Bộ GTVT thay đổi hình thức đầu tư cải tạo QL22B từ BOT sang đại tu toàn bộ mặt đường |
Ngày 11/8, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh về đầu tư, xây dựng phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân cho biết tình hình chung về KT-XH, phát triển hạ tầng giao thông, có 10 kiến nghị với Bộ GTVT về lĩnh vực đầu tư BOT, đường bộ cao tốc, đường sắt và đường thủy nội địa.
Tuy nhiên vấn đề nóng nhất trong các kiến nghị của Tây Ninh chính là mong muốn Bộ GTVT sớm triển khai cải tạo, nâng cấp 84km mặt đường QL22B hiện đang xuống cấp nghiêm trọng.
Trải qua 8 năm đưa vào sử dụng giai đoạn 1 (nâng cấp, mở rộng nền, mặt đường, thảm 7cm bê tông nhựa nóng trên móng đường cấp phối đá dăm) QL22B vốn chưa được đầu tư hoàn chỉnh kết cấu áo đường nay bị xuống cấp nặng. Tuy nhiên phải gánh chịu một lưu lượng giao thông cực lớn và ngày càng tăng với nhiều loại xe tải nặng vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ các KCN, KCX, cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát, cảng Bến Kéo. Đặc biệt là nhà máy xi măng Fico Tây Ninh hoạt động với rất nhiều xe tải chuyên dùng tải trọng lớn.
Hiện tại cường độ nền mặt đường hiện nay đang bị suy giảm nhanh, xuất hiện nhiều hư hỏng nặng, mà chủ yếu trong phạm vi mở rộng nền đường phía bên trái tuyến (hướng Tây Ninh - TPHCM) và đường hai đầu cầu gây mất ATGT cho người và phương tiện.
Vì lý do trên tỉnh Tây Ninh rất muốn Bộ GTVT sớm triển khai đầu tư dự án nâng cấp QL22B theo hình thức BOT. Tỉnh còn tìm kiếm sự đồng thuận xã hội cho chủ trương này bằng cách lấy ý kiến của đại biểu Quốc Hội đơn vị Tây Ninh, đại biểu HĐND, Hiệp hội vận tải và người dân.
Tỉnh cũng kiến nghị nếu Bộ GTVT nếu không làm BOT QL22B thì thống nhất kiến nghị Chính phủ giao lại cho địa phương kêu gọi đầu tư làm BOT. Sau khi kết thúc thời hạn thực hiện dự án BOT, Bộ GTVT ủy thác cho Tây Ninh quản lý, khai thác, bảo trì.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa: "Đầu tư BOT kiểu như QL22B là không có sự lựa chọn cho người dân" |
Tỉnh Tây Ninh cũng kiến nghị Bộ sớm đầu tư đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, vì đây là tuyến đường huyết mạch nối TPHCM với Phnom-Pênh (Campuchia) và các nước hành lang xuyên Á, phía bạn đã cắm mốc đến khu vực biên giới Việt Nam - CamPuChia. Tỉnh cũng mong muốn Bộ đưa vào quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030 tuyến đường cao tốc từ Gò Dầu - TP Tây Ninh - cửa khẩu Xa Mát (tuyến này song song với tuyến QL22B, kết nối với tuyến cao tốc TPHCM- Mộc Bài tại Gò Dầu).
Trước 10 kiến nghị của tỉnh Tây Ninh, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa giao cho các cơ quan chuyên môn của Bộ như Vụ PPP, Vụ KHĐT, Tổng cục Đường bộ, Cục QLXD&CLCTGT, UBATGTQG xem xét đối chiếu các quy định để hỗ trợ địa phương phát triển hạ tầng giao thông.
Về đầu tư cải tạo QL22B, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định giai đoạn này sẽ chưa đầu tư QL22B theo hình thức BOT vì đây là đường độc đạo và như vậy người dân không có lựa chọn, phải đi đường trả phí. Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét tính toán suất đầu tư cải tạo lại mặt đường êm thuận, nâng cấp cầu cho đồng bộ với đường. Khái toán sơ bộ do ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ đưa ra cho toàn bộ 84km là khoảng trên 200 tỷ đồng. Bí thư tỉnh ủy Tây Ninh Lưu Trần Quang đồng thuận với ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa là trước mắt tỉnh ứng vốn để thi công ngay trong vòng 2 năm, Bộ sẽ tìm nguồn vốn hoàn trả sau.
Bộ trưởng thống nhất với Tây Ninh và sẽ chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ xem xét trình kiến nghị Chính phủ bổ sung quy hoạch và xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - TP Tây Ninh - Xa Mát, và thay vì làm BOT QL22B thì dồn lực vào làm cao tốc này sẽ hiệu quả hơn cho địa phương, người dân có sự lựa chọn đi đường cao tốc có thu phí và đường QL không thu phí.
Về chủ trương đầu tư chung, Bộ GTVT không dừng việc đầu tư các dự án BOT mới, mà hiện nay ưu tiên vào các dự án cấp bách xã hội, tránh việc đầu tư mà không có lựa chọn cho người dân. Đầu tư BOT nên là đường mới không phải độc đạo trùng với tuyến QL hiện hữu. Việc đầu tư đảm bảo tính minh bạch từ khâu lấy ý kiến, chuẩn bị đầu tư, xây dựng, giám sát và giai đoạn thu phí.
Trước đó với phương án đầu tư cải tạo, nâng cấp mặt đường QL22B theo phương thức BOT, Ban QLDA 7 dự tính tổng mức đầu tư dự án là 1.115,7 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp khoảng 700 tỷ đồng. Nhà đầu tư bỏ 100% vốn TMĐT, vay 85%, 15% tổng mức ĐT còn lại là vốn sở hữu nhà đầu tư với thời gian hoàn vốn 18 năm 5 tháng. Tuy nhiên vẫn chưa có nhà đầu tư nào ngỏ ý quan tâm.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.