Khi ô tô giá rẻ tràn về Việt Nam,ông lớn nào sẽ lo ngay ngáy

Doanh nghiệp 10/08/2016 14:36

Lợi nhuận mỗi năm của công ty này lên tới hàng nghìn tỷ đồng dù không bán chiếc ô tô nào

 

dyply8gp_qjou

Ngày 29/8 tới đây sẽ diễn ra phiên IPO 167 triệu cổ phiếu của Tổng công ty máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Với giá khởi điểm IPO là 14.290 đồng/cp, vốn hoá của VEAM và lượng cổ phiếu đấu giá có giá trị tương ứng là 19.000 tỷ và 2.300 tỷ - những con số này sẽ đưa đợt IPO của VEAM trở thành đợt IPO lớn nhất trong năm 2016.

Là Tổng công ty lớn chuyên sản xuất các loại động cơ, máy nông nghiệp; sản xuất các loại linh kiện, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; chế tạo và lắp ráp ô tô - xe máy; vận chuyển hàng hóa,… lợi nhuận mỗi năm của VEAM lên tới hàng nghìn tỷ đồng và là một trong những doanh nghiệp đạt lợi nhuận lớn nhất của Bộ Công thương (chỉ sau PVN, EVN, Sabeco và Petrolimex).

Tuy vậy, kết quả này không thực sự đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh của VEAM mà phần lớn đến từ việc nhận cổ tức của các công ty liên kết.

Hiện tại, VEAM đang nắm giữ 30% cổ phần Honda Việt Nam, 20% cổ phần Toyota Việt Nam, 25% cổ phần Ford Việt Nam và đây là những “mỏ vàng” thực sự khi mang về hàng nghìn tỷ đồng cổ tức mỗi năm cho VEAM.

Báo cáo tài chính năm 2015 cho biết, công ty mẹ VEAM đạt lợi sau thuế 3.366 tỷ đồng, trong đó tiền cổ tức nhận về lên tới 3.391 tỷ đồng. Điều này có nghĩa nếu không có các khoản cổ tức từ Honda hay Toyota thì lợi nhuận VEAM sẽ là con số âm.

Lợi nhuận sụt giảm mạnh từ năm 2017

Theo kế hoạch sau cổ phần hóa, doanh thu VEAM trong giai đoạn 2016- 2019 vẫn ở quanh ngưỡng 5.000 tỷ mỗi năm, không có quá nhiều thay đổi so với hiện tại.

Tuy nhiên, lợi nhuận mà doanh nghiệp này đạt được dự kiến sẽ sụt giảm từ năm 2017. Cụ thể, VEAM đặt mục tiêu lãi sau thuế 3.500 tỷ đồng trong năm 2016, nhưng đến năm 2017 chỉ còn 3.100 tỷ đồng và năm 2019 sẽ chỉ còn 2.400 tỷ đồng.

Việc sụt giảm lợi nhuận này chủ yếu bắt nguồn từ sự sụt giảm của doanh thu tài chính hay cụ thể là cổ tức nhận được từ các liên doanh Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam.

Theo cam kết gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc vào Việt Nam sẽ giảm xuống mức 50% trong năm 2015, năm 2016 giảm xuống 40%; năm 2017 giảm xuống 30% và về mức 0% từ năm 2018.

Theo VEAM, với nguyên nhân trên, nhiều khả năng các liên doanh, đặc biệt là các liên doanh lớn như Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động VEAM do 2 liên doanh này mang lại nguồn doanh thu tài chính khá lớn cho VEAM.

Ý kiến của bạn

Bình luận