Khó quản lý thuế trong thương mại điện tử

Doanh nghiệp 03/11/2016 05:22

Thời gian qua, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên nền tảng internet và điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam.

 

khoquanlythue_nmfx
 


Nhiều doanh nghiệp (DN) ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) đã đạt doanh thu hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, số thuế mà các DN này đóng góp vào ngân sách vẫn rất khiêm tốn. Quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh mới này đang đặt ra nhiều thách thức với cơ quan thuế.

 Lúng túng trong xác định mức thuế

Theo khảo sát của Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Việt Nam hiện có khoảng 140 triệu thuê bao di động, trong đó thuê bao 3G khoảng 32 triệu. Đây là nền tảng tốt cho các DN TMĐT khai thác thị trường bên cạnh các nền tảng về Internet đã ra đời trước đây. Đơn cử với mô hình Uber. Chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối internet, Uber đã thành công trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ, kết nối giữa khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ, góp phần đa dạng hóa thị trường vận tải hành khách tại các đô thị lớn.

Thực tế, những mô hình kinh doanh như Uber ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, đánh thuế thế nào với hình thức kinh doanh TMĐT này vẫn đang là một bài toán khó, gây nhiều tranh cãi. Theo TS Võ Trí Hảo, do hoàn toàn mới mẻ và mang nhiều tính chất khoa học công nghệ nên hiện nay vẫn tồn tại quan điểm cho rằng, Uber là mô hình cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ và phải áp mức thuế GTGT 5%.

Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, việc cung cấp dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng internet và công nghệ định vị (GPS) là một dạng của dịch vụ vận tải hành khách. Trong đó, Uber là nhà cung cấp dịch vụ giao kết hợp đồng điện tử giữa lái xe và hành khách. Vì vậy, đây được coi là loại hình TMĐT và Uber có trách nhiệm đăng ký với Bộ Công Thương và sẽ áp dụng mức thuế suất như đối với kinh doanh TMĐT là 3%.

Đánh thuế thế nào là đúng và công bằng với Uber đến nay vẫn là bài toán chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đã là DN, tổ chức, cá nhân hoạt động tại Việt Nam, có phát sinh doanh thu, lợi nhuận đều phải nộp thuế và nghĩa vụ liên quan đối với Nhà nước. Đây là vấn đề công bằng trong môi trường kinh doanh và chính sách thuế, Uber không thể là một ngoại lệ.

Tạo cơ chế để doanh nghiệp tự giác nộp thuế

Uber chỉ là một trong rất nhiều mô hình kinh doanh TMĐT mới trong bối cảnh hạ tầng công nghệ ngày càng phát triển hiện nay.

Tại Việt Nam, các DN trong nước, tập đoàn nước ngoài, DN đa quốc gia cũng mở rộng các dịch vụ TMĐT. Phần lớn các hình thức này chủ yếu cung ứng dịch vụ trên nền tảng Internet, điện thoại để cung ứng hàng hóa, dịch vụ rồi thu tiền qua visa, thẻ tín dụng của các ngân hàng, khiến việc quản lý này càng trở nên phức tạp. Loại hình kinh doanh TMĐT xuyên biên giới này dù phổ biến nhưng vẫn là khái niệm mới mẻ tại Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng cơ chế, chính sách thuế cho loại hình kinh doanh này còn nhiều lúng túng, chưa có chính sách chung bắt buộc phải nộp thuế và có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, gây bất bình đẳng trong chính sách thuế.

Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc cho rằng, điều cần làm là chúng ta phải quản lý tốt, tạo cơ chế để họ tin tưởng đăng ký kinh doanh và thu được thuế. Lấy ví dụ về trường hợp của Uber tại Việt Nam, bà Cúc nhấn mạnh: “Chúng ta thanh tra, kiểm tra thuế của Uber để đảm bảo chính sách thuế công bằng với các DN khác chứ không phải gây khó dễ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN”. Theo bà Cúc, cần xây dựng cơ chế quản lý tốt để tạo điều kiện mở cửa cho người dân kinh doanh và có cách thu ngân sách tốt. Đây mới là mấu chốt của vấn đề.

Ý kiến của bạn

Bình luận