Không chấp nhận thu hút FDI bằng mọi giá

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Thị trường 06/10/2018 06:13

Thay vì nhượng bộ và dành quá nhiều ưu đãi thuế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần khẳng định lại vị thế của mình

\

photo1538703098183-1538703098183226756174
 

Gia tăng chuyển giá và trốn thuế

Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam, sau hơn 30 năm đổi mới, đến nay đã có khá nhiều doanh nghiệp FDI quy mô lớn đầu tư ở Việt Nam, trong đó có cả các tập đoàn đa quốc gia (MNCs) và xuyên quốc gia (TNCs) như Adidas, Abbott, Coca-Cola, Honda, Intel, Nestlé, Pepsi, P&G, Samsung, Toyota, Unilever, v.v…Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Tuấn, quy mô các dự án đầu tư FDI ở Việt Nam không quá lớn, bình quân khoảng 14,25 triệu USD vốn đăng ký một dự án, trong khi nếu tính theo vốn thực hiện thì chỉ chưa tới 6,5 triệu USD một dự án.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, các doanh nghiệp (DN) FDI hoạt động ở Việt Nam đã có những đóng góp hết sức quan trọng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, không thể quá lạc quan và “đặt cược” hết thành quả kinh tế Việt Nam trong những thập kỷ tới vào khu vực này. Nhiều mục tiêu thu hút FDI đã được đạt ra từ rất sớm trong Luật Đầu tư nước ngoài 1987 nhưng đến nay vẫn chưa như kỳ vọng.

Chẳng hạn, việc chuyển giao công nghệ còn thấp; nhiều dự án tập trung vào khai thác các lợi thế ưu đãi, dự án khai thác tài nguyên thô gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế, tránh thuế, né thuế, núp thuế trong rất nhiều DN đầu tư nước ngoài, kể cả các tập đoàn hàng đầu của thế giới.

Theo các báo cáo của VCCI, mỗi năm có khoảng 40-50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó có rất nhiều DN lỗ liên tục trong nhiều năm, thậm chí có DN lỗ lũy kế đến mức âm vốn chủ sở hữu nhưng vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, kể cả việc mở rộng quy mô kinh doanh.

Một số địa phương thu hút nhiều DN FDI như TPHCM, Bình Dương tỷ lệ DN FDI kê khai lỗ lên đến 50-60% số doanh nghiệp FDI, trong đó có rất nhiều DN kê khai lỗ trong nhiều năm. Năm 2010 số DN FDI kê khai lỗ ở Bình Dương là 754/1.490 DN chiếm tỷ trọng 50,6%, trong đó có 200 DN lỗ quá vốn chủ sở hữu.

Ở Lâm Đồng có đến 104/111 DN FDI kê khai lỗ trong năm 2009 và nhiều năm trước đó. “Nhiều tỉnh/thành thu hút nhiều DN FDI như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An… không thấy các cơ quan chức năng báo cáo tình hình kê khai lãi/lỗ của các DN FDI nhưng có thể con số cũng không thấp hơn 50% mức bình quân của cả nước. Đầu năm 2018, cập nhật của VCCI cho thấy: có đến 37,9% DN FDI báo cáo lỗ trong năm 2017” TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.

Điều đáng chú ý, theo ông Tuấn là mặc dù lỗ, thậm chí lỗ lũy kế đến mức âm vốn nhưng các DN này vẫn tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh thay vì phải thu hẹp sản xuất hoặc phá sản.

Trước thực trạng này, năm 2017, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra 1.288 DN, tổng số truy thu, truy hoàn, tiền phạt 3.085 tỉ đồng, giảm khấu trừ 265 tỉ đồng.

Thanh tra, kiểm tra ít nhiều gặp trở ngại

Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, các DN lớn luôn có tiềm lực tài chính và nhân lực rất mạnh. Họ có một đội ngũ chuyên gia cực kỳ am hiểu về kế toán, tài chính, thuế và luật để có thể  tạo ra vô vàn các giao dịch liên kết phức tạp và lập nên các báo cáo tài chính rất công phu đủ che mắt các cơ quan thuế. Khi đối diện với các cuộc thanh tra thuế, họ có thể thuê các chuyên gia thuế với chi phí đắt đỏ để tranh luận với các nhân viên thuế địa phương và thường thì họ dành phần thắng.

Ở Việt Nam, tình huống xảy ra tại Coca-Cola, Pepsi, Adidas, Metro… đã cho thấy điều đó.

“Ngoài vấn đề tiềm lực tài chính và nhân lực, các tập đoàn MNCs, TNCs hoạt động ở Việt Nam còn dành được sự quan tâm và ưu ái rất nhiều của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương. Việc thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các tập đoàn này ít nhiều cũng bị trở ngại bởi các rào cản vô hình  đó”, Tiến sỹ Tuấn cho hay.

Theo Bộ Tài chính, số tiền ưu đãi thuế ngày càng lớn, riêng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2016 Nhà nước ưu đãi đã đạt mức trên 46.800 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD), riêng khối FDI là 35.500 tỷ đồng. Tính chung 3 năm (2014-2016), số tiền ưu đãi thuế cho DN đã lên đến trên 117.000 tỷ đồng.

Tính bình quân, khu vực FDI đang được miễn giảm, nhận được tổng ưu đãi tới 91,9% tổng số thuế TNDN phải nộp. Trong khi đó các DN dân doanh của Việt Nam chỉ được ưu đãi 17,8% số thuế phải nộp, còn khối DNNN chỉ được 4,8%.

Ý kiến của bạn

Bình luận