Ghi nhận tại bến xe Mỹ Đình, bảng “Cấm hút thuốc” được gắn ở tất cả các cửa ra vào, nhà chờ. Tuy nhiên, gần như chẳng ai quan tâm đến nó. Ảnh: Sơn Tùng - Tô Thế |
Thế nhưng, theo khảo sát của phóng viên Tạp chí Giao thông vận tải, cho đến nay rất nhiều người dân vẫn cố tình “phớt lờ” hút thuốc ngay tại các nơi treo biển cấm. Tại các bệnh viện, bến xe, công sở, trường học… không khó để bắt gặp hình ảnh những người đàn ông trên tay phì phèo thuốc lá.
Sáng 10.12, vừa bước chân vào cổng bến xe Mỹ Đình (đường Phạm Hùng, Q. Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội), chúng tôi thấy ngay tấm băngrôn được treo chính diện khoa nội với dòng chữ rất to "Cấm hút thuốc lá trong khu vực bến xe".
Đưa mắt xa hơn, những biển báo, băngrôn cùng nội dung cũng được treo cố định trên khắp thân cây, vách tường…
Tuy nhiên, theo quan sát, những hàng ghế inox đặt chính giữa khu nhà chờ là địa điểm "lý tưởng" để hành khách thay nhau nhả khói thuốc. Và những gốc cây được xem như gạt tàn thuốc khổng lồ, chứa đựng vô vàn tàn thuốc mới - cũ.
Phớt lờ biển báo, mặc con nhỏ và vợ ngồi cạnh bên, anh T. vô tư rít vào và nhả ra từng đợt luồng khói trắng nghi ngút. Hút xong, tiện tay anh B. vứt ngay tàn thuốc xuống đất rồi giang tay ôm con nhỏ vào lòng.
Cứ như vậy, người hút xong đứng dậy đi thì chẳng bao lâu lại có người khác đến hút, cho nên bất kể lúc nào chúng tôi cũng thấy người hút trong khu vực nhà chờ bến xe này.
Dường như người hút thuốc không hề quan tâm đến những biển cấm hay những người ngồi xung quanh mình. |
Chiều cùng ngày, chúng tôi có mặt tại trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội), nhiều nhóm học sinh, trên người vẫn mặc đồng phục, thản nhiên tụ tập hút thuốc ngay bên ngoài các hàng quán gần trường phì phèo rít thuốc. Nhiều bạn trẻ, còn coi việc tập tành hút thuốc lá như một cách để chứng tỏ mình trưởng thành và “khoe” độ sành điệu. Điều đáng nói là khi bị nhắc nhở nhiều người còn tỏ ra khó chịu, phản ứng lại.
Và tất cả trường hợp hút thuốc tại khu vực cấm mà chúng tôi quan sát được đều không có trường hợp nào bị nhắc nhở hay xử phạt.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh- Giám đốc Quỹ Phòng chống THTL cho biết, ngay sau khi Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được ban hành, Quỹ PCTH thuốc lá đã hỗ trợ các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố tổ chức 205 lớp tập huấn cho 8.271 cán bộ thanh tra, công an các tỉnh, thành phố nâng cao năng lực trong công tác xử lý vi phạm hành chính về PCTH Thuốc lá.
Đặc biệt, Quỹ PCTH thuốc lá đã phối hợp với Bộ Công an, thanh tra Bộ Y tế tổ chức thanh tra, kiểm tra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước về việc thực hiện Luật PCTH thuốc lá. Trong 3 năm, từ 2015-2018, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 3.740 cơ sở. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm quy định của Luật PCTH thuốc lá là 706.600.000 đồng.
Tàn thuốc lá, vỏ bao thuốc lá vứt đầy ở các gốc cây xung quanh khu vực bến xe Mỹ Đình. |
Bên cạnh việc ra quyết định phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính, Quỹ PCTH thuốc lá cũng tổ chức nhiều chiến dịch, truyền thông tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá cũng như nâng cao hiểu biết của người dân về Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.
Cho đến nay, hơn 1.500 cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nghiêm quy định, cấm hút thuốc lá nơi làm việc. 10 nghìn trường học thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong trường học. 508 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc…
Đặc biệt, 63 tỉnh, thành phố đã thực hiện môi trường không khói thuốc theo quy định của Luật. Bên cạnh đó có 4 thành phố (Hạ Long, Huế, Nha Trang và Hội An) triển khai hoạt động xây dựng môi trường du lịch không khói thuốc lá.
Tuy nhiên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho hay, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về PCTH thuốc lá còn gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng thanh tra mỏng trong khi ý thức tuân thủ các quy định cấm hút thuốc của nhiều người còn hạn chế. Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện nhưng lại được bày bán tràn lan ở khắp mọi nơi, với giá rất rẻ, bất cứ ai cũng có thể mua được.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.