Khởi động đề án đấu giá biển số xe

Giao thông 24h 19/04/2017 08:57

Việc xây dựng đề án đấu giá biển số xe được Bộ Công an kỳ vọng sẽ làm tăng tính minh bạch, phòng ngừa tiêu cực trong lĩnh vực này.

 

Khởi động đề án đấu giá biển số xe
Việc đấu giá biển số đẹp sẽ giúp công bằng, tránh tiêu cực và giảm bớt gánh nặng ngân sách. Ảnh Hồng Hải

Ngày 17/4, Bộ Công an đã họp với đại diện các bộ Tài chính, Tư pháp để lấy ý kiến, xây dựng dự thảo đề án đấu giá biển số xe. 

Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Sơn cho rằng, việc đấu giá quyền sử dụng biển số ôtô nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời tăng tính minh bạch, phòng ngừa tiêu cực trong lĩnh vực này.

"Trước mắt khi chưa có phương án tối ưu để đấu giá biển số xe phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ đưa ra lộ trình để thí điểm", ông Sơn nói.

Một thành viên trong tổ soạn thảo đề án cho hay, Luật đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, do vậy cần sửa đổi luật này để tạo hành lang pháp lý. Ngoài ra, một số văn bản liên quan cũng cần được điều chỉnh, trong đó có việc sửa đổi Luật giao thông đường bộ, thay vì "cấm mua, bán biển số xe" như hiện nay thì chuyển thành "cấm hành vi mua bán biển số xe trái phép".

Cũng theo thành viên nêu trên, một trong những nguyên tắc được nêu trong dự thảo đề án là chỉ bán đấu giá biển số xe của tổ chức, cá nhân trong nước (loại biển số nền màu trắng, có chữ số màu đen).

Giá khởi điểm với ôtô tối thiểu gấp 10 lần, với môtô gấp 5 lần lệ phí đăng ký. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh quyết định mức đấu giá ban đầu.

Những biển số xe được nhiều người ưa chuộng gồm biển có dãy số tự nhiên bằng nhau, dãy số liên tiếp theo chiều tăng lên, có tổng số ở hàng đơn vị là 7-8-9; có 2 số đầu, 2 số cuối bằng nhau... sẽ được lựa chọn để đấu giá, các số còn lại để người dân tự lựa chọn, hoặc ấn số ngẫu nhiên.

Việc đấu giá sẽ diễn ra trực tiếp, công khai ở các địa phương. Mỗi người tham gia phải đặt cọc trước một số tiền nhất định (do UNBD tỉnh phê duyệt).

Số tiền đấu giá biển số xe thuộc ngân sách nhà nước. Hội đồng đấu giá sẽ tạm thời được để lại 20% sử dụng cho việc mua sắm phương tiện, in ấn biểu mẫu, sổ sách; 80% nộp vào kho bạc. UBND cấp tỉnh có quyền quyết định chi số tiền này cho mục đích từ thiện; hàng quý, hàng năm phải báo cáo Bộ Tài chính để theo dõi...

Việc đấu giá biển số xe đẹp từng được Cục Cảnh sát giao thông đề xuất từ năm 1993, tuy nhiên gặp bế tắc vì Luật đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, khiến các Bộ liên quan không có căn cứ pháp lý để triển khai.

Hải Phòng, Bình Thuận, Nghệ An từng "vượt rào" tổ chức đấu giá biển số xe, thu hàng tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo và đã bị Bộ Tài chính, Bộ Công an "tuýt còi" vì vướng thủ tục pháp lý.

Năm 2008, Cục CSGT tiếp tục đề xuất đấu giá biển số xe, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương và giao các Bộ nghiên cứu triển khai. Hai Bộ Công an và Tài chính đã xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn nhưng thông tư sau đó không được thông qua vì vướng Luật đấu giá tài sản.

Theo Cục CSGT, hết năm 2016, cả nước có trên 3 triệu ôtô, trên 50 triệu xe môtô các loại; số lượng xe ôtô và môtô đăng ký mới có xu hướng gia tăng hằng năm, có địa phương tăng từ 30-40%. Tuy nhiên đến nay, nguồn kho 5 số còn rất dồi dào, nếu việc đấu giá được thực hiện sẽ tránh lãng phí và thu số tiền lớn.

Thiếu tướng Trần Thế Quân (Cục phó pháp chế, cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an) cho rằng, việc đấu giá nên đi liền với quy định một người gắn với biển số xe mình đã đăng ký suốt đời, khi thay xe khác vẫn giữ biển số đó, điều này giúp tiết kiệm kho số, hạn chế tốn kém và những tiêu cực không đáng có.

Ngoài ra, theo tướng Quân, "việc gắn mỗi cá nhân một biển số sẽ giúp ích rất nhiều trong việc quản lý của cơ quan chức năng, nhất là xử phạt nguội".

Ý kiến của bạn

Bình luận