Khí thế trên công trình cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long

Tác giả: H.Thạch - V.Thành

saosaosaosaosao
Thị trường 23/01/2019 12:04

Sắc xuân đang về với đất trời, về trên khuôn mặt những người thợ cầu trên công trường xây dựng Dự án Đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc tuyến đường Vành đai III TP. Hà Nội.


dsc04601-1526

Dự án được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng, gồm hơn 4.520 tỷ đồng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và gần 823 tỷ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án có tổng chiều dài 5,367km, trong đó chiều dài cầu cạn là 4,836km, gồm phần kết cấu nhịp dầm Super-T 4.426,60m và phần kết cấu nhịp dầm thép 404,4m. Về quy mô, Dự án được thiết kế 4 làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75m; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa..., đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 100 km/h.

Ông Phạm Anh Tú - Trưởng phòng Quản lý dự án 1, Ban QLDA Thăng Long cho biết, Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được xây dựng dọc theo dải phân cách giữa đường Phạm Văn Đồng mở rộng. Điểm đầu từ km0+130, phía Bắc cầu vượt Mai Dịch, điểm cuối là km5+497,72, phía Nam cầu Thăng Long. Dự án chia thành hai gói thầu xây lắp: Gói số 1 đoạn Mai Dịch - Cổ Nhuế dài 2,6km do nhà thầu Liên danh Sumitomo Mitsui và CIENCO 4 thực hiện; gói số hai đoạn Cổ Nhuế - Nam Thăng Long dài 2,6km do Liên danh Tokyu và Taisei thực hiện. Hạng mục chính của Dự án là công trình cầu cạn được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, bề rộng điển hình cầu cạn là 24m, kết cấu nhịp sử dụng dầm Super-T, riêng tại vị trí hai nút giao là Hoàng Quốc Việt và Tây Thăng Long (nút giao theo quy hoạch) bố trí kết cấu cầu thép.

“Để đẩy nhanh tiến độ dự án,  Ban QLDA Thăng Long đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung máy móc, nhân lực đến công trường. Tính đến đầu tháng 01/2019 đối với Gói thầu 1, Liên danh Sumitomo Mitsui và CIENCO 4 đã thực hiện 251/595 cọc D1200, bệ trụ 15/61, thân trụ 14/61, dầm super-T 91/631. Đối với Gói thầu 2 do Liên danh Tokyu và Taisei hiện đã thực hiện 346/557 cọc khoan nhồi D1200, bệ trụ đã thi công được 15/59, thân trụ là 6/59, dầm super-T đã đúc được 44/568 phiến. Tổng giá trị giải ngân đến cuối tháng 12/2018 là 567 tỷ đồng”, ông Tú chia sẻ.

Đối với công tác tiếp nhận mặt bằng, đến đầu tháng 01/2019, Ban QLDA Thăng Long đã tiếp nhận mặt bằng từ Ban QLDA Đầu tư xây dựng Công trình giao thông TP. Hà Nội và các cơ quan hữu quan, sau đó bàn giao cho nhà thầu thi công với tổng chiều dài 4.708/5.367m. Được sự nhất trí của Bộ GTVT, thiết kế đã được điều chỉnh từ cọc ống thép xoay sang cọc khoan nhồi từ trụ P9 đến P15 và P45 đến P58, P99 - P108.

dsc04611-1527

Theo anh Phạm Xuân Nam - kỹ sư thi công Gói thầu 1 của Liên danh Sumitomo Mitsui và CIENCO 4, hiện tại tiến độ đang đáp ứng được yêu cầu của Ban QLDA đề ra. Chúng tôi đã huy động đầy đủ máy móc đến công trường, tùy theo mũi thi công mà yêu cầu các tổ làm từ 02 đến 3 ca/ngày. Hiện tại, nhà thầu đang huy động trên 200 kỹ sư, công nhân để có được mặt bằng đến đâu là sẽ huy động ngay máy móc và nhân lực thi công đến đó. Chia sẻ về mức lương thưởng cho anh em kỹ sư, công nhân, anh Nam tâm sự: “Chế độ lương thưởng, bảo hiểm xã hội… luôn được Công ty quan tâm, đảm bảo. Tết này,  Công ty cho anh em nghỉ Tết theo chế độ của Nhà nước để sum họp cùng gia đình sau một năm làm việc vất vả. Ra Tết, chúng tôi bắt tay ngay vào công việc để đáp ứng tiến độ của chủ đầu tư đề ra.

Khi dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thông tuyến sẽ kết nối liên thông tuyến Vành đai 3 trên cao đã đưa vào khai thác đoạn từ cầu Thăng Long đến Pháp Vân, hoàn thiện dự án tuyến đường vành đai khép kín, kết nối sân bay và các khu vực lân cận, góp phần giải quyết UTGT cửa ngõ Thủ đô.

Ý kiến của bạn

Bình luận