Tài xế khi vi phạm giao thông, không xuất trình được với cảnh sát giấy tờ xe bản gốc sẽ bị xử phạt 200.000-400.000 đồng. Ảnh minh hoạ. Bá Đô |
Anh Trần Văn Dũng (ở Đống Đa, Hà Nội) vừa mua chiếc Honda City với giá lăn bánh 640 triệu đồng. Hơn một nửa số tiền trên, anh vay ngân hàng và bị thu lại đăng ký xe để lấy đó là tài sản đảm bảo cho khoản vay. Anh được cấp một tờ giấy xác nhận có con dấu và chữ ký của lãnh đạo ngân hàng, giá trị trong 3 tháng một. "Cán bộ giao dịch ngân hàng nói đây là thủ tục vẫn tiến hành lâu nay, tờ giấy xác nhận này thay thế cho đăng ký xe bản gốc khi chủ xe phải xuất trình với nhà chức trách", anh Dũng nói.
Tuy nhiên, vài ngày qua khi nghe thông tin cảnh sát giao thông sẽ không chấp nhận tờ giấy xác nhận của ngân hàng và sẽ xử phạt lỗi "không có giấy tờ gốc", anh Dũng rất lo lắng. Anh hỏi phía ngân hàng cho vay mua xe thì được giải thích, theo điều Điều 323 Bộ luật dân sự 2015, nhà băng được phép giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp theo thỏa thuận.
"Do vậy việc ngân hàng giữ giấy chứng nhận đăng ký xe là hợp pháp, việc cơ quan công an yêu cầu khách hàng xuất trình bản gốc đăng ký xe là không phù hợp. Xe đã được thế chấp cho ngân hàng, các bên đã thỏa thuận việc ngân hàng giữ bản gốc và cấp giấy lưu hành cho khách hàng", văn bản trả lời ngân hàng nêu.
Trái ngược với quan điểm của ngân hàng anh Dũng vay, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng sau khi làm hợp đồng vay, thế chấp tài sản phải giao lại bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông, căn cứ Nghị định 163/2006 (được sửa đổi bởi Nghị định 11/2012). Quy định này đồng nghĩa với việc từ năm 2012 các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng, sau khi cho khách hàng vay và làm các thủ tục thế chấp xong phải trao trả cho người thế chấp giấy đăng ký xe bản gốc.
Liên quan nội dung này, thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Cục phó CSGT (Bộ Công an) có công văn gửi công an các tỉnh thành phố nhắc lại chỉ đạo trên của Ngân hàng Nhà nước, đề nghị "lãnh đạo cảnh sát giao thông các địa phương dựa vào đây để nghiên cứu, thực hiện".
Lý giải vấn đề này với VnExpress, đại diện Cục CSGT cho rằng, từ trước tới nay, lực lượng cảnh sát giao thông làm theo đúng quy định của pháp luật: "Người tham gia giao thông nếu không đủ các giấy tờ giấy tờ đăng ký xe, bằng lái xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bản chính... khi vi phạm giao thông sẽ bị xử lý".
"Gần đây Cục ra công văn trên là do Ngân hàng nhà nước có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng phải điều chỉnh, thực hiện nghiêm quy định bản gốc giấy tờ xe cho người vay tiền", vị này nói.
Cũng theo đại diện Cục CSGT, nội dung trên không mới so với các quy định trước đây, và đã nêu ra trong Nghị định số 163/2006, được sửa đổi năm 2012. "Phần lớn do người dân chưa hiểu hết về quyền của mình khi vay thế chấp ngân hàng nên trong thời gian vay đã chấp thuận cho ngân hàng giữ lại bản gốc giấy tờ xe".
Luật sư Phạm Thanh Bình (Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc) đánh giá: "Về bản chất, cảnh sát giao thông đang làm đúng theo quy định của pháp luật hiện hành". Ông cho rằng có thể Cục CSGT dựa vào văn bản trên của Ngân hàng nhà nước, lấy đó làm cơ sở để hướng dẫn và chỉ đạo cảnh sát giao thông các địa phương xử phạt.
Tuy nhiên, luật sư cho rằng cảnh sát giao thông khi xử lý phương tiện vi phạm cũng cần phải xem lại thời điểm, hiệu lực của hợp đồng đảm bảo, cầm cố tài sản. "Nếu hợp đồng cầm cố, thế chấp được lập trước thời điểm quy định trên có hiệu lực thì chủ ôtô không bị xử phạt, những giao dịch phát sinh sau thời điểm văn bản hướng dẫn mới bị áp dụng", ông Bình nói.
Theo Nghị định 46 về xử phạt hành chính vi phạm giao thông, người điều khiển ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đến 400.000 đồng. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.