Những cá nhân bán hàng trên mạng xã hội tới đây sẽ phải nộp thuế. Ảnh: PV |
Gần đây, cơ quan thuế tại TP HCM đưa ra đề nghị thu thuế đối với những người kinh doanh thông qua Facebook. Tại diễn đàn về thương mại điện tử diễn ra cách đây vài ngày, một chuyên gia cho rằng đề xuất này là phù hợp bởi mọi cá nhân kinh doanh đều có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, Luật Quản lý thuế năm 2006 cũng quy định bất kể doanh nghiệp hay cá nhân dù có đăng ký kinh doanh hay không, miễn có hoạt động mua bán phát sinh thu nhập đến mức chịu thuế có trách nhiệm phải thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế. Nếu mạng xã hội có hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử, người bán hàng trên đó cũng phải thực hiện nghĩa vụ thuế. Thậm chí, các nhóm thực hiện các dịch vụ khác trên nền tảng công nghệ mức thu nhập còn lớn hơn. Tuy nhiên, thực tế, hiện việc thu thuế đối với nhóm có thu nhập được các chuyên gia cho rằng sẽ không dễ dàng.
Theo bà Cúc, một trong những nguyên tắc quan trọng của thu thuế là phải nắm được dòng tiền. Riêng với những người kinh doanh trên mạng xã hội, điều này càng khó bởi theo bà, tuy áp dụng hình thức quảng cáo và bán hàng online, song cũng không ít cửa hàng khách vẫn đến nhà mua trực tiếp hoặc còn nhiều hình thức đặt hàng khác.
"Có đối tượng khách hàng đến nhà, hoặc cửa hàng mua trực tiếp hay đặt hàng qua điện thoại thì làm sao cơ quan thuế kiểm soát hết được", bà Cúc nói. Chuyên gia này cũng cho rằng, phương án kiểm soát nguồn doanh thu thông qua tin nhắn bán hàng cũng rất khó khăn bởi sẽ vi phạm đời tư cá nhân.
Trong cuộc họp diễn ra hôm cuối tuần, ông Nguyễn Quý Trung, Phó vụ trưởng, Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, khẳng định theo quy định pháp luật về thuế, chính sách thuế thu nhập cá nhân thì thu thuế qua các trang web thương mại điện tử như Facebook là có cơ sở. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, việc quản lý và thu thuế như thế nào thì cơ quan thuế còn phải nghiên cứu. Doanh nghiệp cho biết, cơ quan thuế sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để nghiên cứu thu thuế kinh doanh thương mại điện tử, trong đó có mạng kết nối xã hội Facebook.
Cơ quan thuế sẽ phối hợp với ngành chuyên môn như ngân hàng, công thương, thông tin truyền thông nghiên cứu trên cơ sở đó đề ra chính sách phù hợp với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Ông Cao Anh Tuấn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, cá nhân kinh doanh có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm đều phải nộp thuế thông qua việc tự kê khai, tự tính, tự nộp, nếu không sẽ xử lý theo pháp luật. Không thừa nhận khó khăn và cho biết, ngành sẽ có hướng dẫn thu thuế kinh doanh trên Facebook, qua mạng xã hội trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đây là hình thức kinh doanh mới, nên ngành phải đẩy mạnh tuyên truyền để người nộp thuế tuân thủ đúng pháp luật, sau đó mới tính đến thanh tra, kiểm tra.
Trao đổi với VnExpress, một số chuyên gia cho rằng, trên thực tế đây không phải là nhóm đối tượng duy nhất đang có những nguồn thu từ internet mà cơ quan quản lý chưa thể kiểm soát được để có thể tiến hành thu thuế.
Không chỉ với những người bán hàng trên mạng xã hội, theo bà Cúc, hiện Việt Nam cũng đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát các nguồn thu nhập của nhiều người kiếm tiền trên internet bởi hoạt động của những đơn vị xuyên biên giới như Facebook, Google... tại Việt Nam hiện cơ quan thuế chưa thể quản lý được. Có thể kể đến những hoạt động như lập website giải trí có gắn quảng cáo mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho các publisher, đội ngũ gõ thuê captcha hay những người lập website có thể tư vấn, giới thiệu về sản phẩm và được hưởng phần trăm trên doanh số bán...
Bà cũng cho rằng, hiện cơ chế chính sách thu thuế đối với các hoạt động này chưa hoàn chỉnh nên chưa có cơ chế bắt buộc phải nộp thuế. Hình thức thu thuế vẫn chủ yếu là tổ chức, cá nhân tự khai, tự tính và tự nộp nên gây bất bình đẳng trong chính sách thuế. Thông thường, theo bà, ở các quốc gia trên thế giới, mọi giao dịch đều được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng, do đó, việc kiểm soát thu nhập cũng như đánh thuế dễ dàng hơn. Trong khi ở Việt Nam tỷ lệ này chưa cao bởi giao dịch bằng tiền mặt vẫn khá phổ biến.
Tổng giám đốc một công ty trong lĩnh vực kinh doanh quảng cáo online, lập trình tự động cho biết trung bình mỗi tháng, công ty của ông thực tế đang phải trả từ 150.000 đến 200.000 USD cho một publisher. Riêng công ty này có khoảng 20 publisher nhận thu nhập như vậy. Tuy nhiên, theo ông, những dòng tiền quốc tế đổ vào các tài khoản cá nhân hiện Việt Nam chưa kiểm soát được.
"Có lẽ phải đến hơn 90% các publisher là làm chui. Nhiều publisher thu nhập tiền tỷ nhưng vẫn làm chui, không đóng thuế", ông cho hay. Chưa kiểm soát được dòng tiền nên theo ông việc thu thuế chủ yếu phụ thuộc vào "tinh thần tự nguyện" của các cá nhân.
"Thậm chí không ít cán bộ thuế còn lúng túng khi hướng dẫn người nộp trong quá trình làm thủ tục. Tôi có hỏi thì một số nơi hướng dẫn tỷ lệ nộp là 10%, có nơi lại là 20%", ông này cho hay.
Ở các quốc gia trên thế giới, theo ông, việc quản lý tài khoản cá nhân chủ yếu dựa trên mã số định danh, trong đó cá nhân đăng ký các số tài khoản ngân hàng và ngành thuế tính toán rồi tự động trừ từ tài khoản đó. Giữa người có thu nhập và đối tác sẽ có một hợp đồng thống nhất việc chi trả sẽ được tiến hành như thế nào, nghĩa vụ thuế sẽ do phía nào chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, sự liên thông giữa hệ thống dữ liệu các bộ, ngành còn hạn chế. Do đó, theo ông, kế hoạch thu thuế với những người kiếm tiền từ internet nói chung hay bán hàng trên Facebook nói riêng cũng không khác nào "mò kim đáy bể".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.