Khi giấc mơ cây cầu Cao Lãnh trở thành hiện thực

Tác giả: MỸ LỆ

saosaosaosaosao
Thị trường 18/02/2018 05:30

Những lần đưa đò, những chuyến phà đêm hối hả, những ngày lễ, Tết người dân đôi bờ phải vất vả đợi hàng giờ đồng hồ…, thời điểm ấy trong đôi mắt của những người dân các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… giấc mơ có một chiếc cầu bắc qua chưa bao giờ nguôi.

 

H1 - Cầu Cao Lãnh
 Cầu Cao Lãnh

Trò chuyện với chúng tôi vào một ngày cuối năm, ông Trần Văn Thi -  Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý Hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) tâm sự, ngay từ những ngày cùng các đơn vị xuống địa phương, chúng tôi đã nhận thấy người dân mong đợi lắm, nếu có một cây cầu bắc qua sông để người dân thuận tiện đi lại và phát triển kinh tế thì còn gì bằng. Thế nhưng, thời điểm ấy phía Tổng công ty cũng như địa phương cũng không nghĩ rằng sẽ có được một cây cầu to lớn và hiện đại như ngày hôm nay.

Gian nan tìm nguồn vốn đầu tư

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã có quy hoạch phát triển tổng thể, đặc biệt là hình thành trục dọc thứ hai song song với QL1A có ý nghĩa về phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh - quốc phòng, đó là đường Hồ Chí Minh.

Cầu Cao Lãnh là điểm vượt sông Tiền của đường Hồ Chí Minh tại vị trí gần phà Cao Lãnh hiện tại. Việc xây dựng cầu Cao Lãnh thay thế phà hiện tại là rất cần thiết, nối thông QL80, QL30, rút ngắn cự ly đi lại giữa Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp với Vĩnh Long, Tiền Giang và giảm tải đáng kể cho QL1A.

H2 - Cầu Cao Lãnh

Ông Trần Văn Thi - Tổng giám đốc CIPM cho biết, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống sẽ là điểm kết nối mới cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long

 

Trên cơ sở Quyết định số 3685/QĐ-BGTVT ngày 26/11/2007 của Bộ GTVT giao chủ dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án xây dựng cầu Vàm Cống và Cao Lãnh, CIPM (trước đây là Ban QLDA Mỹ Thuận) đã làm việc và hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Úc để có vốn xây dựng công trình. Đến nay, Dự án đã cơ bản hoàn thành, nối từ QL30 đến QL54 thuộc tỉnh Đồng Tháp.

Theo CIPM, trở ngại lớn nhất trong quá trình thi công là cầu Cao Lãnh là cây cầu dây văng đầu tiên có chiều sâu cọc khoan nhồi lớn nhất lên tới 117m và thi công trong mùa lũ. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Tổng công ty, các kỹ sư tư vấn và nhà thầu đã nỗ lực ngày đêm để tìm ra giải pháp thi công đảm bảo an toàn, chất lượng và đẩy nhanh tiến độ thi công, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, đảm bảo dự án về đích đúng tiến độ.

Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định: “Cầu Cao Lãnh chính thức được nối liền hai bờ là một cột mốc lịch sử, mở ra triển vọng to lớn để Đồng Tháp và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phát triển. Đây là sự nỗ lực rất lớn của cán bộ, kỹ sư trong việc hoàn thành công trình đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, an toàn. Với vai trò là địa phương thụ hưởng công trình, Đồng Tháp cũng đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tuyên truyền vận động người dân giao đất để thực hiện công trình. Chính vì vậy, thuận lợi lớn của dự án là nhận được sử ủng hộ của người dân địa phương. Chúng tôi khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư tổ chức thực hiện tốt những việc còn lại theo đúng tiến độ đã đề ra”.   

Sau khoảng thời gian dài, từ giai đoạn sơ khai ban đầu đến giai đoạn thi công, trải qua biết bao khó khăn, đến nay cầu Cao Lãnh đã xuất hiện sừng sững giữa đất trời Đồng Tháp. Cầu Cao Lãnh sau khi hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác sẽ kết nối mạng lưới giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo giao thông thông suốt, liên tục, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, đồng thời còn có ý nghĩa chiến lược trong đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Dự án sẽ góp phần từng bước hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới đường bộ, đường cao tốc và quy hoạch giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã được Chính phủ phê duyệt. Cùng với cầu Vàm Cống, dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông nói chung sau khi hoàn thành, cùng với tuyến N2 đã hoàn thành, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang thi công sẽ hình thành một trục dọc thứ 2 bên cạnh trục QL1 từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh Tây Nam bộ về đến đất mũi Cà Mau

Ý kiến của bạn

Bình luận