Dự án hiện đại hoá Trung tâm điều hành vận tải Đường sắt (OCC) được Tổng công ty ĐSVN phê duyệt từ năm 2006, có điều chỉnh bổ sung năm 2007 gồm 4 gói thầu với tổng mức đầu tư 254,932 tỷ VNĐ, trong đó vốn ODA là 10.635.837 EUR (tương đương 219,438 tỷ VNĐ), vốn đối ứng là 35,493 tỷ đồng. Dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA từ Chính phủ Đức theo Hiệp định vay vốn giữa Ngân hàng KfW, Bộ Tài chính Việt Nam và Tổng công ty ĐSVN. Ban quản lý các dự án Đường sắt (RPMU) làm chủ đầu tư.
Dự án sẽ đầu tư 01 Trung tâm điều hành quốc gia đặt tại Hà Nội, 03 Trung tâm điều hành khu vực đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn và 158 trạm làm việc tại các đơn vị chuyên môn có liên quan trực tiếp đến điều hành chạy tàu; trang bị 392 thiết bị OBU (thiết bị trên đầu máy), GSM (thông tin di động), MMI/nút ấn (giao diện giữa lái máy với thiết bị), antenna cho 287 đầu máy đang vận hành trên đường sắt chính tuyến.
Dự án nhằm trang bị hệ thống thông tin hành khách (PIS) tại 8 ga hành khách lớn để cung cấp thông tin thời gian thực tới khách hàng, gồm: Hà Nội, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Diêu Trì, Nha Trang, Sài Gòn. Đồng thời, Dự án sẽ nâng cấp, cải tạo phòng máy đặt thiết bị, trang bị nguồn điện dự phòng (UPS), trang bị bàn ghế tại các phòng điều độ. Dự án cũng sẽ đào tạo và hướng dẫn vận hành cho toàn bộ nhân viên liên quan điều hành chạy tàu, gồm: nhân viên trung tâm ĐHVT, trực ban tại các nhà ga và lái tàu.
Hệ thống OCC có chức năng lập biểu đồ chạy tầu bằng máy tính. Trong đó, biểu đồ chạy tàu dài hạn phục vụ các mác tàu cố định. Biểu đồ chạy tàu ngắn hạn, hàng tháng hoặc hàng ngày (phục vụ các mác tàu theo mùa, ngày lễ hoặc theo các yêu cầu đột xuất khác). Hệ thống OCC được hiển thị toàn cầu, có thể đánh giá tọa độ GPS để cung cấp các thông tin về thời gian thực của đoàn tàu trên mạng lưới ĐSVN.
Hệ thống OCC thực hiện chức năng thông tin thoại và dữ liệu giữa Trung tâm OCC và đoàn tàu thông qua thiết bị trên tàu (OBU). Theo đó, hệ thống cho phép giao tiếp thoại trực tiếp giữa người lái tàu và điều độ viên tại trung tâm. Hệ thống còn cho phép gửi tin nhắn dữ liệu 2 chiều giữa Trung tâm OCC và OBU với các nội dung định trước. Hệ thống OCC còn quản lý đầu máy, toa xe nhân sự như: Thực hiện việc quản lý đầu máy toa xe và nhân sự hợp lý nhờ vào cơ sở dữ liệu được lưu trữ trong hệ thống. Từng đơn vị trực tiếp khai thác của ĐSVN sẽ có một giao diện với các nguồn dữ liệu bằng việc đăng nhập cá nhân. Ngoài ra, hệ thống OCC còn có chức năng quản lý hàng hóa, dịch vụ thông tin; phân tích lỗi hệ thống OCC; đánh giá tiêu thụ nhiên liệu; giám sát tốc độ; thông tin hành khách tại các nhà ga hành khách lớn.
Về tình hình thực hiện dự án, ông Nguyễn Đức Sơn, Phó giám đốc Ban quản lý các dự án Đường sắt (RPMU) cho biết: Hiện tại Dự án đã hoàn thành công tác khảo sát thu thập số liệu phục vụ TKKT. Trong quá trình thực hiện, cần điều chỉnh một số nội dung kỹ thuật so với thiết kế tổng quan. RPMU yêu cầu nhà thầu nghiên cứu, bổ sung thêm thiết bị đo lưu lượng nhiên liệu tiêu thụ của từng đầu máy trên cơ sở không thay đổi giá trị hợp đồng EPC đã ký. Ông Sơn cũng kiến nghị cần rà soát, cắt giảm một số hạng mục để dành chi phí thực hiện hạng mục thiết bị đo lưu lượng tiêu thụ nhiên liệu. Đồng thời, sử dụng nguồn vốn đối ứng của dự án để thực hiện hạng mục bổ sung bằng công nghệ và thiết bị có sẵn tại Việt Nam…
Đến thời điểm này, dự án mới giải ngân được 346.500 EUR đối với vốn ODA và 190 triệu VNĐ đối với vốn đối ứng. Đối với hợp đồng EPC đã tạm ứng 20% giá trị hợp đồng, vốn ODA đã giải ngân được 1.897.400 EUR và vốn đối ứng là 4,2 tỷ VNĐ.
Được đánh giá là dự án quan trọng góp phần hiện đại hóa ĐSVN, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, tiến độ thực hiện dự án còn quá chậm so với mục đích và ý nghĩa mà dự án mang lại. Trong quá trình thực hiện có những phát sinh song các bên chưa thực sự giải quyết triệt để, dẫn đến tình trạng kéo dài. Trong quá trình xây dựng dự án, tính khả thi chưa được thể hiện chi tiết, sự phân công các đầu mối công việc chưa rõ ràng, cụ thể.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị cần khẩn trương thực hiện phần việc còn lại của dự án. HĐTV Tổng công ty ĐSVN cần xem xét, thống nhất và bắt tay ngay vào công việc và phải có báo cáo với Bộ trước ngày 25/03/2014. Thứ trưởng cũng chỉ rõ, khi thực hiện dự án, Tổng công ty ĐSVN không thay đổi về phạm vi và nội dung của dự án nhưng phải xác định khối vận tải sẽ phải tách ra để tính toán riêng theo đúng yêu cầu của đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
Thứ trưởng lưu ý cần chú ý tới chất lượng các thiết bị công nghệ, tính ứng dụng, khả năng tương thích với điều kiện tại Việt Nam. Thứ trưởng đề nghị các cơ quan của Bộ cần phối hợp chặt chẽ với ĐSVN và chủ đầu tư để thực hiện dự án hiệu quả.
Việt Cường
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.