Khoa học công nghệ - Then chốt thúc đẩy phát triển giao thông vận tải

Tác giả: HOÀNG THẠCH

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 21/07/2016 05:54

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tại Hội nghị Tổng kết hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) ngành GTVT giai đoạn 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ GTVT tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua.

anh 1
Cầu Nhật Tân áp dụng công nghệ các trụ tháp được đặt trên nền móng vòng vây cọc ống thép SPSP, lần đầu được áp dụng tại Việt Nam

Làm chủ công nghệ hiện đại

Mục tiêu chiến lược phát triển KHCN của ngành GTVT trong giai đoạn 2011 - 2020 đã được Chính phủ phê duyệt là: “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, thân thiện môi trường; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác quy hoạch, khảo sát thiết kế; làm chủ công nghệ thi công, công nghệ quản lý, bảo trì khai thác công trình giao thông tiên tiến, ứng dụng vật liệu mới trong xây dựng các công trình hiện đại như: Đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, cầu bê tông cốt thép dự ứng lực khẩu độ lớn, cầu dây văng, đường hầm, cảng hàng không”.

Quán triệt chủ trương trên, Bộ GTVT đã chỉ đạo xây dựng chiến lược, triển khai thực hiện nhiều giải pháp, chương trình hành động, kế hoạch, lộ trình đổi mới công nghệ... cụ thể để phát triển mạnh mẽ, có hiệu quả công tác KHCN vào thực tế sản xuất trong tất cả các lĩnh vực của Ngành nhằm mục tiêu: “Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN; lựa chọn nghiên cứu phát triển các công nghệ tiên tiến, phù hợp áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo được sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh trong thị trường và hội nhập quốc tế; góp phần quyết định vào tốc độ tăng trưởng bền vững của Ngành...”.

Giai đoạn 2011 - 2015 vừa qua, ngành GTVT đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó và đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị có tầm chiến lược rất quan trọng này cần phải có quyết tâm cao, huy động đồng bộ mọi tiềm lực toàn ngành GTVT, trong đó có phần đóng góp quan trọng của hoạt động KHCN.

Theo PGS. TS. Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ KHCN, thời gian qua Bộ GTVT đã chỉ đạo xây dựng chiến lược, triển khai thực hiện nhiều giải pháp, chương trình hành động, kế hoạch, lộ trình đổi mới công nghệ... cụ thể để phát triển mạnh mẽ, có hiệu quả công tác KHCN vào thực tế sản xuất trong tất cả các lĩnh vực của Ngành.

Thời gian qua, đội ngũ kỹ sư Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ công nghệ xây dựng cầu bê tông cốt thép (BTCT), BTCT dự ứng lực (DƯL) như: Đúc hẫng cân bằng cho nhịp dài đến 150m, đúc đẩy, công nghệ đẩy đà giáo cho chiều dài vượt nhịp từ 40 - 70m; phát triển các công nghệ bán lắp ghép, công nghệ SBS, xây dựng thí điểm công nghệ cầu liền khối... Đến nay, hầu hết các công nghệ xây dựng cầu BTCT hiện đại đã được chuyển giao vào Việt Nam để đảm bảo tính linh hoạt, thích ứng với nhiều loại địa hình trong xây dựng. Việc hoàn thành các công trình cầu BTCT, BTCT DƯL với thời gian ngắn bằng khoảng 2/3 giai đoạn trước đây đã chứng tỏ mức độ thuần thục công nghệ của tư vấn và nhà thầu trong nước; làm chủ và áp dụng thành công công nghệ xây dựng cầu treo, dây văng nhịp lớn do các đơn vị trong nước tự thiết kế, thi công như cầu Rạch Miễu; hiện đang xây dựng cầu Bạch Đằng dạng CDV 4 nhịp, chiều dài nhịp chính 240m, cầu dây văng Nhật Lệ 2, cầu treo Thuận Phước... Bên cạnh đó, chúng ta đã làm chủ công nghệ xây dựng nền móng công trình áp dụng cọc khoan nhồi đường kính 2,5m, sâu 117m (cầu Cao Lãnh); cọc thép và cọc thép dạng giếng (cầu Nhật Tân); cọc vít thép (cầu Hoàng Minh Giám - Hà Nội); cọc PCC (tại Depot tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông)...

Khoa học công nghệ phải đi thẳng vào sản xuất

Những thành tựu đạt được của hoạt động KHCN ngành GTVT giai đoạn 2011 - 2015 vừa qua là cơ bản và rất đáng ghi nhận. Hội nghị là dịp để chỉ ra những bài học kinh nghiệm quý báu nhằm khắc phục những tồn tại, vượt qua những thách thức để tiếp tục đẩy mạnh phát triển KHCN của Ngành, đáp ứng nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và phát triển ngành GTVT hiện đại, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, bền vững, an toàn, thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế.

Để KHCN đóng góp vai trò quan trọng hơn nữa trong giai đoạn tới, hoạt động nghiên cứu KHCN cần tập trung nghiên cứu, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, thân thiện môi trường; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác quy hoạch, khảo sát thiết kế; làm chủ công nghệ thi công, công nghệ quản lý, bảo trì khai thác công trình giao thông tiên tiến, ứng dụng vật liệu mới trong xây dựng các công trình hiện đại như: Đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, cầu BTCT DƯL khẩu độ lớn, cầu dây văng, đường hầm, cảng hàng không.

Bên cạnh đó, hoạt động KHCN cần bám sát nhu cầu thực tế sản xuất, hoạt động của Ngành; tập trung giải quyết những vấn đề thiết thực có hiệu quả, góp phần phục vụ sự phát triển ngành GTVT, đồng thời tiếp tục chủ động tiếp cận những công nghệ mới phục vụ phát triển hệ thống GTVT hiện đại trong tương lai; gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học với doanh nghiệp trong và ngoài ngành GTVT để đảm bảo hiệu quả, khả năng triển khai kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế sản xuất.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa

Đồng thời, đội ngũ kỹ sư Việt Nam đã triển khai công nghệ NATM xây dựng các hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Phú Gia - Phước Tượng; làm chủ công nghệ để xây dựng Dự án mở rộng hầm Hải Vân...; xây dựng hầm thành phố với công trình nghiên cứu áp dụng công nghệ dìm cho hầm Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn và một số hầm giao thông trong các thành phố lớn. Điểm nổi bật về công nghệ xây dựng cầu trong 5 năm qua là ưu tiên lựa chọn các dạng kết cấu cầu có chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật tốt, giá thành hạ, tiết kiệm chi phí như dầm Super-T, dầm T ngược, dầm bán lắp ghép mặt cắt chữ U, dầm hỗn hợp BTCT DƯL có thanh thép chống xiên...; chú trọng đúng mức đến yếu tố kiến trúc, thẩm mỹ của các công trình cầu, đặc biệt là đối với các cầu ở khu vực đô thị như cầu vòm, cầu vòm ống thép nhồi bê tông nhịp lớn (cầu Đông Trù, cầu Rồng, cầu Tân Thuận...), cầu dây văng 3 mặt phẳng dây (cầu Trần Thị Lý), cầu vượt nút ngã ba Huế tại TP. Đà Nẵng...; triển khai một số dạng kết cấu cầu thi công nhanh như các cầu vượt thép ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu giảm thiểu UTGT; ứng dụng thí điểm vật liệu nhựa đường có tính năng kỹ thuật cao hơn như nhựa đường polymer, nhựa đường cao su biến tính; sử dụng các loại phụ gia tăng cường dính bám, phụ gia tăng cường ổn định để giảm thiểu hiện tượng hằn lún vệt bánh xe như SBS, PR-Plast S...; công nghệ cào bóc tái chế nguội mặt đường bê tông nhựa của hãng HallBrother (Mỹ), Sakai (Nhật Bản), Wirtgen (Đức); công nghệ Cacboncor Asphalt (Nam Phi), thử nghiệm và ứng dụng thành công công nghệ tái chế nóng mặt đường bê tông nhựa tỷ lệ RAP < 25%.

Các lĩnh vực đường sắt, hàng hải, hàng không, đăng kiểm... đã nghiên cứu áp dụng thành công nhiều đề tài KHCN mang lại giá trị cao như: Sử dụng thiết bị HWD để đánh giá cường độ mặt đường sân bay; xây dựng Nhà ga Quốc tế sân bay Nội Bài, sân bay Huế, sân bay Vinh...; làm chủ đầu tư dây chuyền công nghệ sửa chữa đầu máy diesel, tiến hành lắp ráp trong nước đầu máy diesel 1.900 mã lực, đóng mới toa xe điều hòa không khí thế hệ 2; chế tạo vỏ xe toàn phần chịu lực cho đầu máy D19E, cải tiến các bộ phận hãm đĩa, cách âm, cách nhiệt của các toa xe; thử nghiệm công nghệ tách khí HHO từ nước trên đầu máy diesel (sử dụng thiết bị HHO-ECOFIRE) với mục đích giảm tiêu hao nhiên liệu và giảm khí thải...

Theo PGS. TS. Hoàng Hà, hiệu quả hoạt động KHCN thời gian qua là đã làm chủ, triển khai, ứng dụng thành công nhiều công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển ngành GTVT trong các lĩnh vực của Ngành; biến kết quả hợp tác, chuyển giao, tiếp nhận công nghệ tiến tiến của thế giới thành các công nghệ mang thương hiệu Việt Nam trong lĩnh vực GTVT, đóng góp có hiệu quả trong quản lý chất lượng, tăng giá trị, tăng năng suất, an toàn khai thác các công trình, sản phẩm của Ngành.

anh 2_1
Công nghệ cào bóc tái chế tại chỗ bằng bitum bọt và xi măng

Cùng với đó, các hoạt động KHCN của Ngành vẫn đang tiếp tục hoàn thiện, cập nhật, chuyển đổi, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đồng thời xây dựng hệ thống tiêu chuẩn phù hợp. Công tác đề xuất, tuyển chọn, triển khai các đề tài, nhiệm vụ KHCN được đổi mới, hoàn thiện thêm một bước; đã thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động KHCN theo cơ chế doanh nghiệp, tạo lập thị trường công nghệ theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công, đồng thời phối hợp liên ngành tập trung giải quyết những vấn đề kỹ thuật công nghệ bức thiết...

Đánh giá về hoạt động KHCN của Ngành thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hoạt động KHCN đã tập trung nghiên cứu, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, thân thiện môi trường; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác quy hoạch, khảo sát thiết kế; làm chủ công nghệ thi công, công nghệ quản lý, bảo trì, khai thác công trình giao thông tiên tiến; ứng dụng vật liệu mới trong xây dựng các công trình hiện đại như: Đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, cầu bê tông cốt thép dự ứng lực khẩu độ lớn, cầu dây văng, đường hầm, cảng hàng không...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì vẫn còn những tồn tại và thách thức, đó là tỷ trọng đóng góp của các hoạt động KHCN trong việc nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm của ngành GTVT chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển của Ngành và chưa tương xứng với tiềm năng của KHCN. Bên cạnh đó, hoạt động phát triển KHCN chưa đồng đều và còn thiếu tính đồng bộ; năng lực và trình độ quản lý, nghiên cứu KHCN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; việc đưa kết quả nghiên cứu KHCN vào thực tế còn gặp khó khăn; những khó khăn về công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn...

anh 3_1
Cầu Rồng với cụm 5 ống vòm thép chịu lực liên kết qua mặt bích và tấm neoprene, liên kết dầm thép và dầm BTCT trên đỉnh trụ, hệ console vươn đỡ bản mặt cầu, gối cầu chịu ngập nước, phối hợp nhiều loại dầm chịu lực theo cắt dọc cầu

Áp dụng công nghệ tiên tiến để hạ giá thành xây dựng

Về nhiệm vụ chủ yếu phát triển KHCN giai đoạn 2016 - 2020, ngành GTVT sẽ bám sát định hướng phát triển KHCN cũng như nhu cầu thực tế sản xuất, hoạt động của Ngành; tập trung giải quyết những vấn đề thiết thực có hiệu quả, góp phần phục vụ sự phát triển ngành GTVT, đồng thời tiếp tục chủ động tiếp cận những công nghệ mới phục vụ phát triển GTVT hiện đại trong tương lai; gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa lực lượng nghiên cứu, đội ngũ cán bộ KHCN với các doanh nghiệp trong và ngoài ngành GTVT.

Đồng thời, tiếp tục ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế, tốc độ phát triển nhanh, bền vững, thân thiện môi trường; đẩy mạnh ứng dụng KHCN phục vụ quản lý khai thác có hiệu quả, an toàn, bền vững hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, giảm thiểu tai nạn; ưu tiên phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ điều hành, tổ chức giao thông chống ùn tắc; ứng dụng KHCN phục vụ phát triển công nghiệp, điện tử trong GTVT; tăng cường ứng dụng KHCN trong phát triển vận tải.

Về phát triển KHCN ngành GTVT từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo, PGS. TS. Hoàng Hà cho rằng, ngành GTVT cần tập trung vào một số mục tiêu lớn: Ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT theo hướng đồng bộ, hiện đại, chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế; tốc độ phát triển nhanh, bền vững, thân thiện môi trường; ưu tiên các nhiệm vụ KHCN liên quan đến xây dựng và phát triển hệ thống đường sắt, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao; tiếp tục cập nhật hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật phục vụ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, phù hợp đặc điểm Việt Nam, tiết kiệm chi phí, thân thiện môi trường; tập trung nâng cao chất lượng công tác tư vấn, ứng dụng công nghệ hiện đại (công nghệ 3D), công nghệ Quantum, phần mềm tính toán hiện đại phục vụ công tác khảo sát thiết kế các công trình giao thông nhằm mục tiêu giảm giá thành, phù hợp điều kiện địa hình, địa chất, khí hậu thủy văn của từng khu vực trong cả nước; tiếp tục hoàn thiện công nghệ nhằm nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng phù hợp điều kiện Việt Nam, các loại vật liệu mới, bê tông mác cao, kết cấu hiện đại như lắp ghép khối lớn, liên hợp vật liệu, vật liệu nhẹ... trong xây dựng giao thông...; tiếp tục hợp tác, nghiên cứu chuyển giao các công nghệ phục vụ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại như: Công nghệ xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, tiếp cận từng bước công nghệ xây dựng đường sắt tốc độ cao, nghiên cứu xây dựng công trình giao thông chịu tác dụng động đất, sóng thần, tác động gió, thích ứng với các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng...

 

Ý kiến của bạn

Bình luận