Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.836 tỷ đồng với tổng chiều dài dự án là 21,6km, dự kiến hoàn thành vào năm 2015.
Điểm đầu của dự án từ tại Km2.978+317,73 (qua TP. Cần Thơ) và điểm cuối tại Km2.100 (qua tỉnh Hậu Giang) do Liên danh Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Thi Sơn – Công ty Cổ phần Thương mại và Tư vấn đầu tư xây dựng công trình số 9 đảm nhận thực hiện theo hình thức BOT.
Dự án có quy mô đường cấp III đồng bằng (TCVN 4054-2005), bề rộng nền đường Bnền=20,0m bao gồm: 4 làn xe cơ giới Bcg = 4×3,5m = 14m; 2 làn xe thô sơ Bts=2×2,0m = 4m; lề đất Blđ = 2×0,5m = 1m; dải phân cách và dải an toàn Bgpc=1m. Riêng các đoạn qua đô thị, khu vực đông dân cư có xây dựng hệ thống thoát nước dọc, bó vỉa, bề rộng nền đường Bnền=22,6m. Về cầu: Tận dụng các cầu mới được xây dựng, đầu tư xây dựng thêm một đơn nguyên cầu bên cạnh cầu cũ có quy mô vĩnh cửu theo 22TCN 272-05 cho phù hợp với quy mô đường mở rộng.
Để hoàn vốn cho dự án, Nhà đầu tư được bắt đầu thu phí dự kiến từ tháng 01/2016 (sau khi hoàn thành công trình, đưa vào khai thác); thời gian thu phí hoàn vốn dự án dự kiến khoảng 11 năm 3 tháng, tính từ ngày bắt đầu thu phí. Nhà đầu tư thực hiện công tác quản lý, khai thác sau khi hoàn thành công trình dự án và chuyển giao không bồi hoàn công trình dự án cho Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sau khi hết hạn thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án.
Cùng ngày, tại tỉnh Trà Vinh, Dự án thành phần 1 – cầu Cổ Chiên cũng đã được khởi công. Cầu Cổ Chiên cách phà Cổ Chiên 3,6 km về phía hạ lưu sông Tiền, nối liền hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh với tổng mức đầu tư 2.308 tỷ đồng (trong đó phần vốn của Nhà đầu tư là 1.264 tỷ đồng).
Dự án cầu Cổ Chiên do Liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc và Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy làm Nhà đầu tư; phần vốn Ngân sách Nhà nước là 1.044 tỷ đồng (45,3%) do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án 7 làm đại diện Chủ đầu tư, thời gian thi công dự kiến khoảng 29 tháng, hoàn thành vào đầu năm 2016.
Cầu Cổ Chiên được thiết kế vĩnh cửu bằng BTC và BTCT dự ứng lực, kết cấu nhịp chính dạng đúc hẫng cân bằng, sơ đồ nhịp (90+3×150+90)m; kết cấu nhịp dẫn gồm 24 nhịp dạng giản đơn dầm Super T, chiều dài nhịp 40m; tổng chiều dài cầu 1,599Km; tải trọng thiết kế: hoạt tải HL-93; mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng cầu Bc = 16m; vận tốc thiết kế 80Km/h; tĩnh không thông thuyền: chiều cao H ≥ 25,0m, chiều rộng B ≥ 120m.
Dự án gồm hai thành phần, trong đó phần 2 đã khởi công từ tháng 3/2011 gồm đường dẫn, cầu trên đường dẫn phía Bến Tre, Trà Vinh. Còn dự án thành phần 1 là cầu Cổ Chiên với tổng chiều dài gần 1,6 km.
Cổ Chiên là một trong bốn chiếc cầu quan trọng trên QL 60 (Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên và Đại Ngãi) nhằm phát triển tuyến hành lang ven biển, tạo đà thúc đẩy phát triển hai tỉnh Trà Vinh, Bến Tre và vùng ĐBSCL.
P.V
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.