Một chiếc xe Volvo ở Triều Tiên. Ảnh: Sứ quán Thụy Điển tại Triều Tiên. |
20 năm trước, nhà báo Mỹ Urban Lehner ngồi trên ghế sau của chiếc Volvo 144 tại Triều Tiên. Ông nói rằng các nhà báo đến thăm nước này thường di chuyển trên những chiếc xe đó, theo NPR.
"Chúng tôi nghe câu chuyện rằng chính quyền Triều Tiên đã mua những chiếc xe này nhưng không trả tiền", ông nói.
Vài thập kỷ trước, các doanh nghiệp Thụy Điển đã tiếp cận thị trường mới đầy hứa hẹn là Triều Tiên.
Vào giữa những năm 1970, các công ty xuất khẩu đã ký hợp đồng thương mại khổng lồ và vận chuyển hàng tấn thiết bị công nghiệp do Thụy Điển sản xuất sang Triều Tiên - bao gồm máy móc khai thác mỏ và 1.000 chiếc xe Volvo.
Theo quan điểm của các nhà xuất khẩu, nền kinh tế mới nổi của Triều Tiên là nơi họ có thể hái ra tiền.
Jonathan D. Pollack, một thành viên cao cấp tại Viện Brookings giải thích: "Vào thời điểm đó, kinh tế Triều Tiên không tệ lắm. Sau chiến tranh Triều Tiên, nền kinh tế của họ được xây dựng lại, họ đã trở thành một nước công nghiệp nhưng vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào sự tài trợ. Trong hoàn cảnh đó, động thái của Thụy Điển không phải là một cuộc đánh cược tệ".
Thụy Điển đã vận chuyển đến Triều Tiên số sản phẩm trị giá 70 triệu USD. Nhiều người đầu tư vào Triều Tiên đến mức các công ty xuất khẩu của Thụy Điển và chính trị gia cánh tả thúc giục Bộ Ngoại giao Thụy Điển cử một nhà ngoại giao đến đó.
Vì vậy, vào năm 1975, Thụy Điển trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên thành lập đại sứ quán ở Bình Nhưỡng.
"Họ hỏi tôi có muốn mở đại sứ quán ở Triều Tiên hay không", Erik Cornell, nhà ngoại giao Thụy Điển kỳ cựu, nói. "Và tôi trả lời: Có".
Cornell, hiện 87 tuổi, bắt đầu làm việc cho Bộ Ngoại giao Thụy Điển vào năm 1958. Ông đến Triều Tiên năm 1975, khi ông Kim Nhật Thành đang lãnh đạo đất nước. Cornell làm đại biện của sứ quán Thụy Điển ở Triều Tiên cho đến năm 1977.
Ông cho biết Bình Nhưỡng rắt vắng vẻ. "Bạn không thể vào quán cà phê hay nhà hàng vì không có", ông nói. Đôi khi, tất cả những gì ông có thể làm là lái xe dạo quanh trên chiếc Volvo.
Cornell được giao nhiệm vụ làm rõ tình hình kinh tế Triều Tiên và ông nhanh chóng phát hiện con số không cao như mong đợi.
Một thời gian ngắn sau khi Thụy Điển mở đại sứ quán ở Bình Nhưỡng, thương mại của nước này với phương Tây đột ngột dừng lại. Triều Tiên không trả tiền cho hàng nhập khẩu. Thời hạn thanh toán đã trôi qua, các khoản nợ và khoản lãi ngày càng chồng chất. Rõ ràng là Triều Tiên không đủ khả năng xoay xở tất cả các khoản đầu tư.
Triều Tiên tin rằng họ bắt kịp với các quốc gia công nghiệp phát triển, nhưng họ đã đánh giá quá cao năng lực công nghiệp của mình, Cornell viết trong cuốn hồi ký năm 2002.
Các thiết bị nhà máy bị bỏ phí trong các kho của Triều Tiên. Hơn 4 thập kỷ sau đó, chính phủ nước này vẫn chưa trả tiền nhập 1.000 chiếc Volvo.
Theo Cơ quan Tín dụng Xuất khẩu Thụy Điển, số tiền cả gốc lẫn lãi Triều Tiên nợ Thụy Điển hiện là 322 triệu USD. Thụy Điển mỗi năm hai lần gửi yêu cầu thanh toán khoản nợ tới Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng chưa có bất cứ động thái nào.
Bên trung gian
Có thể 1.000 chiếc Volvo đó chỉ là chi phí ngoại giao, cây bút Danny Hajek của NPR nhận xét. Bằng cách mở đại sứ quán ở Bình Nhưỡng, Thụy Điển đã giành được sự tin tưởng từ giới lãnh đạo Triều Tiên.
Thụy Điển hiện vẫn duy trì sứ quán ở Bình Nhưỡng. Họ đã tham gia nhiều vào các hoạt động viện trợ nhân đạo và mở rộng vai trò trung gian giữa Triều Tiên và thế giới bên ngoài.
"Người Thụy Điển rất giỏi về vấn đề này", Pollack từ Viện Brookings nhận xét. "Người Thụy Điển thường đóng vai trò như vậy trong ngoại giao. Họ là một bên trung gian trung thực".
Sau khi Nhật tấn công vào Trân Trâu Cảng, Hawaii năm 1941, Thụy Điển đã hành động như một bên bảo vệ cho các công dân Nhật ở Hawaii trong Thế chiến II. Họ cũng là đại diện bảo vệ quyền lợi cho Anh ở Iran khi quan hệ ngoại giao giữa hai bên trục trặc.
Mỹ, nước không có quan hệ ngoại giao chính thức với Bình Nhưỡng, đã ủy thác cho Thụy Điển là bên bảo vệ quyền lợi ở Triều Tiên - vai trò họ đã giữ từ năm 1995.
Trong trường hợp một người Mỹ bị giữ tại Triều Tiên, đại sứ quán Thụy Điển ở Bình Nhưỡng thường can thiệp.
Nhà báo Mỹ Laura Ling bị giữ ở Triều Tiên trong 140 ngày vào năm 2009. Ling và đồng nghiệp Euna Lee bị bắt trong khi quay phim tài liệu tại gần biên giới Trung - Triều.
Vài tuần sau khi bị bắt, đại sứ quán Thụy Điển đã tổ chức cuộc gặp với hai người. Ling vẫn ghi nhớ khoảnh khắc đại sứ Thụy Điển Mats Foyer bước vào phòng khách sạn ở Bình Nhưỡng.
"Tôi vỡ òa cảm xúc vì tôi biết rằng ông ấy là người duy nhất ở Triều Tiên giúp đỡ chúng tôi", Ling nói.
Foyer không chịu trách nhiệm thương lượng việc trả tự do cho Ling và Lee. Hai cô được trở lại Mỹ sau một cuộc họp ở Bình Nhưỡng giữa cựu tổng thống Bill Clinton và lãnh đạo Triều Tiên khi đó là Kim Jong Il.
Nhưng trong chuyến thăm của Foyer, ông đã mang theo thuốc, sách và thư từ gia đình cho Ling - điều cho cô hy vọng.
"Ông ấy là mối liên hệ của tôi với thế giới bên ngoài, ông ấy là mối liên hệ của tôi với gia đình", Ling nói. "Tôi nghĩ rằng thông qua đôi mắt của ông ấy, họ có thể nhìn thấy tôi".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.