã hội đổi mới sáng tạo với niềm tin và hiểu biết về KH&CN. Chiến lược được thực hiện với kinh phí 21 triệu USD từ hỗ trợ của Chính phủ trong giai đoạn 2011-2014.
Cơ quan quản lý KH&CN, các tổ chức KH&CN của Australia thường xuyên duy trì mối quan hệ mật thiết với các cơ quan truyền thông đại chúng; thường xuyên xây dựng, chăm sóc mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà khoa học với nhà báo thông qua các diễn đàn, giao lưu, tạo ra sự gần gũi, thoải mái. Đây cũng là lợi thế để thông tin KH&CN được chia sẻ và chuyển tải nhanh nhất, không qua các cầu nối hoặc khâu trung gian. Với mục đích thu hút sự quan tâm của công chúng đến KH&CN và thông tin KH&CN được đăng tải trên các tờ báo, tạp chí, mỗi tháng một lần, Bộ Công nghiệp Australia tổ chức họp báo để giới thiệu những vấn đề KH&CN nổi bật nhất trong thời gian đó với phóng viên, mời các nhà khoa học giới thiệu về những thành tích của họ, dành thời gian để phóng viên và nhà khoa học có thể trao đổi, thảo luận...
Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông KH&CN, quảng bá các sản phẩm công nghệ mới luôn được các các viện nghiên cứu, trường đại học... dành sự quan tâm đặc biệt. Các đơn vị này đều có bộ phận PR hợp tác chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để kịp thời quảng bá các sản phẩm nghiên cứu. Các nhà khoa học của họ luôn có ý thức tự truyền thông thành quả nghiên cứu của mình và coi đấy là trách nhiệm đối với nhân dân.
Đặc biệt, các cơ quan truyền thông đại chúng luôn chú trọng thúc đẩy truyền thông KH&CN trên tất cả các kênh: phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, tăng cường mạng lưới các websites về thông tin KH&CN. Các Đài phát thanh, truyền hình trung ương đều có các kênh khoa học hấp dẫn phát sóng liên tục 24 giờ/ ngày…
Xây dựng mô hình Trung tâm - đầu mối
Nhằm đẩy mạnh truyền thông khoa học và công nghệ, Chính phủ Australia đã xây dựng các trung tâm truyền thông để các nhà khoa học giao lưu, trao đổi học thuật, tập huấn về công tác truyền thông, chủ động kết nối với giới truyền thông, trong đó cơ quan đầu mối là Questacon có vai trò dẫn đầu và góp phần vào phát triển chính sách trong hoạt động truyền thông khoa học của Úc. Questacon chịu trách nhiệm chủ trì soạn thảo và quản lý các chương trình/chiến lược quốc gia về truyền thông KH&CN Australia từ trước đến nay, trong đó có các hoạt động lớn như Tuần lễ Khoa học Quốc gia, Giải thưởng Khoa học của Thủ tướng và chương trình tài trợ hoạt động truyền thông khoa học. Questacon cũng dẫn đầu về các hoạt động tư vấn về truyền thông khoa học.
Các hoạt động truyền thông KH&CN có thể kể đến như: Tuần lễ khoa học quốc gia, được thiết lập vào năm 1997 và được tổ chức vào tháng Tám hàng năm. Sự kiện này đã nổi lên như một sáng kiến trên cơ sở Liên hoan khoa học Australia được tổ chức hàng năm ở thủ đô Canberra. Đây là sự kiện điển hình nhất, hoạt động có hiệu quả nhất về truyền thông KH&CN của Úc.
Với vai trò là đầu tàu trong các chương trình quốc gia về truyền thông khoa học, Tuần lễ Khoa học quốc gia đã liên tục tiến triển và đổi mới. Tuần lễ Khoa học quốc gia đã tạo cơ hội cho các phương tiện đại chúng đưa ra các bài viết và trao đổi về tầm quan trọng của khoa học và các vấn đề liên quan tới khoa học. Ngoài ra, các phương tiện đại chúng xã hội cũng tạo ra hàng nghìn tin/bài từ các Bộ, các tổ chức khoa học, các cơ quan truyền thông đại chúng, các nhà khoa học... và thu hút hơn 900.000 người trên Twitter. Trong suốt hơn 20 năm, các sự kiện có tính đổi mới sáng tạo trong Tuần lễ Khoa học quốc gia đã tiếp tục có các tác động lâu dài trên cả nước; tạo ra kênh tương tác để nâng cao sự quan tâm và gắn kết những người trước đây không hề quan tâm tới các hoạt động này.
Gánh xiếc khoa học (Science Circus) lưu động là nét đặc trưng, riêng biệt nhất của truyền thông KH&CN Australia so với các nước khác trên thế giới. Đây là chương trình trải nghiệm khoa học mở rộng của Questacon nhằm phục vụ tới mọi cộng đồng trong xã hội. Ngoài việc khơi dậy mối quan tâm và niềm đam mê KH&CN ở người dân, mô hình gánh xiếc khoa học đã đưa đến nhiều đổi mới sáng tạo trong việc thiết kế các đồ trưng bày siêu gọn nhẹ, các tiết mục trình diễn khoa học thường xuyên được thay đổi nên không bị nhàm chán. Điều này đặc biệt cho thấy những thành công trong công tác đào tạo sinh viên, đó sẽ là những người trải nghiệm các vai trò rất đa dạng trong hoạt động truyền thông KH&CN. Ngày nay gánh xiếc khoa học không chỉ dừng lại ở các địa phương trong nước mà đã vượt ra khỏi biên giới Australia, đến tận các quốc gia khác như New Zealand, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam…
Ngoài việc chia sẻ các thông tin trên, các cơ quan đối tác còn đưa ra nhiều gợi ý hữu ích với đoàn để đẩy mạnh hoạt động truyền thông khoa học và công nghệ tại Việt Nam và đều khẳng định sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong các nội dung như: đào tạo nhân lực truyền thông khoa học và công nghệ thông qua việc gửi cán bộ đi đào tạo tại Australia hoặc trao đổi chuyên gia giữa hai nước; hỗ trợ các khóa đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ truyền thông khoa học và công nghệ ; phối hợp tổ chức các sự kiện quốc tế về lĩnh vực khoa học và công nghệ; đề xuất hỗ trợ nghiên cứu đề án phát triển truyền thông khoa học và công nghệ quốc gia, đề án tổ chức Tuần lễ khoa học và công nghệ quốc gia; …
Nhìn lại thực trạng hiện nay cũng như kinh nghiệm của các nước đi trước, Việt Nam cũng cần sớm có chiến lược phát triển truyền thông KH&CN quốc gia mạnh mẽ và rộng khắp. Để hình thành và thực hiện tốt chiến lược ấy, rất cần sự tham gia tích cực hơn từ phía các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà báo và các doanh nhân.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.