Đây là một trong những nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hạ tầng kết nối và quy hoạch, phát triển đô thị sân bay Long Thành và vùng phụ cận.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án thành phần
Cụ thể, thông báo kết luận được Văn phòng Chính phủ phát đi tối 4/12 nêu rõ, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã 4 lần trực tiếp đến công trường kiểm tra, đôn đốc, có nhiều văn bản chỉ đạo điều hành. Mặc dù có bước khởi động rất chậm so với tiến độ yêu cầu, đến nay Dự án đã đạt được rất nhiều tiến bộ cả về tiến độ và chất lượng thi công cũng như an toàn lao động, trong đó có thể kể đến như: Đài kiểm soát không lưu của Dự án thành phần 2; Nhà ga hành khách và Đường cất hạ cánh của Dự án thành phần 3. Kết quả tích cực này cần được tiếp tục phát huy.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rộng 5.000 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận những kết quả tích cực nêu trên và đánh giá cao nỗ lực của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), các nhà thầu, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn và hơn 6.000 kỹ sư, công nhân, người lao động và đã huy động trên 2.000 thiết bị để thi công "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "làm việc 3 ca, 4 kíp", "xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương"; góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa các công trình về đích vượt tiến độ đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai thực hiện Dự án vẫn còn không ít những tồn tại, vướng mắc và chậm chễ trong thực thi, đòi hỏi từng cơ quan, chủ thể, đơn vị có liên quan và cá nhân phải nghiêm túc quán triệt để nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm, chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao, xử lý các khó khăn, vướng mắc theo đúng quy định và thẩm quyền, kịp thời báo cáo cấp trên khi có vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền để quyết tâm cùng nhau hoàn thành Dự án trước 31/12/2025.
Thủ tướng yêu cầu đối với một số công việc đang triển khai rất chậm, không đáp ứng yêu cầu cần có ngay giải pháp phù hợp, hiệu quả để khắc phục, đẩy nhanh tiến độ:
Về Dự án thành phần 4, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan điều chỉnh kế hoạch thực hiện Dự án cho phù hợp quy định và yêu cầu thực tế, trong đó lưu ý phải làm rõ việc, rõ cơ quan, đơn vị và rõ người thực hiện, rõ sản phẩm, rõ thời hạn hoàn thành là ngày 31/12/2025; làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm tiến độ, xử lý nghiêm theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả phân công thực hiện và kiểm điểm trước 15/12/2024.
Đối với dự án mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành: Nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu liên quan đến các khó khăn, vướng mắc của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo, xử lý dứt điểm trước ngày 10/12/2024 (trong đó lưu ý, để đáp ứng yêu cầu về tiến độ, việc tăng vốn điều lệ của VEC cần được tính đến nhiều phương án, trong đó có phương án tăng vốn theo lộ trình nhiều bước phù hợp với yêu cầu thực tế, khả năng tiếp nhận quản lý, phương án tham gia tài chính của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước SCIC...); chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm việc tổ chức, cá nhân triển khai chậm trễ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Về công tác giải phóng mặt bằng: UBND tỉnh Đồng Nai cần tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng liên quan đến sân bay, đường cao tốc phục vụ khai thác sân bay phải thực hiện xong trong tháng 12 năm 2024, bảo đảm ổn định cuộc sống của các hộ dân.
Về đường cất hạ cánh thứ 2, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn tất các quy trình, thủ tục và hồ sơ theo quy định trong tháng 12/2024 để có thể tiến hành khởi công ngày 1/1/2025, không chậm trễ.
Nghiên cứu phương án giao thông kết nối bằng tàu điện ngầm theo hướng tuyến ngắn nhất
Về tuyến giao thông kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu phương án giao thông kết nối bằng đường sắt hoặc tàu điện ngầm theo hướng tuyến ngắn nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2025.
Về các dự án tuyến đường vành đai Thành phố Hồ Chí Minh và nút giao An Phú: Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, VEC chịu trách nhiệm triển khai nhanh, khẩn trương hoàn thành các tuyến đường, bảo đảm tiến độ, chất lượng để khai thác đồng bộ với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành ngay sau khi đưa vào sử dụng.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chủ động, khẩn trương hoàn thành các dự án đường giao thông kết nối với sân bay Long Thành; nghiên cứu để triển khai các tuyến giao thông kết nối thẳng từ Hồ Tràm về sân bay Long Thành hoặc phương án nhanh nhất, ngắn nhất để phát triển khu vực Hồ Tràm hiệu quả hơn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Ban Quản lý Dự án cần rút kinh nghiệm thực tế, khẩn trương tổ chức lại thi công trên công trường, thi công nhịp nhàng, đồng thời nhiều vị trí theo nguyên tắc "cuốn chiếu"; xây dựng lại và hoàn thiện đường găng (gantt) tiến độ; đôn đốc, huy động tổng lực lượng của nhà thầu chính, các nhà thầu phụ, triển khai 24/24h các công việc thực hiện bằng máy móc, thiết bị hiện đại; huy động thanh niên, quân đội, công an… làm công ích các công việc thực hiện bằng thủ công (giao Bộ trưởng, Thủ tưởng các cơ quan quốc phòng, công an, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…); khẩn trương vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nhưng phải đảm bảo an toàn lao động trên công trường.
Chiều 30/11, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với 100% đại biểu tán thành.
Theo nghị quyết, Quốc hội đồng ý giai đoạn một đầu tư xây dựng hai đường cất hạ cánh ở phía bắc và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Thời gian thực hiện dự án được kéo dài chậm nhất đến 31/12/2026 hoàn thành và đưa vào khai thác. Chính phủ được tổ chức phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh giai đoạn một dự án theo thẩm quyền mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua.
Trước đó, tại Tờ trình của Chính phủ đầu tháng 11, thời điểm trình duyệt chủ trương đầu tư dự án sân bay năm 2015, việc xác định vốn đầu tư giai đoạn một còn khó khăn nên Quốc hội quyết định chỉ xây một đường băng ở phía bắc sân bay. Giai đoạn hai gồm đường băng số 2 ở phía nam và giai đoạn ba gồm hai đường băng số 3 ở phía bắc và đường băng số 4 ở phía Nam.
Quá trình triển khai, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nhận thấy việc xây dựng đường băng số 3 cách đường băng số 1 đang xây dựng 400 m về phía bắc sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn. Việc này giúp sân bay có thể khai thác hai đường băng ngay trong giai đoạn một, tránh phải nhờ sân bay Tân Sơn Nhất hỗ trợ khi đường băng duy nhất gặp sự cố hoặc phải sửa chữa.
Chính phủ cho rằng việc thi công hai đường băng sẽ không làm gián đoạn khai thác đường băng số 1 khi phải đấu nối hạ tầng kỹ thuật. Nền đường băng số 3 đã san gạt để đảm bảo tĩnh không khai thác đường băng số 1 nên chi phí đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng, không vượt quá tổng mức đầu tư dự án.
Bên cạnh bổ sung một đường băng cho giai đoạn một, Chính phủ đồng thời kiến nghị Quốc hội điều chỉnh thời gian hoàn thành, đưa vào khai thác sân bay Long Thành giai đoạn một, chậm nhất là cuối năm 2026 thay vì 2025.
Lý do Chính phủ nêu là thời gian thi tuyển kiến trúc kéo dài; đại dịch ảnh hưởng đến tiến độ thiết kế kỹ thuật, huy động chuyên gia nước ngoài. Gói thầu xây dựng nhà ga hành khách phải qua hai lần đấu thầu. Một số công trình dịch vụ hàng không thuộc dự án thành phần 4 chậm triển khai do lần đầu đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nên còn lúng túng, phải sửa đổi quy định pháp luật.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.