Với đề xuất năm 2018 không tăng lương tối thiểu, giảm giờ nghỉ, tăng giờ làm của JBAV thì những người công nhân vốn khó khăn sẽ còn chồng chất khó khăn hơn - Ảnh: A LỘC |
Diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam giữa kỳ (năm nay có chủ đề tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước) là sự kiện được tổ chức thường niên, là cơ chế đối thoại chặt chẽ giữa cộng đồng DN trong nước và quốc tế với Chính phủ Việt Nam, mục đích là cải thiện các điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Tại diễn đàn này, đề nghị của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) có vẻ khá... sốc.
Có yếu tố “năng suất lao động thấp”
JBAV đề nghị năm 2018, Chính phủ Việt Nam không nên tăng lương. Bởi những năm qua, mức tăng lương tối thiểu hằng năm tại Việt Nam đã vượt đáng kể so với chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Như năm 2016, tiền lương tối thiểu ở Việt Nam tăng bình quân 7,3%, cao hơn nhiều so với tỉ lệ tăng 2,6% của CPI.
Mặt khác, sự thay đổi về kinh tế trong nước và ngoài nước được dự báo là cực kỳ khó khăn.
Thực tế, việc tăng lương thời gian qua đã giúp người Việt Nam có đời sống tốt hơn nhưng những ngành đầu tàu trong nền kinh tế như may mặc, da giày... chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc tăng lương này.
Qua khảo sát của JBAV, có tới 75,5% DN Nhật Bản đang kinh doanh ở Việt Nam trả lời việc tăng lương ảnh hưởng tới việc kinh doanh.
Chủ tịch JBAV - ông Hiroshi Karashima - cho rằng mức lương tối thiểu hiện tại của Việt Nam cao hơn mức lương ở lĩnh vực công nghiệp chính của Philippines.
Trong khi đó Malaysia và Thái Lan đã hạn chế tăng lương tối thiểu. Vì thế, với tốc độ tăng lương nhanh như thời gian qua, vị này lo ngại Việt Nam sẽ mất khả năng cạnh tranh tương đối so với các nước láng giềng.
Cùng quan điểm này, ông Jonathan Moreno, chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ, khuyến cáo nếu Việt Nam muốn duy trì khả năng cạnh tranh, quyết định tăng lương tối thiểu phải được xem xét dựa trên năng suất lao động.
Thực tế, trong những năm qua, việc tăng lương tối thiểu và chi phí các chương trình bảo hiểm bắt buộc đã không xứng với mức tăng năng suất.
Đề xuất tăng làm ngoài giờ lên 600 giờ/năm
Ngoài đề xuất trên, JBAV cũng đề nghị Chính phủ xem xét một loạt quy định liên quan đến người lao động.
Cụ thể, thời gian làm ngoài giờ 400 giờ/năm là không hợp lý cho tất cả công việc, ngành nghề và vị trí.
Như đối với kỹ sư hay công việc tại các dự án mới hay sản phẩm mới, thời gian làm ngoài giờ nên giới hạn mức tối đa 600 giờ/năm.
Tuy nhiên, ông Hiroshi Karashima cũng cho rằng Chính phủ Việt Nam cần quy định thời gian làm ngoài giờ theo tháng để đảm bảo sức khỏe của người lao động.
Bởi theo nghiên cứu của cơ quan y tế, làm ngoài giờ quá 100 giờ/tháng hoặc trung bình 80 giờ/tháng liên tục trong 2-6 tháng sẽ gây tổn hại sức khỏe cho người lao động.
Bên cạnh đó, phía JBAV cũng cho rằng Chính phủ Việt Nam xem xét quy định thời gian nghỉ giữa giờ. Theo quy định hiện nay là nghỉ tối thiểu 60 phút/ngày làm việc.
Song theo JBAV, quy định này chưa phù hợp với nhu cầu của người lao động, gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của DN bởi thời gian nghỉ giữa giờ ăn sẽ khác nhau, tùy theo việc DN tổ chức nhà ăn ở gần hay xa nơi sản xuất.
Nếu như kéo dài thời gian nghỉ, sẽ có DN quy định thời gian hết giờ làm việc muộn hơn để duy trì sản lượng. Đây là điều mà hầu hết người lao động không mong muốn.
Theo JBAV, tại các nước Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, thời gian nghỉ ăn ở nhà máy là 40-45 phút và các DN Nhật Bản tại Việt Nam cũng đang áp dụng thời gian nghỉ (hoặc mong muốn) như vậy.
Sẽ thu hút vốn ngoại có chọn lọc Kết luận Diễn đàn DN Việt Nam giữa kỳ 2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam đang hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho tất cả các loại hình DN nhà nước, DN tư nhân, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hộ kinh doanh. Về thu hút FDI và liên kết FDI với trong nước, Phó thủ tướng cho rằng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI nhưng có chọn lọc ưu tiên cho DN có lĩnh vực hoạt động phù hợp với tiến trình tái cơ cấu của Việt Nam, có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có sẵn chuỗi liên kết, quản trị tốt, sẵn sàng kết nối với DN Việt Nam. Theo Phó thủ tướng, hiện có tình trạng lệch pha (về trình độ phát triển, quy mô vốn, lao động - PV) giữa khu vực đầu tư nước ngoài với kinh tế trong nước. “Quan điểm, lập trường của Chính phủ Việt Nam coi FDI là bộ phận hữu cơ rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và chủ trương thu hút mạnh mẽ, tạo mọi điều kiện cho FDI thành công tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam coi thành công của FDI như thành công của mình” - ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.