Khởi công dự án giao thông hơn 5.300 tỷ đồng sử dụng vốn vay ODA

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 27/12/2021 11:06

Dự án sẽ rút ngắn hành trình từ Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác về Thủ đô Hà Nội.


z3057439696168_711d2c96c527523909925f3a63005b99
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, lãnh đạo Bộ GTVT và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án

Đảm bảo tiến độ, chất lượng cho dự án

Sáng nay (27/12) Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức lễ khởi công xây dựng dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc, tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng sử dụng vốn ODA và vốn đối ứng trong nước.

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, kết cấu hạ tầng phát triển là điều kiện tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển KT-XH. “Một hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ phát huy mạnh mẽ tiềm năng, sức cạnh tranh của cả vùng, miền, các địa phương nói chung và của các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng đối với dự án này”, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nói.

“Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT cùng các bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, gồm xây dựng hai tuyến kết nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với TP.Lai Châu thuộc tỉnh Lai Châu và thị xã Nghĩa Lộ thuộc tỉnh Yên Bái, với tổng chiều dài 199 km, sử dụng nguồn vốn vay  của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chia sẻ thêm.

Theo Phó Thủ  tướng, sau khi được đầu tư xây dựng và đi vào khai thác, dự án sẽ đảm bảo tính kết nối giữa các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái với cao tốc Hà Nội - Lào Cai, rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác về Thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

“Qua đó, dự án sẽ góp phần giảm chi phí vận tải hàng hóa và hành khách, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo đối với các địa phương có dự án đi qua, củng cố và đảm bảo an ninh quốc phòng cho các tỉnh miền núi phía Bắc”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của Bộ GTVT, các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Ban QLDA2 và tập thể cán bộ, kỹ sư, các đơn vị, nhà thầu, tư vấn đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn do tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 để triển khai dự án.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cũng bày tỏ sự cảm ơn đến các tổ chức tài trợ vốn; các hộ gia đình trong vùng dự án đi qua và chịu ảnh hưởng của dự án đã luôn ủng hộ chủ trương, chính sách của nhà nước, chia sẻ, tạo điều kiện trong công tác GPMB, nhường đất cho dự án để đảm bảo các điều kiện khởi công dự án.

Để dự án triển khai đảm bảo hiệu quả, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ GTVT, Ban QLDA2 cần đề cao trách nhiệm, bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chặt chẽ chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư, bảo đảm an toàn thi công trong suốt quá trình triển khai thi công.

“Các đơn vị xây dựng, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế cần xác định rõ đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa rất đặt biệt, tạo động lực phát triển đối với các tỉnh miền núi phía Bắc. Do đó, đòi hỏi mỗi hạng mục thi công đều phải tuân thủ đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Đồng thời cần huy động hệ thống máy móc thiết bị hiện đại, đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm để đảm bảo tiến độ thi công”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu.

Đối với chính quyền địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu UBND các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái quan tâm và tiếp tục phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư, đơn vị thi công các vấn đề liên quan tới GPMB, đảm bảo môi trường, đáp ứng tiến độ thi công dự án.

z3057439342517_afc4b0e87714f7687c44bb2ff72c0dda
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi lễ khởi công

Rút ngắn thời gian di chuyển từ các tỉnh miền núi phía Bắc về Thủ đô

Trước đó, ông Lê Thắng - Giám đốc Ban QLDA2 (đại diện chủ đầu tư) cho biết, dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc gồm 2 tuyến kết nối. Thứ nhất, tuyến kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài khoảng 147km. Trong đó, chiều dài tuyến nâng cấp cải tạo 132,8 km và chiều dài tuyến xây dựng mới hơn14 km.

Điểm đầu tuyến (Km0+000) tại nút giao IC16 của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Km91+500 QL279) huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Điểm cuối (Km146+600)tại ngã ba Bệnh viện (Km34+800 QL4D), TP.Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Tuyến đi qua địa phận của huyện Văn Bàn thuộc tỉnh Lào Cai và các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, TP.Lai Châu thuộc tỉnh Lai Châu. Tuyến đường kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai được thiết kế theo quy mô đường cấp 3 miền núi, tốc độ thiết kế 60km/h, trên tuyến xây dựng 17 cầu với tổng chiều dài 730m.

Tuyến thứ hai kết nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài hơn 51 km. Trong đó, chiều dài đoạn nâng cấp cải tạo 46,8 km, đoạn xây dựng mới dài 4,6 km. Tuyến đi qua địa phận của huyện Văn Yên, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ thuộc tỉnh Yên Bái. Điểm đầu tại Km0+0.00, nút giao IC14 của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Km149+705, cao tốc Nội Bài - Lào Cai) thuộc địa phận huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Điểm cuối tại Km54+069.24 giao với QL32 tại lý trình Km209+500 thuộc địa phận thị trấn Liên Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Theo ông Thắng, dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.370 tỷ đồng, tương đương 236,673 triệu USD, gồm: 188,363 triệu USD vốn vay ADB; 4,481 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc và 43,829 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

"Dự án được thực hiện nhằm rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai", ông Thắng nói và cho biết thêm, dự án còn góp phần giảm chi phí vận tải hàng hóa và hành khách, giảm ùn tắc và TNGT, tăng cường khả năng liên kết giữa các tỉnh và các vùng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, củng cố và đảm bảo an ninh quốc phòng cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

Dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc có 11 gói thầu xây lắp, thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2024. Trong đó gói thầu XL-08 là gói thầu đầu tiên được khởi công xây dựng ngày 27/12, dự kiến gói thầu cơ bản hoàn thành vào tháng 6/2024. Gói thầu xây lắp XL-08 với tổng chiều dài khoảng 18km có điểm đầu là huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, điểm cuối là thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu.

 

 

Ý kiến của bạn

Bình luận