Lượng khách giảm mạnh, tài xế "kêu trời"
Từ ngày 10/3, ứng dụng đặt xe công nghệ Grab điều chỉnh giá cước dịch vụ. Theo đó, giá cước dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội và TP. HCM sẽ được điều chỉnh lên mức 29.000 đồng cho 2km đầu tiên và 10.000 đồng mỗi km tiếp theo. Dịch vụ taxi công nghệ có giá cước cao nhất của Grab là GrabCar Protect 7 chỗ được điều chỉnh lên mức 38.600 đồng cho 2km đầu tiên và 13.900 đồng mỗi km tiếp theo tại TP. HCM.
Tại Hà Nội, dịch vụ này có giá cước nâng lên 34.300 đồng 2km đầu, 11.800 đồng cho mỗi km tiếp theo. Dịch vụ GrabCar cũng tăng giá cước tại các tỉnh thành khác phổ biến ở mức 27.500 đồng cho 2km đầu tiên, dao động khoảng 10.000 - 12.400 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Theo đại diện Grab, việc điều chỉnh giá cước sẽ giúp bù đắp một phần chi phí vận hành của đối tác tài xế để họ có thêm cơ hội thu nhập, đồng thời khuyến khích đối tác hoạt động tích cực và phục vụ người dùng tốt hơn.
Nhưng sau hơn 2 tuần áp dụng việc điều chỉnh giá cước mới, nhiều tài xế phản ánh tình trạng khan hiếm khách hàng. Thậm chí nhiều người đã phải tắt app để chạy ngoài nhằm kiếm thêm thu nhập.
Một tài xế chạy Grab được 5 năm chia sẻ: “Khi nhận được thông báo Grab tăng cước phí để hỗ trợ đối tác trong hoàn cảnh giá xăng tăng mạnh, anh em chúng tôi cũng phấn khởi. Nhưng chỉ được một thời gian, chúng tôi nhận ra rằng số lượng cuốc xe thưa dần, thậm chí giảm một nửa so với khoảng thời gian trước đó”.
Tài xế GrabCar Plus Nguyễn Đức Mạnh cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, khách đi giảm mạnh. Những ngày gần đây, giá xăng dầu tăng cao, cùng với mức chiết khấu cho hãng xe hơn 37% và các chi phí khác, thu nhập của tài xế ngày càng bấp bênh.
Theo anh Mạnh, trước đây, một ngày anh chạy xe 100km sẽ mất khoảng 150.000 đồng tiền xăng. Khi giá xăng dầu tăng, con số này tăng lên khoảng 250.000 đồng. Do đó, vệc Grab tăng giá cước sẽ bù lại phần nào tiền xăng dầu, giúp thu nhập cho tài xế cải thiện, nhưng khách hàng sẽ mất thêm chi phí.
Không lợi dụng việc tăng giá nhiên liệu để tăng giá cước
Việc điều chỉnh tăng giá cước không chỉ các tài xế, nhiều khách hàng cũng lựa chọn quay lưng với Grab. Theo chia sẻ của một số khách hàng thân thiết, họ lựa chọn các hãng khác một phần là vì giá cả có sự chênh lệch, một phần là vì lí do tăng giá cước để hỗ trợ tài xế của Grab đưa ra chưa thật sự thuyết phục. Bằng chứng là nhiều hãng xe công nghệ giảm chiết khấu đối với tài xế, giữ nguyên giá dịch vụ nhằm hỗ trợ cả đối tác và khách hàng.
Anh Nguyễn Thanh Hưng, một khách hàng thường xuyên của Grab cho rằng: “Ban đầu khi nhận được tin giá cước tăng, mình cho rằng mức tăng này không đáng kể nên mình vẫn sử dụng dịch vụ của Grab. Một phần cũng là vì muốn hỗ trợ các tài xế khi giá xăng đang cao. Nhưng sau khi biết một số hãng khác không tăng giá dịch vụ, đồng thời vẫn hỗ trợ tài xế bằng cách giảm chiết khấu”.
“Mình khá bất ngờ và có chút đắn đo. Sau cùng, là khách hàng, mình lựa chọn các hãng khác vì chất lượng dịch vụ không quá khác biệt, giá cả lại rẻ hơn”, anh Hưng cho biết thêm.
Chị Nguyễn Thị Thu Phương, một nhân viên văn phòng thường xuyên lựa chọn dịch vụ Grab chia sẻ: “Khi giá cước Grab tăng mình cũng hơi bất ngờ, vì giá lúc chưa điều chỉnh đã ở mức cao hơn so với các hãng xe công nghệ khác. Chính vì vậy mà bây giờ thay vì chỉ sử dụng Grab, mình dùng thêm nhiều hãng khác để khi cần so sánh giá dịch vụ và đưa ra lựa chọn hợp lí”.
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường gọi xe có tính cạnh tranh cao giữa các hãng xe công nghệ với nhau; giữa hãng xe công nghệ và doanh nghiệp vận tải truyền thống. Việc tăng giá cước hay không, hoặc tăng như thế nào phụ thuộc vào chiến lược giá của từng hãng.
Chuyên gia La Văn Thái cho biết: Qua theo dõi trên các diễn đàn xe công nghệ, tôi cho rằng việc Grab tăng giá cước phí thời gian gần đây đang có những tác dụng ngược. Nhiều tài xế đã phản ứng lại bằng việc tắt app, không nhận cuốc xe với mong muốn gây áp lực để Grab xem xét và điều chỉnh chính sách phù hợp hơn.
"Đối với chính sách tăng giá cước, trước mắt doanh nghiệp và các đối tác của Grab có lợi nhưng có thể khách hàng không chấp nhận giá cước mới, sẽ chuyển sang sử dụng ứng dụng khác, từ đó họ sẽ mất đi thị phần", chuyên gia La Văn Thái cảnh báo.
Tương tự, đại diện Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng việc Grab tăng giá cước trong khi dịch vụ không được cải thiện là thiệt thòi cho người tiêu dùng. Do đây là quan hệ dân sự "thuận mua vừa bán" nên người dùng hoàn toàn có thể lựa chọn hãng xe khác có giá cước hợp lý hơn.
Trước việc hàng loạt hãng từ taxi, xe công nghệ đến xe khách liên tỉnh đồng loạt tăng giá cước sau khi giá xăng tăng cao, vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, vận chuyển hành khách bằng taxi thực hiện kê khai giá, niêm yết giá và tuyệt đối không lợi dụng việc giá nhiên liệu tăng để tăng giá ở mức cao, thu cao hơn mức giá kê khai; thực hiện lập phương án giá theo đúng các chi phí hợp lý phát sinh.
Đáng chú ý, nhằm bình ổn giá dịch vụ vận tải, Sở GTVT Hà Nội cũng giao Thanh tra Sở phối hợp với Sở Tài chính và UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra việc chấp hành các quy định quản lý nhà nước về giá, kiên quyết xử lý các tổ chức cá, nhân lợi dụng để tăng giá cước vận chuyển hành khách trên địa bàn thành phố.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.